Người lính tăng quả cảm

Ông Trần Ngọc Giao sinh năm 1956, quê ở phường Hà Tu (TP Hạ Long) hiện định cư ở Bình Dương, nguyên là chiến sĩ tăng thiết giáp của Binh đoàn Cửu Long. Năm 1979, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Trần Ngọc Giao lúc còn trẻ (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh hùng Trần Ngọc Giao lúc còn trẻ (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Trần Ngọc Giao kể: "Vào tháng 2/1975, tôi làm đơn xung phong nhập ngũ và được tuyển lựa làm lính xe tăng. Tuyển chọn cũng khắt khe lắm mới được. Thời đó lính tăng có giá lắm, chỉ đứng sau không quân thôi. Đợt của chúng tôi nhận nhiệm vụ hành quân vào Sài Gòn, hỗ trợ cho mũi tiến công thứ nhất. Chúng tôi chỉ mong nhanh vào giải phóng miền Nam. Thế nhưng, khi chúng tôi hành quân được nửa đường thì vui mừng nhận tin miền Nam đã giải phóng. Chúng tôi nhận lệnh tiếp tục hành quân đến tháng 8/1975 thì đặt chân đến Sài Gòn…".

Sau một thời gian tiếp quản Sài Gòn, ông Giao và đồng đội đang sửa chữa xe tăng để phục vụ công tác xây dựng lực lượng thì quân Pôn pốt tấn công biên giới Tây Nam. Đơn vị của ông Giao lại tiếp tục nhận lệnh lên đường.

Lúc đó, ông Trần Ngọc Giao, 25 tuổi, quân hàm chuẩn úy, được giao là trưởng xe tăng số hiệu 975 kiêm Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 10, Tiểu đoàn xe tăng 2 (Lữ đoàn tăng - thiết giáp 22 của Quân đoàn 4) tiến vào Bộ Tổng tham mưu của Khmer Đỏ.

Trên đầu đội hình hành tiến đánh Pôn Pốt, Chuẩn úy trung đội trưởng Trần Ngọc Giao chỉ huy xe tăng T-54 số 975 vừa dùng hỏa lực, vừa dùng xung lực đâm húc hất xe pháo địch xuống vệ đường. Sau 20 phút chiến đấu, quân Khmer Đỏ vỡ trận, bỏ chạy. Được các xe sau yểm hộ, xe 975 của ông Giao lao lên với tốc độ cao nhất chen vào giữa đội hình xe địch. Khi xe 975 bắn hạ được hai chiếc phía trước trong cự ly quá gần, khói bụi che lấp tốc độ nhanh không lấy được tim đường nên bị lọt xuống mương.

Anh hùng Trần Ngọc Giao.

Khi Đại đội XT10 đến, Trần Ngọc Giao lên thay Đại đội trưởng trên chiếc xe tăng T-54 số 973, dẫn đầu đội hình chọc thẳng vào thành phố. Đại đội XT10 do Trần Ngọc Giao chỉ huy lao thẳng vào Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh của Khmer Đỏ.

Ông Trần Ngọc Giao là người đầu tiên cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu của Khmer Đỏ ở Phnôm Pênh. Thời điểm đó là vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 7/1/1979. Xe tăng của ông là xe đầu tiên tiến vào Bộ Tổng tham mưu của Khmer Đỏ. Tuy nhiên, bọn diệt chủng Pôn Pốt vẫn chưa bị tiêu diệt hẳn, tàn dư của chúng vẫn còn. Lính Pôn Pốt trên các tòa nhà vẫn bắn xuống chống trả. Chuẩn úy Giao lệnh cho pháo thủ bắn lên yểm trợ, còn mình thì chạy lên cắm cờ.

Xe tăng số hiệu 973 - xe tăng đầu tiên của Quân đoàn 4 tiến vào thủ đô Phnom Penh. Ông Giao là người ngồi bên ngoài xe tăng. Ảnh tư liệu của nhân vật.

Lá cờ ngoài xe tăng đã bị địch bắn nát. Ông phải cởi chiếc áo thun trắng đang mặc, lấy mỡ bò viết chữ: "B2, C10, D2, Lữ 22" (trung đội 2, đại đội 10, tiểu đoàn 2, lữ đoàn 22) rồi cột trên nóc tòa nhà của Bộ tổng tham mưu địch làm cờ. Ông lệnh cho xe điện báo về đơn vị: Xe tăng 973 đã chiếm lĩnh được thành phố Phnom Penh lúc 10h30'!. Sau đó không lâu, các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 cùng Binh đoàn 1 của bộ đội cách mạng Campuchia đã làm chủ hoàn toàn thủ đô Phnom Penh. Với những thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc của mình, ngày 20/12/1979, ông Giao được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Một số danh hiệu và phần thưởng mà ông Giao đã vinh dự nhận được.

Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, ông Giao phục viên với quân hàm đại úy. Sau khi giải ngũ, ông Trần Ngọc Giao lập gia đình và định cư ở TX Dĩ An, Bình Dương. Ông kể: “Tôi đã quen với cuộc sống trong Nam từ 15 năm dài chiến đấu, nên khi chuyển ngành thì quyết định “đóng đô” trong ấy luôn. Sau đó, ba tôi mất, tôi muốn đón mẹ tôi vào Nam ở hẳn nhưng cụ cứ ở được dăm bữa nửa tháng là lại kêu nhớ quê, nằng nặc đòi đưa về…”.

Không giữ được mẹ ở miền Nam nên hàng năm ông Giao trở về Quảng Ninh nhiều lần để thăm mẹ, thăm các đồng đội tăng thiết giáp một thời. Còn ở phía Nam ông đã cùng với anh em lập các hội đồng hương, đồng ngũ để gặp gỡ cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202002/nguoi-linh-tang-qua-cam-2471323/