Người lắp hệ thống truyền thanh ngày độc lập

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Nguyễn Dực viết: 'Khi vừa chào cờ xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn vào ba chiếc micro, và khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt, nhãn hiệu Philips đặt ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên, lập tức có tiếng phù từ các loa dội lại khá to. Người lùi lại một chút rồi nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Phía dưới lập tức vang lên: Có ạ!'...

Ông Nguyễn Dực, (người thứ 2, hàng trên, từ trái sang) trong buổi họp mặt Ban Tổ chức Ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 (Ảnh chụp ngày 28/8/1995).

Sứ mệnh lịch sử của chủ hiệu radio

Chủ cửa hiệu radio Hà thành Nguyễn Dực, là người trực tiếp tham gia chuẩn bị việc trang bị, lắp đặt, phụ trách hệ thống âm thanh trong ngày Lễ Độc lập 2-9-1945 trọng đại của đất nước, tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Từ góc nhìn nghề nghiệp, ông Dực cho rằng câu hỏi ấy thể hiện sự am tường về kỹ thuật truyền thanh của Bác. Cấu tạo trong micro ngày ấy có bột than, nên người làm nghề rất ngại khi có người dùng tay gõ vào micrô, có thể ảnh hưởng đến chất lượng do bột than bị tác động...

Hôm đó, chiếc xe chuyên dụng vuông vức như toa tàu hỏa, đặt các thiết bị âm thanh, được bố trí gần cổng Dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) do quân Nhật chiếm giữ, mục đích để cản mặt hướng về phía khán đài.

Ông Dực đã không tưởng tượng được trước, rằng sự kiện ngày hôm đó lại có tầm quan trọng đặc biệt, khi thực hiện việc truyền phát đi tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hệ thống âm thanh mà chính mình lắp đặt và chịu trách nhiệm, để phát ra toàn hệ thống loa trong khu vực mít-tinh rộng lớn, tính từ điểm gần nhà thờ Cửa Bắc (phía đường Phan Đình Phùng), đến tận Vườn hoa Cột cờ, với khoảng hơn hai chục vạn người tham gia.

Lắng sâu trong ký ức, Nguyễn Dực còn kể về sự kiện tháng 10-1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán hòa bình, khi trở về nước, Bác đi bằng tàu biển và cập bến cảng Hải Phòng. Lãnh đạo Chính phủ nước Việt Nam DCCH yêu cầu tổ chức đón Bác ở Hải Phòng, sau đó đi bằng tàu hỏa về Hà Nội tới ga Hàng Cỏ và điểm cuối là tới Bắc Bộ phủ (trước Vườn hoa Con Cóc hiện nay). Vì thế, Nguyễn Dực có nhiệm vụ, bằng các thiết bị vô tuyến điện phải giúp tổ chức phát sóng radio trực tiếp, toàn bộ chặng đường, kể cả trên tàu hỏa, để toàn dân theo dõi diễn biến của hành trình đón tiếp qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngày ấy, lấy đâu số lượng loa đủ rải toàn tuyến đường từ ga Hàng Cỏ về đến Vườn hoa Con Cóc, để đồng bào đứng hai bên đường nắm bắt được mọi diễn biến, hòa nhập với không khí của buổi lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt khi tàu đến ga Hàng Cỏ?

Giải pháp của ông Dực, là kéo đường dây dẫn từ trên các cột điện bên đường phố xuống dưới chân cột, lắp ổ cắm điện. Nguyễn Dực đề nghị lực lượng lãnh đạo Hà Nội, hô hào dân chúng, những ai có máy thu thanh của nhà, xin cho mượn và mang đến các địa điểm có ổ cắm điện để đặt máy, thu sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, giúp những người chung quanh cùng nghe... Dân chúng đã nô nức hưởng ứng, khiến số máy mang đến còn nhiều hơn cả số ổ cắm điện.

Lắp đặt đài phát thanh đầu tiên ở Việt Nam

Sinh năm 1921, Nguyễn Dực theo học trường kỹ nghệ thực hành, bộ môn cơ khí. Tuy vậy ông lại say mê nghề vô tuyến điện, do được làm thân với một người Hoa ở phố Hàng Cót chuyên nghề vô tuyến điện có tên là Kỳ Anh Sô.

20 tuổi, ông đã nổi tiếng với cửa hiệu Nguyễn Dực radio, vừa sửa chữa vừa bán thiết bị vô tuyến điện ở 43a Đồng Khánh (tên gọi cũ của phố Hàng Bài), cửa hiệu radio lớn nhất Hà Nội thời đó. Khách hàng của ông là các chủ rạp chiếu bóng, chủ đồn điền, chủ các hãng kinh doanh nước ngoài. Bấy giờ, ông là một nhà kỹ thuật hiếm hoi lại kinh doanh trang thiết bị vô tuyến điện. Ở Hà Nội, họ gọi ông là Dực radio.

Vào thời gian trước Cách mạng Tháng Tám, ông là một người trong những thành viên tích cực của Hội Hướng đạo sinh, Truyền bá Quốc ngữ. Đó là những tổ chức dân sự có ảnh hưởng mạnh trong xã hội và rất uy tín. Mặt khác, Nguyễn Dực cũng là người có vai trò trong Tổng Hội Viên chức Thủ đô, một lực lượng quan trọng tham gia vào cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Từ nhiều năm trước đó, Nguyễn Dực đã thường xuyên đem hệ thống loa, máy của riêng mình, đi phục vụ nhiều hoạt động quần chúng lớn, mà sau này, Nguyễn Dực mới hiểu những người chủ trương là lực lượng Việt Minh Cách mạng.

Đầu năm 1944, chứng kiến những đóng góp của Nguyễn Dực cho các hoạt động của Đội Thanh niên Tuyên truyền của Việt Minh, đồng chí Xuân Thủy đã đặt vấn đề tế nhị: “Anh nên mua thêm thiết bị tốt, có thể tương lai gần chúng ta sẽ cần đến nhiều. Và nên cất đi đâu đấy, không nên để ở cửa hàng, vừa cạnh rạp chiếu phim lớn Majestic (nay là rạp Tháng Tám), vừa bên kia đường lại là trại lính Khố xanh (nay là cụm cơ quan của Bộ Công an)”...

Theo ông Nguyễn Lân Bình, người con trai lớn của ông Nguyễn Dực, cha ông đã thật sự trở thành một nhân tố được đầu tư cho việc chuẩn bị những thay đổi quan trọng của lịch sử.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Ông Dực thấy thật may vì đã kịp cất giấu hầu hết các thiết bị tốt và đáng giá lên làng Bái Ân gần chợ Bưởi. Nhờ vậy, nên khi người của quân Nhật đến cửa hàng Radio Nguyễn Dực yêu cầu hợp tác, thì thấy cửa hàng không còn gì đáng kể.

Giai đoạn này, ông Dực chính thức quan hệ với nhiều người mà sau này là những gương mặt có tên tuổi trong hệ thống chính quyền của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như: Nguyễn Xiển, Hoàng Quốc Việt, Phan Anh, Chu Đình Xương, Hà Đăng Ấn, Phan Mỹ, Trần Kim Xuyến, Trần Quang Huy, Chu Văn Tích...

Ông Nguyễn Dực còn là người đã đưa toàn bộ máy móc và thiết bị lắp đặt cho cuộc mít-tính khổng lồ của Tổng Hội Viên chức Thủ đô ngày 17-8-1945 ở Nhà hát Lớn, sau đó từ đây, đã biến thành ngọn lửa Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Trong giai đoạn đó, hầu hết các sự kiện quan trọng diễn ra ở Hà Nội, đều có sự tham gia của ông trong việc cung cấp và vận hành hệ thống truyền thanh.

Nhưng với Nguyễn Dực, kỷ niệm thiêng liêng nhất và hết sức cụ thể, đó là việc làm thế nào để có được đài phát thanh theo đề nghị của các nhân vật quan trọng trong bộ máy của Việt Minh, mục đích là loan báo cho thế giới biết, rằng chúng ta đã cướp được chính quyền.

Tuần lễ thứ hai của tháng Tám, Nguyễn Dực đã lập tức trở về làng Bái Ân lựa chọn các thiết bị cần thiết nhằm phục vụ cho mục tiêu lắp dựng đài phát thanh. Bằng bản lĩnh nghề nghiệp và chuyên môn sâu, ông đã hình thành trong đầu cấu trúc của hệ thống thiết bị cần có để lắp một đài phát sóng.

Nguyễn Dực đã lựa chọn các trang thiết bị cần thiết cho việc lắp dựng, đặt đài phát thanh, gồm: 1 máy phát sóng công xuất 200W có nhãn hiệu Crosley của Mỹ sản xuất; 3 máy khuếch đại (tăng âm) công xuất 40W; 10 bộ loa nhãn hiệu Jensen V10; 3 chiếc micro nhãn hiệu Philips; Cùng các phụ kiện kỹ thuật và rất nhiều chi tiết phụ trợ, kèm theo cả nghìn chiếc đĩa hát than tốc độ 78 vòng/phút, cơ bản đều là nhạc cổ điển.

Buổi chiều ngày 23-8, công việc lắp đặt đài phát sóng được tiến hành. Nguyễn Dực chỉ rủ một người bạn lớn tuổi cùng phụ giúp công việc. Người này là công nhân điện của rạp chiếu phim Eden (hiện giờ là rạp Công Nhân ở phố Tràng Tiền). Nguyễn Dực cân nhắc, chọn buồng cuối cùng trên gác hai của tòa nhà sát với Nhà Bưu điện trông ra Hồ Gươm, để đặt hệ thống máy chính. Hai buồng tiếp giáp dùng để làm nơi đặt máy quay đĩa và cũng là phòng đọc tin.

Nặng nhọc, mệt mỏi nhất là việc leo lên nóc nhà để lắp bộ ăng-ten phát sóng có độ dài 41m, là bước sóng sẽ được phát của đài. Miệt mài suốt ngày 24-8, cuối cùng, việc lắp đặt cũng hoàn tất.

10h00 sáng 25-8, sau khi hệ thống máy được cho chạy đủ nóng (máy điện tử), Nguyễn Dực hồi hộp tự ngồi trước micro và trịnh trọng đọc: “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, trên làn sóng điện 41m! Đề nghị các địa phương khi bắt được tín hiệu xin báo về cho địa chỉ...”. Cứ 30 phút, ông lại ngồi đọc lại đoạn thông báo trên. Thời gian giữa 30 phút đó, Nguyễn Dực cho phát các bài nhạc cổ điển qua làn sóng điện.

Người đầu tiên điện thoại đến thông báo cho Nguyễn Dực, rằng tín hiệu bắt sóng rất tốt, nghe rất rõ, là anh Nguyễn Mạnh Hà, phụ trách Phòng Thông tin Tràng Tiền. Tiếp đó là điện thoại của ông Trần Kim Xuyến từ Hưng Yên, với một niềm vui hân hoan. Ông Xuyến còn lưu ý rằng, đang đợi tin từ Hải Phòng, đồng thời, ông đề nghị báo đi các nơi, để biết rằng chúng ta đã có Đài Phát thanh.

Năm 1997, ông Trần Đức, cán bộ biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, người làm chương trình “Cây cao bóng cả” đã hoàn thành bộ phim tài liệu, về những người phụ trách tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, trong đó đã phỏng vấn Nguyễn Dực, người đã cùng Trưởng ban Tổ chức là cụ Nguyễn Hữu Đang thiết kế và lắp đặt toàn bộ hệ thống truyền thanh cho hàng vạn người dân thủ đô đón mừng ngày độc lập lịch sử như thế nào.

Võ Hồng Thu

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/chinh-tri/item/37771402-nguoi-lap-he-thong-truyen-thanh-ngay-doc-lap.html