Người lao động được tham gia nhiều tổ chức đại diện cho mình

Theo chương trình nghị sự, hôm nay (12/11/2018), Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, theo Hiệp định, người lao động có thể tham gia cả tổ chức công đoàn và tổ chức khác đại diện cho họ trong doanh nghiệp.

Tham gia Hiệp định CPTPP, bên cạnh công đoàn, còn có thêm các tổ chức khác cũng có chức năng, nhiệm vụ tương tự. Thưa ông, các tổ chức này khác nhau ở điểm gì?

Khi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tiền thân của CPTPP, các nước khác, kể cả Hoa Kỳ đều thừa nhận Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

.

.

CPTPP kế thừa toàn bộ nội dung này của TPP, thừa nhận Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài Công đoàn Việt Nam, không có bất cứ tổ chức đại diện cho người lao động nào khác được coi là tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Tổ chức khác đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp cũng thực hiện chức năng, nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như công đoàn, nhưng không được hoạt động chính trị, không được tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp như công đoàn. Nói dễ hiểu thì các tổ chức này không phải là tổ chức công đoàn, còn gọi là gì thì phải tiếp tục nghiên cứu.

Sau khi CPTPP có hiệu lực (30/12/2018), người lao động có thể thành lập ngay tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp bên cạnh tổ chức công đoàn?

Về lý thuyết thì như vậy, nhưng để các tổ chức đại diện cho người lao động được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật thì cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này, trong đó có các quy định về đối thoại, thương lượng tập thể, hợp tác, thỏa ước tập thể, tham vấn trong quan hệ lao động... được quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn.

Do các quy định về tổ chức đại diện cho người lao động, quan hệ lao động của Việt Nam có sự khác biệt với các thành viên còn lại trong CPTPP, nên tất cả các thành viên CPTPP đã đồng ý cho Việt Nam được hưởng một số linh hoạt về thời gian để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cụ thể, sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam mới bắt buộc phải thực hiện các quy định liên quan đến tổ chức đại diện cho người lao động. Tức là, chậm nhất đến đầu năm 2024, bên cạnh tổ chức công đoàn, người lao động có thể tự nguyện thành lập một hoặc một số tổ chức khác, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác cho mình tại doanh nghiệp.

Liệu có dẫn tới “lạm phát” các tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp không, thưa ông?

Tổ chức đại diện cho người lao động phải có điều lệ, quy chế hoạt động, tổ chức bộ máy, tôn chỉ mục đích hoạt động, phải có số lượng thành viên đủ lớn tự nguyện tham gia theo quy định mới được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập. Khi thành lập thì phải hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, nếu hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích, hoặc lợi dụng tổ chức này để trục lợi, đặc biệt hoạt động mang màu sắc chính trị, không chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thì sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải tán. Chính vì vậy, không lo lạm phát tổ chức đại diện cho người lao động trong doanh nghiệp.

Giới chủ và người lao động hay xảy ra xung đột về lợi ích. Thưa ông, nếu lợi ích của người lao động bị xâm phạm, tổ chức đại diện cho người lao động có quyền kêu gọi các thành viên lãn công, đình công?

Tổ chức đại diện cho người lao động có quyền được đại diện cho thành viên thương lượng tập thể với chủ sở hữu lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp; có quyền đại diện cho người lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể với chủ sử dụng lao động; có quyền được khiếu nại, kiến nghị, khởi kiện chủ sử dụng lao động về quan hệ lao động và nếu như đòi hỏi chính đáng của người lao động không được đáp ứng thỏa đáng thì tổ chức này có quyền đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đình công, lãn công theo các quy định của pháp luật.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, sau 3 năm kể từ khi Việt Nam cho phép thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp (sau 8 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực), các tổ chức đại diện cho người lao động trong doanh nghiệp, trên tinh thần tự nguyện có thể liên kết dọc với nhau, tức là các tổ chức đại diện cho người lao động trong các doanh nghiệp ngành da giày, dệt may, chế biến thủy sản… có thể liên kết với nhau trên phạm vi toàn quốc để trở thành một tổ chức lớn hơn hoặc có thể liên kết ngang, tức là các doanh nghiệp trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố hoặc cùng một khu công nghiệp liên kết với nhau trên tinh thần tự nguyện. Và một tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp có thể vừa tham gia liên kết ngang và liên kết dọc, vừa là thành viên của Công đoàn Việt Nam.

Dù liên kết dọc hay liên kết ngang, hay cả ngang lẫn dọc thì tổ chức đại diện cho người lao động phải hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, thực hiện nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguoi-lao-dong-duoc-tham-gia-nhieu-to-chuc-dai-dien-cho-minh-d90853.html