Người lớn hãy là điểm tựa cho con em

Vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng xảy ra tại Hưng Yên làm chấn động dư luận cả nước trong những ngày vừa qua. Các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục cũng đã phân tích những nguyên nhân vụ việc, cả khách quan lẫn chủ quan.

 Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho con cái (ảnh: Mẹ hướng dẫn các con cách yêu thương động vật tại VooDoo Đà Lạt). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho con cái (ảnh: Mẹ hướng dẫn các con cách yêu thương động vật tại VooDoo Đà Lạt). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dưới góc nhìn của nhà tâm lý học, chúng tôi xin phân tích và đề xuất ở khía cạnh sự quan tâm của người lớn đối với trẻ còn hời hợt.

Thiếu sự quan tâm của người lớn

Qua các vụ bạo lực học đường, có ý kiến cho rằng các em thiếu kỹ năng cũng như những giá trị sống cần thiết. Cũng có ý kiến tập trung vào nhóm nguyên nhân như do trẻ hiện nay đam mê bạo lực, hay tụ tập những nhóm không chính thức. Từ đó, đề xuất hệ thống những giải pháp để ngăn ngừa bạo lực học đường. Thực tế, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm, sự vô cảm và sự bao biện của người lớn. Có thể nhận thấy, không ít học sinh hiện nay thiếu sự quan tâm của người lớn.

Có nhiều lý do khác nhau khiến các em thiếu điểm tựa vững chắc trong cuộc sống. Ở gia đình, một số phụ huynh vì cuộc sống túng thiếu hoặc vì mải mê mưu sinh mà xao nhãng trách nhiệm giáo dục con cái. Dường như họ rất ít thời gian quan tâm đến việc học tập, sinh hoạt, cũng như tâm tư, tình cảm của con. Có gia đình cho con sử dụng smartphone, máy tính nối mạng, nhưng không kiểm soát việc con liên lạc với ai, xem các nội dung gì và lên mạng như thế nào. Đã có không ít học sinh thản nhiên chứng kiến những vụ bạo lực học đường và quay video clip để tung lên mạng, do chưa hề được cha mẹ giáo dục, cảnh báo trước những nguy cơ mà hành vi vô cảm của mình mang lại. Thậm chí có gia đình cha mẹ giao khoán, phó mặc hoàn toàn việc giáo dục con cái cho nhà trường, ít quan tâm đến con cái nên khi các cháu gặp khó khăn thì không biết thổ lộ cùng ai.

Ở nhà trường cũng vậy, chính sự bao biện, căn bệnh thành tích trầm kha nên nhà trường cũng ít quan tâm đến đời sống riêng tư của học sinh. Các em thành lập những nhóm không chính thức, lên mạng xã hội để kết bè rồi lập phe cánh, chia rẽ mối đoàn kết của tập thể lớp học, nhưng giáo viên rất khó mà nắm bắt được. Trong khi đó, không ít giáo viên vẫn còn thiếu những kỹ năng cần thiết để giúp học sinh lên mạng xã hội một cách an toàn. Cũng có giáo viên, vì thiếu hụt kiến thức tâm lý học lứa tuổi, thiếu nghiệp vụ sư phạm nên không biết ứng xử ra sao khi có mầm mống của bạo lực, và rồi khi xảy ra sự việc đau lòng thì bao biện, đổ lỗi.

Trong các vụ bạo lực học đường, các học sinh đánh hội đồng là các em lứa tuổi không còn là trẻ con nhưng cũng không phải là người lớn, nên đời sống tâm lý có nhiều diễn biến phức tạp. Các em không phải là người không có lỗi, nhưng nguyên nhân chính lại là từ người lớn. Vì thiếu sự quản lý nên các em tự do tùy tiện; vì thiếu sự định hướng kịp thời nên các em không biết lựa chọn thông tin nào phù hợp; vì giáo viên thiếu kỹ năng, thiếu linh hoạt, sáng tạo dẫn đến xử lý thiếu tính giáo dục, thậm chí là phản cảm, khiến học sinh bị tổn thương hơn.

Vun đắp lòng hướng thiện

Người lớn phải thực sự là điểm tựa tinh thần của con em. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì cha mẹ cũng phải là người thường xuyên quan tâm, uốn nắn con cái. Gia đình luôn là nền tảng trong giáo dục con cái, chính việc tổ chức cuộc sống gia đình phù hợp, con cái có trách nhiệm trong gia đình, bầu không khí tâm lý hòa thuận, thì con em biết sống có trách nhiệm với cộng đồng. Hướng thiện từ trong gia đình là cách hướng thiện mang tính gốc rễ để có thể hình thành lối sống, nếp sống với tập thể và xã hội.

Tại nhà trường, giáo viên phải là những người anh, người chị thân thiết, không chỉ dạy chữ mà còn dạy học trò làm người. Bên cạnh trang bị kiến thức, thầy cô phải gần gũi quan tâm sâu sắc đến học trò của mình, có những bài học thực tiễn sinh động, đầy tính nhân văn, từ đó mới có thể giúp các em tránh những hành động vô cảm, thờ ơ. Những mầm mống bạo lực sẽ bị triệt tiêu tận gốc nếu giáo viên nắm bắt kịp thời, có khả năng dự báo và nhanh chóng xử lý. Đồng thời thầy cô phải quan tâm đến đời sống sinh hoạt ở mọi nơi mọi chỗ của các em.

Tất nhiên, không phải lúc nào giáo viên cũng bên cạnh học sinh, nhưng nếu giáo viên có trách nhiệm thì có thể dễ dàng lắng nghe, thấu hiểu và cùng các em giải quyết những khó khăn vướng mắc. Thực tế, một số trường vì thành tích mà giáo viên bao biện, quản lý cũng bao biện, nên khi có sự việc xảy ra thì họ lúng túng và tìm cách đổ lỗi cho người khác. Không có học sinh yếu kém về học lực cũng như hạnh kiểm, mà chỉ có giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ - đó là triết lý giáo dục mà mỗi nhà giáo cần phải nhận thức đầy đủ.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên Tâm lý Đại học Nguyễn Huệ)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nguoi-lon-hay-la-diem-tua-cho-con-em-585010.html