Người lao động không phải là những cỗ máy

Bộ Luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động (NLĐ) là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm.

Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh). Mới đây, Ban Soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Làm thêm giờ quá nhiều sẽ khiến công nhân suy kiệt sức khỏe Ảnh: TRỰC NGÔN

Làm thêm giờ quá nhiều sẽ khiến công nhân suy kiệt sức khỏe Ảnh: TRỰC NGÔN

Ở góc độ cá nhân, tôi không đồng tình nới rộng khung giờ làm thêm. Vì sao? Đành rằng đa số NLĐ mong muốn làm thêm và lựa chọn làm thêm để tăng thêm thu nhập nhưng lý do chủ yếu là vì đời sống của họ còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hiện nay, phần lớn lao động ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt đủ thứ. Do vậy, họ rất muốn đến công ty làm thêm để vừa có thêm thu nhập vừa có thêm bữa ăn giữa ca.

Tôi đề cập chuyện này là vì nếu lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì chắc chắn NLĐ không muốn làm thêm bởi rất vất vả. Nói cách khác, NLĐ không phải là những cỗ máy.

Từ thực tế trên, tôi đề xuất lựa chọn phương án 2, điểm C điều 108 trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): "Bảo đảm tổng số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ/năm. Trong trường hợp do yêu cầu sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp có nhu cầu và NLĐ đồng ý thì hai bên thỏa thuận làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm".

Khi phải kéo dài thời gian làm việc (làm thêm), dù trong bất cứ điều kiện nào, sức khỏe và năng suất lao động của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, không nên nới rộng khung giờ làm thêm. Thay vì kéo dài thời gian làm việc, cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan đối với việc tăng thu nhập cho NLĐ, như: nâng lương tối thiểu, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc để nâng cao năng suất lao động, tăng chế độ đãi ngộ cho NLĐ.

Phạm Vân Hà (quận Tân Phú, TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-khong-phai-la-nhung-co-may-20190714205841124.htm