Người lao động- Nhân tố quan trọng giúp tăng năng suất

Cùng với thiết bị, công nghệ tiên tiến, người lao động có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp (DN). Do đó, DN có thể cải thiện môi trường làm việc, nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động để tăng năng suất với chi phí thấp.

Kho hàng của ALS được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ

Sau 2 năm Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) tham gia dự án "Hỗ trợ đào tạo chuyên gia năng suất nhằm cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động - WISE" do JICA tài trợ thông qua Trung tâm Năng suất Nhật Bản (JPC) cho thấy: DN chỉ cần thực hiện các giải pháp đơn giản với chi phí thấp như: 5S, SOP (quản lý máy móc sản phẩm), nâng cao truyền thông nội bộ… đã giúp giảm tỷ lệ hàng lỗi hỏng, năng suất lao động tăng lên, tâm lý người lao động hứng khởi và yêu thích công việc hơn.
Ông Bùi Văn Dũng – Phó giám đốc Công ty Yamaguchi - cho biết, sau khi được các chuyên gia đến từ JPC và VNPI tư vấn, công ty triển khai 5S, sắp xếp lại giá và vị trí để nguyên vật liệu, tạo môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp tại các dây chuyền; áp dụng SOP thông qua bảo dưỡng máy móc, kiểm tra định kỳ, tạo thuận lợi cho các chuyền sản xuất và dòng chảy sản phẩm. Sau 6 tháng triển khai, tỷ lệ sản phẩm lỗi hỏng của công ty giảm hơn 2%, giảm đến 350 phút trong công đoạn kiểm tra chất lượng, thời gian vận chuyển sản phẩm cũng nhanh hơn.

Chị Lê Thị Thu Hương – Giám đốc Hành chính nhân sự, Công ty ALS - chia sẻ, sau khi áp dụng 5S, môi trường làm việc gọn gàng, sạch sẽ, tâm lý người lao động cũng thoải mái hơn.

Theo ông Kazuteru Kuroda – Chuyên gia tư vấn năng suất của JPC, qua điều tra, khảo sát các DN trong quá trình thực hiện WISE , phần lớn cán bộ tại DN Việt Nam không có kỹ năng chuyên nghiệp để quản lý, thúc đẩy động lực làm việc cũng như hiểu được tâm lý người lao động.

Vị chuyên gia này khuyến nghị các DN ngoài việc đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ, điều quan trọng hơn là cải thiện môi trường làm việc, tăng mức độ hài lòng của người lao động. Điều này càng có ý nghĩa khi DN Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế về vốn đầu tư, công nghệ. Để tăng sự hài lòng của nhân viên ban lãnh đạo công ty phải thể hiện sự quan tâm, tạo môi trường làm việc tốt, lãnh đạo kịp thời có những ghi nhận, lương thưởng xứng đáng cho những cống hiến đóng góp của nhân viên. Nhiều khi, việc tăng năng suất lao động thông qua sự hài lòng của nhân viên còn nhanh hơn việc thay đổi máy móc, trang thiết bị.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng VNPI- cho rằng, tăng năng suất lao động tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc, mang lại lợi ích cho DN. Về lâu dài, tăng năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với tạo việc làm. Còn đối với Chính phủ, tăng năng suất lao động giúp tăng nguồn thu từ thuế. Nền tảng của một chiến lược phát triển tập trung vào năng suất lao động là có được sự thống nhất và đồng thuận giữa các bên quan trọng (Chính phủ, DN và tổ chức công đoàn). Kinh nghiệm của các nước chỉ ra rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, khu vực tư nhân, công đoàn, các hiệp hội ngành và tổ chức giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nguoi-lao-dong-nhan-to-quan-trong-giup-tang-nang-suat.html