Người lao động qua đào tạo lo không được tăng lương

Lương tối thiểu tăng 6%, nhưng nhiều người lao động lo ngại nếu bỏ quy định tăng 7% lương qua đào tạo thì họ có thể bị thiệt chứ không phải được tăng lương bởi lẽ đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng.Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộcMức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 90/2019/NĐ-CPMức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 38/2022/NĐ-CPMức tăngVùng I4.420.0004.680.000260.000Vùng II3.920.0004.160.000240.000Vùng III3.430.0003.640.000210.000Vùng IV3.070.0003.250.000180.000

Phần lớn người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất đều trải qua đào tạo mới vào làm việc.

Ảnh công nhân đang lao động tại một nhà máy. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 6% cho 4 vùng (tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Nhờ đó, người lao động sẽ được hưởng một loạt các lợi ích.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý liên quan đến lương tối thiểu trong nghị định mới là đã bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề.

Theo đó, Nghị định 38 chỉ quy định chung mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khi trả lương phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng, và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Với việc bỏ quy định lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề, nhiều người lao động lo ngại tiền lương của họ khó tăng hơn trong điều kiện người lao động và năng lực thương lượng của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng việc không còn quy định này khiến người lao động và công đoàn có thể gặp khó khăn, trong các kỳ thương lượng với doanh nghiệp để điều chỉnh tăng lương hằng năm.

Cụ thể mới đây, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, cho rằng Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022 về việc điều chỉnh tăng 6% lương tối thiểu vùng so với mức lương tối thiểu hiện hành, thoạt nhìn thì thấy mức tăng lương là như vậy, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì đại đa số chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương cho người lao động đầu tháng 7-2022.

Ông Hồng cho biết, theo khoản 1b, Điều 5, Nghị định 90/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đã cho phép áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi họ đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Thực tế tại doanh nghiệp, tất cả lao động đều phải qua đào tạo mới có thể làm việc được, nên lâu nay tất cả doanh nghiệp đều áp dụng mục 1b này và lương tối thiểu vùng I đều không thấp hơn mức 4.729.400 đồng/tháng.

Nay Nghị định 38 đã bỏ phần quy định tương tự mục 1b điều 5 Nghị định 90 như đã nêu trên cho phù hợp quy định Luật Lao động 2019 và thực tế là chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương tối thiểu cho nhân viên do mức đang áp dụng 4.729.400 đồng đã cao hơn mức 4.680.000 của Nghị định 38/2022.

“Thực tế tất cả công nhân nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đều là lao động đã qua đào tạo và thử hỏi có công nhân nào dám tự thương lượng mức lương tối thiểu với chủ doanh nghiệp và thương lượng thành công không…?”, ông Hồng lo ngại.

Ông Hồng cũng cho rằng, ở thời điểm hiện tại chủ doanh nghiệp chịu áp lực lớn về chi phí khi vật giá leo thang theo giá xăng dầu, nhưng người lao động cũng gặp khó khi giá cả sinh hoạt tăng cao mà lương không tăng.

Ông Hồng cũng khẳng định bản thân làm chủ tịch công đoàn 12 năm mà mỗi khi Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thì ông và ban chấp hành công đoàn còn không thương lượng được thì làm sao có công nhân nào thương lượng được việc này?

“Điển hình là hiện tại lương tối thiểu tại công ty tôi chỉ là 4.730.000 đồng, cao hơn mức tối thiểu theo Nghị định 90 chỉ 600 đồng. Chúng tôi chỉ có thể thương lượng được phần tăng lương cho các vị trí công việc khác trong thang bảng lương theo chức danh và theo công việc thôi”, ông Hồng nêu dẫn chứng trong thư.

Người lao động đang làm việc tại một doanh nghiệp ở khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh minh họa: TL

Theo ông Hồng, tình trạng của công đoàn tại công ty ông cũng là chung của đại đa số công đoàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay. “Không phải chúng tôi không dám đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nhưng trường hợp này chúng tôi ở thế yếu khi ngồi vào bàn thương lượng vì không có cơ sở để thương lượng khi không có hành lang pháp lý để dựa vào đó mà nói chuyện với chủ doanh nghiệp”, ông Hồng lập luận.

Vấn đề của ông Hồng nêu không phải là vấn đề riêng của người lao động tại Nidec Việt Nam mà là nỗi trăn trở chung của nhiều người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất khác vì lâu nay, mức lương của họ thường được doanh nghiệp áp dụng quy định mức cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TPHCM (AGTEK), cũng cho rằng không chỉ những doanh nghiệp về công nghệ, người lao động mới qua đào tạo, mà hầu hết các ngành nghề sản xuất khác như dệt may, da giày… người lao động cũng phải qua đào tạo mới có thể làm việc.

Và theo ông, hiện nay với những ngành như may mặc công nhân khi vào làm việc đều qua đào tạo và phần lớn doanh nghiệp đều áp quy định mức lương cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Với quy định mới, theo ông Hồng, người lao động sẽ khó tăng thu nhập, trong khi doanh nghiệp lại băn khoăn về tăng phi phí vì phải tăng các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,… trong bối cảnh bão giá nguyên vật liệu và chi phí sản xuất tăng cao.

Một đại diện công đoàn của doanh nghiệp nước ngoài cũng nhìn nhận công đoàn chưa thực sự giữ được vị trí độc lập để có thể thương lượng lương với chủ doanh nghiệp khi hầu như vẫn đang được trả lương từ chính doanh nghiệp.

Rõ ràng, hiện nay đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Và hiện Chính phủ chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các mức lương khác cao hơn như đối với mức lương của công việc qua học nghề, đào tạo thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận.

Trao đổi với KTSG Online về vấn đề này, đại diện lãnh đạo quản lý các khu công nghiệp một địa phương cho rằng phần lớn các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài trước đây vào thị trường trong nước xem lao động giá thấp, giá rẻ là một lợi thế để họ quyết định đầu tư. Do đó, những doanh nghiệp này sẽ khó “hào phóng” để điều chỉnh hoặc tăng lương cao hơn mức tối thiểu quy định của pháp luật.

Người này lấy dẫn chứng về bức thư của ông Hồng tại Công ty Nidec Việt Nam để chỉ ra rằng hiện tại lương tối thiểu tại công ty này là 4.730.000 đồng, cao hơn mức tối thiểu theo Nghị định 90 chỉ 600 đồng, tức một mức sát theo quy định.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh khó tuyển lao động hiện nay, để giữ chân người lao động và việc sản xuất ổn định, yêu cầu doanh nghiệp phải có chính sách lương thưởng cạnh tranh và phúc lợi xã hội với người lao động tốt hơn. Tất cả là dựa vào cơ chế thị trường.

Tại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương và Bộ luật Lao động năm 2019 cũng không còn nội dung “Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương” mà để doanh nghiệp và người lao động thương lượng, quyết định dựa vào năng suất và kết quả lao động. Như vậy, việc không còn quy định “khoản 7%” chính là tạo cơ chế để các bên thỏa thuận mức lương theo thị trường.

Còn theo giới phân tích, thực tế cho thấy nếu bỏ những gì vốn có lợi cho người lao động rất dễ xảy ra phản ứng tập thể, gây bất ổn lao động. Ngoài ra, công đoàn cần thúc đẩy thỏa ước lao động theo ngành, vùng quy định những điều khoản có lợi hơn so với luật để nhiều lao động được hưởng lợi.

Lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ ngày 1-7-2022

Nghị định 38/2022/NĐ-CP sẽ thay đổi về lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022.

Khi lương tối thiểu vùng mới được chính thức áp dụng, người lao động sẽ đón nhận rất nhiều lợi ích đi kèm như: tăng lương tháng với người đang nhận lương tối thiểu, tăng tiền lương ngừng việc, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa…

Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào tháng 4-2022 trên 2.000 công nhân cho thấy, trên 50% cho biết tiền lương và thu nhập chỉ đủ sống; khoảng 1/4 số người được hỏi phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; khoảng 20% từng rút bảo hiểm xã hội một lần sau đó tiếp tục tham gia lại…Với mức tăng lương tối thiểu vùng 6%, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng trung bình 0,4 – 0,5%, ngành dệt may từ 1 – 1,1%…

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguoi-lao-dong-qua-dao-tao-lo-khong-duoc-tang-luong/