Người lao động không nên nhận hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều người lao động (NLĐ) mất việc làm dẫn đến khó khăn về kinh tế, lo lắng về dịch bệnh làm cho nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần gia tăng. Tại An Giang, tháng 2 và 3-2020 có đến 4.567 người đến nhận BHXH 1 lần (tăng 121% so cùng kỳ năm 2019).

Rất nhiều quyền lợi

NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc chỉ phải đóng 10,5% (trong đó: BHXH 8%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, bảo hiểm y tế (BHYT) 1,5%), trong khi người sử dụng lao động đã đóng cho NLĐ 21,5% (BHXH 17%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp: 0,5%, BHYT 3%); được hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất và hưởng BHYT theo quy định.

NLĐ tự do được tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng bằng 22% mức thu nhập tháng; đặc biệt, được lựa chọn đa dạng các hình thức về mức đóng, kể cả việc thay đổi mức đóng trong quá trình tham gia; được lựa chọn phương thức đóng (hàng tháng, quý, năm...) phù hợp với điều kiện của mình; được hưởng các chế độ hưu trí và tử tuất. Mặt khác, nhà nước còn hỗ trợ các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện (bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác).

Nhận BHXH 1 lần, mất đi cơ hội an sinh tuổi già

Theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014; Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 của Quốc hội, trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH 1 lần. Tuy nhiên, nếu người hưởng BHXH 1 lần, số tiền nhận về có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ khi hết tuổi lao động; sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu hàng tháng khi về già; tuổi dễ bị tổn thương nhất: hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động.

Khi lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu, như: sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu (độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người), NLĐ được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT miễn phí (người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ BHYT) và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh (KCB) BHYT.

Người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Do đó, khi NLĐ nhận BHXH 1 lần, NLĐ sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí KCB chỉ sau vài lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài.

Thế nên, để đảm bảo cuộc sống khi về già, NLĐ cần cân nhắc thận trọng trước khi quyết định hưởng BHXH 1 lần để có cơ hội hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Rất nhiều người khi đã nhận BHXH 1 lần lại muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng không thể được. Do vậy, việc quyết định nhận BHXH 1 lần nên phải được suy xét kỹ lưỡng; đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Sổ BHXH là một tài sản, là khoản để dành ở tương lai. Nếu ở giai đoạn khó khăn không đóng tiếp được thì hãy bảo lưu, để khi qua giai đoạn ấy chúng ta sẽ tiếp tục tích lũy. Với tỷ lệ đóng 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất nhưng khi về hưu NLĐ được hưởng mức hưởng có thể lên tới 75% bình quân mức đóng. Ngoài ra, còn mất quyền lợi được cấp thẻ BHYT hưu trí. Người hưởng chế độ hưu trí được cấp thẻ BHYT miễn phí, có mức hưởng 95% khi KCB đúng tuyến. Mất đi quyền lợi hưởng chế độ tử tuất cho người thân chủ yếu trong điều kiện hưởng theo quy định khi người hưởng chế độ hưu trí qua đời.

Hiện nay, đang xảy ra tình trạng có người thu gom, mua bán sổ BHXH, do đó, BHXH khuyến cáo: theo quy định sổ BHXH được cấp và giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Việc mua bán, chuyển nhượng hoặc cầm cố, thế chấp sổ BHXH là các hành vi vi phạm pháp luật.

Một số khuyến nghị

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, NLĐ nên cân nhắc kỹ, chỉ nên chọn hưởng BHXH 1 lần khi nào không còn sự lựa chọn khác. Trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ trong đợt khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Hiện nay, NLĐ mất việc làm đủ điều kiện có thể nhận bảo hiểm thất nghiệp, đây cũng là một giải pháp hiệu quả vừa khắc phục khó khăn trước mắt vừa giữ được quá trình tham gia BHXH. Trong lúc khó khăn, NLĐ có thể dừng đóng, bảo lưu quá trình đã tham gia BHXH. Đợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh Covid-19, NLĐ có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.

NLĐ cũng có thể tham gia BHXH tự nguyện để không bị gián đoạn. Đối với NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu mà số năm tham gia BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì Nghị định số 134/2015/NĐ-CP đã quy định sẽ được đóng bù cho những năm còn thiếu để được hưởng chế độ hưu trí.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nguoi-lao-dong-khong-nen-nhan-huong-bao-hiem-xa-hoi-1-lan-a270347.html