Người lính già và hồi ức đánh đuổi tàu Ma-đốc

Đã 50 năm trôi qua, nhưng hồi ức về những ngày tháng đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ở Lạch Trường vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của người lính năm xưa Trương Đình Tư (SN 1939), quê ở Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Trong những ngày kỷ niệm 50 năm đánh thắng trận đầu, chúng tôi về thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), thăm ông Trương Đình Tư - nguyên là Thuyền phó, kiêm hỏa lực tàu tuần tiễu 142 đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ngày 2-8-1964. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng hồi ức về ngày ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Ông Tư đã 7 lần đánh đuổi tàu Vơ-đét của Mỹ - ngụy. Trong đó, ông nhớ nhất trận chiến với khu tàu khu trục Ma-đốc đột nhập vào vùng biển ta ngày 2-8-1964.

Ông Tư kể lại, bố mẹ ông sinh được 2 anh em. Nhà nghèo, lại là con trai độc nhất trong gia đình nên ông được ưu tiên không phải nhập ngũ. Nhưng vì tình yêu nước, ông tình nguyện tham gia kháng chiến. Ông nhập ngũ tháng 2-1962, đóng quân tại căn cứ 2, Hải quân (Bến Thủy), là chiến sĩ của tàu 142. "Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất gắn với biển nên lúc nào tôi cũng mong mình trở thành người lính Hải quân để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, ngư dân được bình yên làm ăn trên biển. Khi nhập ngũ và được làm lính Hải quân, tôi rất vui và tự hào" - Ông Tư chia sẻ.

Ông Trương Đình Tư.

Cuối năm 1962, ông cùng với con tàu 142 về khu căn cứ 1, đóng tại Bãi Cháy (Quảng Ninh). Khi đó, tàu ông có nhiệm vụ tuần tra từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) đến sông Gianh (Quảng Bình). Đến đầu năm 1964, Mỹ - ngụy thường xuyên cho tàu biệt kích đột nhập vào vùng ven biển miền Bắc Việt Nam để khiêu khích các tàu tuần tra của Hải quân ta và đe dọa các tàu đánh cá của ngư dân. Mỹ - ngụy cho tàu phóng ngư lôi Vơ-đét có tải trọng từ 64 đến 67 tấn, tốc độ 42 hải lý/giờ, được trang bị 2 khẩu pháo 40mm, 2 khẩu pháo loại 20mm hai nòng và súng cối. Tàu này được tàu khu trục Ma-đốc hỗ trợ ở ngoài khơi. Còn tàu tuần tiễu của Hải quân ta nhỏ, tốc độ 20 hải lý/giờ, trang bị vũ khí đã quá cũ, uy lực rất hạn chế.

Đêm 31-7-1964, thực hiện mưu đồ chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ đã cho tàu khu trục Ma-đốc hoạt động trinh sát từ Quảng Nình vào đến Quảng Bình, trong đó, Lạch Trường (Thanh Hóa) là trọng điểm. Ông Tư nhớ lại: "Trưa 1-8-1964, tàu chúng tôi đang đi tuần khu vực Hòn Nẹ thì nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân cho tàu về đảo Hòn Mê phối hợp với phân đội 3 gồm có tàu T333, T336, T339 đánh đuổi tàu Ma-đốc. Khi đó, đồng chí Nguyễn Một - Thuyền trưởng, ngay lập tức cho tàu về Hòn Mê". Đến gần 2 giờ chiều ngày 2-8, được lệnh từ Sở chỉ huy tiền phương, 5 con tàu ta xuất kích đánh đuổi tàu Ma-đốc Mỹ.

Lúc này, ông Tư là tàu phó, kiêm hỏa lực của tàu tuần tiễu 142 đã cùng với các tàu khác đánh đuổi tàu Ma-đốc. Tàu địch tháo chạy và bắn dữ dội về phía ta, khiến cho tàu ta bị dính nhiều mảnh đạn. Trước tình hình đó, Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Phân đội trưởng 3, Tiểu đoàn 135 đã lệnh cho 3 tàu ngư lôi chọn cự ly tốt nhất để phóng ngư lôi. Nhận được lệnh, tàu phóng ngư lôi thứ nhất của ta cách tàu Ma-đốc 3.000m phóng lần đầu không trúng, lần thứ 2 cách 2.500m cũng không trúng.

Tiếp đó, tàu thứ 2 phóng ngư lôi cũng không trúng mục tiêu. Trong khi tàu địch bắn trả xối xả về phía ta. Thuyền trưởng tàu T336 Nguyễn Văn Tự và 1 pháo thủ hy sinh. Tàu T339 bị hỏng máy chính, 1 pháo thủ và 1 chiến sĩ cơ điện hy sinh. Lúc này, xuất hiện 4 máy Mỹ, tàu T336 và T339 ở tại chỗ dùng súng bộ binh bắn máy bay địch, còn chiếc T333 đã tiếp cận được tàu Ma-đốc, khoảng cách còn 500m, đã phóng ngư lôi. Tàu Ma-đốc của Mỹ bị ngư lôi xuyên thủng khoang đựng dầu mỡ và đồ nghề. Bị hư hỏng nặng khiến tàu địch phải tháo chạy.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu T333 tiếp tục chiến đấu với máy bay địch. Sau đó, hai chiếc tàu ngư lôi T333 và T336 về Sầm Sơn, còn T339 cùng tàu tuần tiễu của ông Tư chạy về Hòn Sụp để cấp cứu thương binh và mai táng các liệt sĩ. Tàu 142 của ông được lệnh áp tải tàu T339 về Vạn Hoa, Quảng Ninh. Vì thế, trận chiến trong ngày 5-8, ông không được tham gia. Thế nhưng khi trở về, nghe đồng đội kể lại, ông vẫn hình dung ra cuộc chiến đấu hôm ấy.

Cuộc chiến ngày 5-8-1964, ở Lạch Trường có hơn 50 chiến sĩ hy sinh, nhiều đồng chí khác bị thương. Chúng ta đã bắn rơi 2 máy bay của địch và bắt sống 1 phi công... Trong câu chuyện ngày ấy, ông vẫn nhớ hình ảnh pháo thủ Đặng Đình Lống (quê Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị gãy cả đôi chân nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu. Anh yêu cầu đồng đội cột mình vào giá súng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sau trận đánh này, ông Tư tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1973, ông bị thương tại Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) khi đang đưa các chiến sĩ bị thương và hy sinh về nơi căn cứ. Đến tháng 5-1974, do sức yếu, ông Tư được phục viên, trở về quê.

Giờ đây, người lính Hải quân năm xưa đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi nhắc lại trận đánh thắng đầu tiên, trong ông vẫn sục sôi khí thế chiến đấu. "Khoảng thời gian được tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước đó là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời tôi" - Ông Tư tâm sự.

Sao Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-linh-gia-va-hoi-uc-danh-duoi-tau-ma-doc/