Người lãnh đạo rèn luyện trực giác ra sao?

Đối với các chủ doanh nghiệp hay lãnh đạo đội nhóm, quyết định dựa vào lý trí là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, việc tách biệt tình cảm trong công việc lại là không dễ, muốn đạt được cần sự luyện tập trí óc.

Nếu theo dõi chương trình “Thương vụ bạc tỷ”, nhiều khán giả sẽ nhận ra rằng có lúc, các shark chấp nhận đầu tư vào một start-up nhiều khi chỉ vì họ cảm thấy tiềm năng ở đội ngũ sáng lập. Đó có phải là những quyết định cảm tính của người “nhiều tiền”, thích gì đầu tư nấy? Câu trả lời là không. Tất cả đều dựa vào trực giác và lý trí mách bảo họ đó là những con người có thẻ dẫn dắt sự thay đổi, tạo ra giá trị nào đó thực sự cần cho người tiêu dùng và thị trường. Theo ông Huỳnh Bảo Tuân – chuyên gia tư vấn về Tối ưu hóa vận hành, cũng như am hiểu về lĩnh vực thần kinh học và Mindfulness (Chánh Niệm), trực giác nằm ở tầng vô thức, thuộc về 80% phần não mà đa phần con người ta chưa thể hoàn toàn khai phá khả năng. Trực giác có sự ảnh hưởng mạnh mẽ, có khả năng dẫn dắt, thôi thúc tới việc giải quyết vấn đề của chúng ta mà con người không lý giải được. Vậy các nhà lãnh đạo luyện tập trực giác của mình ra sao?

Quan hệ mật thiết với trí thông minh cảm xúc

Hai nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ là Peter Salovey và John D.Mayer đã chỉ ra rằng trực giác là tiền đề để hình thành khả năng am hiểu bản thân của mỗi con người, một trong năm yếu tố tạo nên trí thông minh cảm xúc bên cạnh khả năng kiểm soát bản thân, động lực, sự cảm thông và các kỹ năng xã hội. Đi sâu hơn, trực giác và EI thực chất đều cùng liên quan tới khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mỗi người.

Năm 2011, Daniel Goleman, một nhà báo chuyên về khoa học nghiên cứu não bộ và hành vi con người, đồng thời cũng là người đã chỉ ra mô hình 6 phong cách lãnh đạo nổi tiếng, đã đưa ra một phân tích khẳng định trí thông minh cảm xúc chiếm từ 80-90% năng lực đặc trưng của những nhà lãnh đạo xuất sắc. Trong đó có thể kể Steve Jobs, một người giải quyết 80% công việc của mình bằng trực giác. Ông đặc biệt thấu hiểu cảm xúc của khách hàng. Chính vì thế mà Steve Jobs đã đưa ra nhiều quyết định “lạ” dưới thời của mình như quyết tâm không sản xuất bút cảm ứng, bởi ông cho rằng khách hàng không dùng tới. Hoặc những thiết kế sản phẩm của ông đều rất “ngược” so với những Samsung, Nokia lúc bấy giờ bởi ông thấu cảm nhu cầu và cảm xúc của khách hàng khi sử dụng sản phẩm công nghệ cầm tay.

Trực giác và cả trí thông minh cảm xúc càng đặc biệt quan trọng đối với các nhà lãnh đạo trong quản lý và dẫn dắt sự thay đổi, thời điểm cần đặc biệt tạo được niềm tin và sự gắn kết trong đội ngũ.

Làm thế nào để tăng cường trực giác?

Như đã nói ở trên, trực giác nằm trong vùng não vô thức. Chúng ta không thể nhận biết nó được nhưng có thể “tạo điều kiện” để não có thể sử dụng và phát huy hoạt động của trực giác. Ông Tuân cho rằng cách tốt nhất hiện nay để tăng cường trí thông minh cảm xúc, bao hàm cả khả năng tự nhận thức bản thân và trực giác, đó là qua thiền định (meditation).

Theo đó, trong cuộc sống hàng ngày, bộ não chúng ta luôn tiếp nhận, dù chủ động hay bị động, rất nhiều thông tin khác nhau, khiến nó luôn phải hoạt động (kể cả trong giấc ngủ), cũng như bị quấy rối, khó nhìn ra mọi lý lẽ. Thiền có thể khống chế được việc não bị quấy rối như vậy, giúp con người ta tập trung vào suy nghĩ của mình và tránh để tâm trí rơi vào những suy nghĩ mang tính chất tiêu cực và dẫn đến những hành động cảm tính. Phương pháp thiền phổ biến nhất hiện này là thiền chỉ, tức là chúng ta chỉ tập trung vào một sự vật, sự việc duy nhất như hơi thở, bóng đèn…, từ đó làm đầu óc bớt suy nghĩ mông lung mà nhìn được cơ chế vùng não cảm xúc bị kích thích và tác động đến suy nghĩ của mình, nhờ đó mà tư duy cũng sâu sát hơn những người không thiền.

Thiền định đã tồn tại suốt nhiều trăm năm qua nhưng lại luôn gắn liền với những yếu tố tâm linh, khiến nhiều người ái ngại khi áp dụng. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính các nhà khoa học thần kinh đã bắt đầu nghiên cứu thiền định một cách có hệ thống, nhằm tìm ra cách thức dùng suy nghĩ để thay đổi cấu trúc bộ não, rồi sau đó, não bộ lại tác dụng ngược lại cách suy nghĩ của con người. Ví dụ như với một người chơi violin từ bé, các nhà khoa học nhận ra phần não bộ về nhạc cảm họ của rất phát triển, hơn người bình thường, và từ đó, họ cũng có những tư duy về âm nhạc rất sâu sắc và nhạy cảm.

Khi đầu óc được khơi thông qua việc thực hành thiền định, con người dễ nhìn được ra trực giác của mình, từ đó phát triển trí thông minh cảm xúc. Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Daniels tại Đại học Denvers (Mỹ) chỉ ra rằng người lãnh đạo có EI càng cao lại càng thường tư duy bằng trực giác. Họ dễ hợp tác hơn, sẵn sàng lắng nghe người khác hơn chỉ nói và ra lệnh, khiến cho mọi nhân viên đều góp phần tạo nên giải pháp. Trong khi đó, phân tích năm 2014 của Claudio Fernández-Aráoz, diễn giả quốc tế và chuyên gia toàn cầu về tài năng và lãnh đạo người Argentina, người được Tạp chí BusinessWeek (thuộc Bloomberg) xếp hạng là một trong những nhà tư vấn điều hành có ảnh hưởng nhất trên thế giới trên hơn 500 giám đốc điều hành cấp cao cho thấy các nhà lãnh đạo EQ cao có nhiều khả năng thành công hơn những giám đốc điều hành bình thường khác. Cụ thể, khi những người được khảo sát thể hiện mình xuất sắc về kinh nghiệm và IQ nhưng có EI thấp, tỷ lệ thất bại của họ lên tới 25%. Tuy nhiên, những người có trí tuệ cảm xúc cao kết hợp với ít nhất một trong hai yếu tố khác (kinh nghiệm hoặc IQ) thì tỷ lệ chỉ thất bại chỉ ở mức 3%-4% trường hợp. Nói cách khác, trí tuệ cảm xúc cao cùng với IQ cao hoặc kinh nghiệm dày dặn là một bảo chứng chắc chắn cho sự thành công. Còn nếu lãnh đạo chỉ thông minh hoặc có kinh nghiệm mà thiếu trí tuệ cảm xúc có nhiều khả năng họ sẽ thất bại.

Trước khi trở thành một nhà kinh doanh, một CEO lỗi lạc của Apple, Steve Jobs cũng đã bỏ ra khoảng thời gian 3 năm để đi thực hành thiện đình ở Nepal, Ấn Độ. Hiện nay ở nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn, thiền định cũng được đưa vào như một khóa đào tạo lãnh đạo bắt buộc, nhằm giúp những chủ doanh nghiệp, lãnh đạo đội-nhóm có thể loại bỏ lo lắng, đa nghi, nhạy cảm, khơi thông được trực giác của mình và tăng EI. Trong đó, có thể kể đến khóa học Search Inside Yourself của Google, hoặc khóa học thiền định mà Tập đoàn FPT đang áp dụng cho các nhân viên của mình…

Áp dụng trực giác trong phong cách lãnh đạo

Ông Tuân cho rằng hiện nay, rất nhiều lãnh đạo đề cao vai trò của dữ liệu, tức là trước mọi quyết định, họ đều dựa vào rất nhiều những bản báo cáo và những nghiên cứu để có được tư duy và trực giác tốt nhất. Điều này không sai, đặc biệt nếu lãnh đạo đó làm trong mảng các mảng liên quan đến vận hành (operation), quản lý chất lượng… Tuy nhiên, đối với những lãnh đạo phụ trách về chiến lược, hay thị trường, đôi khi trực giác của một mình lãnh đạo là không đủ, mà họ cần tôn trọng trực giác của những người khác trong đội-nhóm và có phương pháp giảm xung đột giữa các trực giác, giữa các bộ não với những tư duy khác nhau, thông qua những phương pháp thảo luận mới. Chẳng hạn, lãnh đạo thay vì ngay đầu buổi họp nói ra ngay trực giác của mình, thì có thể bắt đầu bằng những câu hỏi gọi mở về sự thay đổi của hệ sinh thái kinh doanh, xu hướng của tương lai… để thăm dò xem có bao nhiêu người đang có cùng trực giác với mình, cũng như tăng cường sự ảnh hưởng trực giác của mình lên các thành viên khác. Điều này cũng phản ánh sự lên ngôi của phong cách lãnh đạo định hướng, lãnh đạo dẫn dắt hiện nay. Tuy nhiên, trong những trường hợp gấp gáp, cần xử lý những vấn đề khẩn cấp, không có nhiều thời gian để bàn thảo và định hướng, người lãnh đạo vẫn có thể áp dụng phong cách độc đoán/độc tài để sớm có hành động. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến hình thành chiến lược thường không nằm trong nhóm công việc gấp gáp như vậy.

Trực giác con người khó nói được khái niệm đúng, sai mà nó phụ thuộc vào kết quả mà quyết định bằng trực giác ấy đem lại. Cái quan trọng nhất của trực giác vẫn là quá trình tư duy, giữ cho suy nghĩ của nhà lãnh đạo không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, giúp bộ não trở nên mạnh mẽ hơn, thông suốt hơn.

Hà Phan

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/nguoi-lanh-dao-ren-luyen-truc-giac-ra-sao/