Người lao động gian nan tìm việc thời dịch bệnh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên chưa có nhu cầu tuyển dụng lao động. Chính vì vậy, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm trước đó rất khó khăn.

Người lao động tìm việc làm tại Ngày hội tuyển dụng việc làm năm 2020 do Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức ngày 28/6/2020.

Người lao động tìm việc làm tại Ngày hội tuyển dụng việc làm năm 2020 do Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức ngày 28/6/2020.

Không dễ tìm việc

Gần 2 tháng nay, chị Nguyễn Lê Dương, ngụ tại quận Bình Tân đã gửi hồ sơ xin việc cũng như đến trực tiếp nhiều nơi để xin việc làm mà chưa có kết quả. Chị Dương cho biết: “Lúc trước, tôi làm công nhân ở một công ty may mặc tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, thu nhập mỗi tháng được gần 5 triều đồng. Vì dịch Covid-19, công ty cắt giảm lao động nên tôi phải nghỉ việc, cuộc sống của gia đình rơi vào khó khăn, trong khi 2 con còn nhỏ, công việc phụ hồ của chồng cũng thất thường. Giờ dịch bệnh lại bùng phát, hy vọng tìm việc của tôi lại càng xa vời”.

Cùng cảnh ngộ, chị Trần Thu Quỳnh, ngụ tại quận Thủ Đức cho biết, học ngành tài chính ngân hàng, với kinh nghiệm hai năm là nhân viên bảo hiểm nhân thọ và tư vấn bất động sản, Quỳnh xin việc ở cả hai mảng này. Tuy vậy, đáp lại sự mong mỏi tìm việc của chị chỉ là những cái lắc đầu. Chỗ không nhận, chỗ nhận thì đòi hỏi yêu cầu công việc khá cao. Trong khi chờ cơ hội việc làm tại các DN, chị Quỳnh đến xin làm nhân viên bán hàng tại một shop quần áo trên đường Võ Văn Ngân. Tuy nhiên, kết quả nhận được chỉ là sự mỉm cười kèm cái lắc đầu của người quản lý, vì dịch bệnh khiến doanh thu của cửa hàng cũng bị sụt giảm nên họ không có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân viên.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng dịch vụ việc làm Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM, những lao động thất nghiệp do dịch phần lớn là lao động phổ thông hoặc công nhân các nhà xưởng đã có tay nghề, song họ gặp khó khăn do độ tuổi tương đối khác biệt so với nhu cầu tuyển dụng hiện nay. Với những lao động có tay nghề, họ luôn muốn có mức lương tương xứng năng lực, trình độ lao động của mình, trong khi nhà tuyển dụng lại sẵn sàng đào tạo sinh viên mới ra trường, trả mức lương rẻ hơn nhiều để sử dụng người trẻ.

Người lao động cần có kỹ năng mới

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng quý 2 /2020, người thất nghiệp trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) là khoảng 1,3 triệu, tăng 192.800 người so với quý 1/ 2020 và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của khu vực này trong vòng 10 năm qua.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến số người bị mất việc, ngưng việc nhiều hơn là do đại dịch Covid-19. Dịch lây lan mạnh ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ. Điều này dẫn đến "đứt gãy" chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hoặc đình trệ. Khi các công ty không có nguyên liệu sản xuất và đơn đặt hàng thì công nhân sẽ không có việc làm.

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo trong quý 3/2020, xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế do các đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặt khác, nguyên nhiên liệu cần trong sản xuất bị cạn kiệt dần. Điều này càng khiến cơ hội việc làm cho người lao động càng trở lên khó khăn.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cho rằng, thời điểm này, lao động thất nghiệp nên chọn những công việc tạm phù hợp bản thân như bán hàng, giao hàng, nhân viên thời vụ... Người lao động tạm thời có việc làm, có thêm thu nhập cầm cự qua thời điểm khó khăn, còn nếu cứ chờ đợi doanh nghiệp phục hồi để có được vị trí với mức lương thưởng ổn định sẽ rất khó khăn. Bởi thực tế, hiện nhiều DN lớn nhỏ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động cầm chừng, cố gắng giữ nhân viên nên khó lòng rộng cửa đón người lao động mới. Nếu cứ chờ những DN lớn, có khi chính người lao động cũng kiệt quệ, bởi hiện chưa ai biết khi nào sản xuất của DN mới phục hồi để họ lại mở rộng nhu cầu tuyển dụng.

Mặt khác, theo bà Nguyễn Phương Mai - giám đốc điều hành Navigos Search, thuộc Navigos Group (công ty tuyển dụng nhân sự trung cấp và cấp cao trực tuyến), xu hướng mới về kỹ năng số đối với người lao động đã được định hình. DN đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được trạng thái "bình thường mới" như có kỹ năng số hóa, ứng dụng được công nghệ trong công việc hàng ngày và tận dụng công nghệ để tối ưu công việc. Ngoài ra, DN cũng quan tâm đến ứng viên có khả năng kiêm nhiệm hoặc năng suất cao, kiến thức về ngành mới mẻ và kinh nghiệm làm việc, giải quyết tình huống khi có biến động thị trường.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nguoi-lao-dong-gian-nan-tim-viec-thoi-dich-benh-131576-131576.html