Người lính anh hùng ở Ngã ba huyền thoại

Căn phòng ấm áp của một ngày cuối đông hôm đó chỉ có hai người: Tôi và anh Nguyễn Tiến Tuẩn. Trong bộ sắc phục an ninh với đôi cấp hàm Đại tá, nhìn anh oai vệ và trẻ hơn nhiều so với cái tuổi ngũ tuần. Qua khung cửa kính mờ mờ nước, anh ngước nhìn ra vườn, nơi những nụ đào chúm chím hoa đang vờn trước gió, kể cho tôi nghe những kỷ niệm đáng nhớ của đời mình.

Anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn (thứ 2 hàng đầu từ trái sang) cùng tiểu đội CSGT Ngã ba Đồng Lộc thăm lại chiến trường xưa.

Cuộc đời anh dường như sinh ra là để theo nghiệp võ. Tháng 4/1965, anh xung phong nhập ngũ trong không khí “cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục”… Giã từ làng Cẩm Dương, một miền quê mặn mòi mùi cá biển, đi bộ qua thị xã đổ nát hoang tàn, anh về Thạch Linh làm thủ tục nhập ngũ. Ba mươi mốt năm quân ngũ, Ba mươi năm tuổi Đảng, 26 năm được suy tôn anh hùng lực lượng vũ trang, cuộc đời anh đã trải qua biết bao thăng trầm, gian nan, thách thức.

Bốn năm trời gội bom tắm đạn trên mặt trận bảo đảm an toàn giao thông những năm chống Mỹ đã tôi luyện trong anh một chất thép, sự kiên trinh trước ác liệt khó khăn và một tấm lòng nhân hậu với bạn bè, đồng đội. Bụi thời gian có thể phủ lên những mảnh đất nóng bỏng đạn bom năm xưa mà anh cùng đồng đội đã đổ máu giữ gìn, nhưng trong tâm khảm của anh mãi mãi in sâu những tháng ngày đó. Hơn 700 ngày đêm anh đã cùng tổ cảnh sát bám trụ mảnh đất Thạch Hòa, Thạch Phú, Thạch Bình,Thạch Lâm… để bảo đảm an toàn giao thông cho phà Phủ.

Ai đã từng qua đây vào những năm 1965-1966 mới thấy hết cái quyết liệt của bến phà này. Ngày đêm, nơi đây ít khi ngớt tiếng nổ, chúng đổ xuống không biết bao nhiêu là đạn pháo, rốc két, bom bi, bom sát thương. Đường xuống bến phà từ hai bờ Nam – Bắc đều hẹp, mỗi buổi chiều. 16-17giờ là đã có hàng ngàn quân, hàng trăm chiếc xe rùng rùng kéo nhau lên, xuống phà vào ra mặt trận.

Đối với ta, con phà lúc đó là một báu vật. Dù địch đánh phá, phong tỏa đến đâu cũng không được phép để mất phà. Vì thế, sau một đêm trắng điều hành cho phà hoạt động, tưng mưng sáng dù có mệt mỏi đến đâu, các anh cũng phải cho phà đi giấu nơi an toàn đã. Bảo vệ phà như con ngươi của mắt mình, như thế mà sự cố vẫn xảy ra. Có hôm địch bắn đứt dây neo, phà trôi bồng bềnh giữa sông. Dưới sự phong tỏa của 4-5 chiếc AD6, đạn cày đỏ lừ mặt nước, Nguyễn Tiến Tuẩn vẫn cùng anh em thanh niên xung phong lội ra giữa sông vào lúc 3-4 giờ chiều để kéo phà vào. Địch bắn thủng phà, mấy anh em liều chết cởi áo nhét chặn nước lại, lựa lúc máy bay vòng ra xa, cố sống cố chết chống được phà vào bờ.

Giữa năm 1967, chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Yêu cầu đặt ra cho lực lượng cảnh sát giao thông phải biết lái xe, để khi cần, lái thay bộ đội và cánh “xế” bị thương. Tiến Tuẩn được cử đi học một năm ở trường lái của Bộ. Trở về đơn vị, anh xung phong ra Đồng Lộc nhận nhiệm vụ.

Đồng Lộc những năm đó thật sự là nơi thử thách lòng người. Chỉ mấy cây số chiều dài mà biết bao trọng điểm đánh phá của địch. Ngã Ba, Ngã 6, Ngã 7, Cầu Bạng, Cống 19, Ngầm Ô Dước, Cửa Thờ … đều bị máy bay địch biến thành tử địa

Cứ 4 giờ chiều hàng ngày, bất kể mưa sa bão táp hoặc nắng khét lẹt rộp bỏng núi đồi, Thượng sĩ tổ trưởng cảnh sát gia thông Nguyễn Tiến Tuẩn vẫn cùng 10 anh em lên đường ra trận. Đã 27 năm trôi qua mà tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh của anh hôm đó.

Đó là một tối tháng 8/1968. Do tính chất quyết liệt của chiến trường, số thương binh phải đưa ra miền Bắc điều trị khá nhiều. Tôi được đi cùng đoàn xe chở anh em ra Hà Nội họp báo. Đoàn xe khá đông. Qua ngã ba Đồng Lộc được mấy chiếc thì bị địch thả pháo sáng. Pháo sáng rất thấp, soi rõ các vật thể trên mặt đất, dấu hiệu của một đợt đánh phá mới. Một hồi còi xé màn đêm, rồi một bóng người nhỏ nhắn hiện ra, yêu cầu mọi người xuống xe tản vào các hầm phòng không bên đường. Cánh chúng tôi đã vào nơi trú ẩn hết. Thế mà mãi hồi lâu vẫn thấy người lố nhố trên các ô tô mà không chịu xuống.

Phát hiện ra đó là số thương binh bất động, các chiến sĩ cảnh sát giao thông nhảy vội lên xe. Trong số các chiến sĩ dìu, cõng thương binh xuống hầm hôm đó, về sau tôi biết có Nguyễn Tiến Tuẩn. Anh gầy nhỏ, mặt sạm đen, thoăn thoắt dìu hết người này xuống lại nhảy ngay lên xe cõng người khác. Các anh phần vì lo lắng cho sự an nguy của thương binh, phần vì phải chạy đi, chạy lại, lên xe xuống xe dìu, cõng hàng chục đồng đội nên rất mệt. May sao, khi số thương binh nặng được đưa xuống hết các cống và hầm chữ A thì một đoàn máy bay địch lao đến, bổ nhào cắt bom tới tấp. Đoàn xe bị đánh tan nhưng không một ai hy sinh hoặc bị thương thêm lần nữa.

Hơn 200 ngày đêm đọ sức với kẻ thù ở đây đã luyện cho anh những phẩm chất quý báu, một chiến sĩ anh hùng ở một ngã ba lịch sử. Từ một chiến sĩ cảnh sát, chỉ sau một năm công tác, Nguyễn Tiến Tuẩn được kết nạp Đảng. Sáu năm tuổi quân được phong anh hùng lực lượng vũ trang, ở cái tuổi còn rất trẻ.

Nghệ Tĩnh nói chung, Hà Tĩnh nói riêng những năm 80, 90 tình hình an ninh trật tự khác phức tạp. Hàng loạt vụ tranh chấp đất đai xẩy ra. Có những vụ như ở Quỳnh Lưu, Can Lộc, dân giàn trận bắn nhau trên đường 1A; bọn tội phạm liều lĩnh gây án, bắt trẻ em làm con tin ngay giữa phiên chợ quê để hòng thoát tội. Với cương vị là người lãnh đạo, chủ trì, Nguyễn Tiến Tuẩn đã cùng các cộng sự thức biết bao đêm, bàn bạc bao phương án tác chiến trước những vụ việc xảy ra trên địa bàn. Có nhiều vụ vô cùng phức tạp, tưởng chừng bó tay. Đặc biệt, mọi người còn nhớ hai vụ án kéo dài hàng mấy năm trời, làm đau đầu lãnh đạo và cơ quan nghiệp vụ nhiều cấp. Đó là vụ “tượng đồng đen” Cẩm Nhượng và vụ gây rối ở làng nghề Trung Lương. Cuối cùng, do biết coi trọng các biện pháp nghiệp vụ, biết tập hợp trí tuệ cấp dưới, với phương châm hành động “thận trọng, quyết đoán”, anh đã chỉ huy các lực lượng giành thắng lợi, góp phần ổn định tình hình, đưa lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Tôi nghĩ, cuộc đời của một con người chẳng khác gì bản nhạc, nốt thăng chen lẫn nốt trầm. Song lịch sử là một dòng chảy khách quan, sòng phẳng. Nguyễn Tiến Tuẩn đã rời xa trần thế hàng chục năm nay, nhưng với những người cùng thời như chúng tôi, phẩm chất người lính, lòng dũng cảm vô song của người anh hùng Ngã ba huyền thoại năm xưa vẫn luôn đau đáu trong tâm khảm.

Khắc Hiển

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/nguoi-linh-anh-hung-o-nga-ba-huyen-thoai-38107