Người lãnh đạo quyết đoán, có tầm nhìn xa

Ông Nguyễn Ngọc Sớm sinh năm 1927 tại Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Năm 1944 ông đã rời quê hương lên Sài Gòn, tìm việc làm, tham gia đội biệt động Sài Gòn, Chợ Lớn.

Nguyên Phó tổng giám đốc nội chính Vietsovpetro Nguyễn Ngọc Sớm

Nguyên Phó tổng giám đốc nội chính Vietsovpetro Nguyễn Ngọc Sớm

Chỉ một thời gian ngắn, ông đã trở thành chỉ huy Ban Công tác 1 - đơn vị vũ trang đầu tiên của khu vực Sài gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Năm 1947, ông bị thực dân Pháp bắt, bị kết án tử hình (1948) và đày ra Côn Đảo. Năm 1954, ông được trao trả tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Năm 1960 ông được Đảng, Nhà nước cho sang Liên Xô học tập. Tôi chỉ biết tiếng ông khi năm 1967 tôi cũng được sang Liên Xô thực tập sinh khoa học về địa chất dầu khí.

Tàu hỏa đưa chúng tôi đến Mátxcơva. Nhiều sinh viên Việt Nam ra đón chúng tôi. Trong câu chuyện vui, họ kể rằng, thời ông Nguyễn Ngọc Sớm học ở đây, có một chuyện gây tiếng vang cả đất nước Liên Xô. Chuyện là, một lần ông đi tàu điện ngầm ở Mátxcơva, thấy một bà cụ người Nga lom khom trèo lên tàu, ông vội đứng dậy và mời bà cụ ngồi, bà cụ chưa kịp ngồi thì có một anh chàng da đen cùng cô gái thẳng tiến đến, anh chàng da đen ấn vai người yêu ngồi xuống chỗ ông Sớm vừa nhường cho bà cụ. Bất bình, ông Sớm trợn mắt hỏi thanh niên da đen: “Tại sao mày làm thế?”, anh ta trả lời: “Mày là thằng nào?”… Cậy thế to con hơn, hắn vừa hỏi vừa xấc xược túm lấy cổ áo ông Sớm định xô ông. Hắn đâu có ngờ rằng hắn đang xúc phạm một chiến sĩ biệt động Việt Nam, ngay lập tức một cái vặn tay làm tay hắn quẹo ra phía sau, ông đẩy hắn ngã xuống sàn tàu. Hành động của ông làm mọi người trên tàu phải thán phục. Từ đấy có tin đồn rằng người Việt Nam rất giỏi võ, đừng hành động gì không đúng với họ mà nguy to!

Tốt nghiệp đại học, ông Sớm về Tổng cục Địa chất công tác. Năm 1974, Đoàn nghiên cứu chuyên đề 36B (tiền thân của Viện Dầu khí ngày nay) được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng, khi đó tôi là Trưởng phòng Kỹ thuật. Kể từ đấy, tôi luôn được làm việc bên ông.

Ông Nguyễn Ngọc Sớm - Phó tổng giám đốc nội chính Vietsovpetro và TGĐ Vietsovpetro Mamedov D.G. cùng lãnh đạo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo

Sau ngày 30-4-1975, Tổng cục Địa chất thành lập một đoàn cán bộ bay vào Sài Gòn tiếp nhận tài liệu dầu khí mà chính quyền Sài Gòn và các công ty dầu khí nước ngoài để lại ở Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Sài Gòn do Tiểu ban Quân quản địa chất đang trông giữ. Đoàn gồm có 12 người do ông Sớm làm Trưởng đoàn, tôi là một thành viên. Sau gần 3 tháng thu thập tài liệu, phân tích, đánh giá, đoàn làm báo cáo trình lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Chính phủ. Trong lúc báo cáo, ông Sớm quả quyết là thềm lục địa Nam Việt Nam có dầu khí. Trên cơ sở báo cáo của đoàn, sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí (3-9-1975) và ngày 27-11-1975, Công ty Dầu khí Nam Việt Nam ra đời. Ông Lê Văn Cự làm Giám đốc, ông Nguyễn Ngọc Sớm làm Phó giám đốc.

Năm 1976, triển vọng sẽ sớm ký được hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí giữa Tổng cục Dầu khí với các công ty Agip, Bow Valley và Deminex để nhanh chóng triển khai được các hoạt động ngoài biển sau khi hợp đồng được ký kết. Yêu cầu đặt ra là phải có căn cứ dịch vụ trên bờ và cầu cảng chuyên dụng để tiếp nhận vật tư, thiết bị, hàng hóa, cung cấp nhiên liệu, nước sạch và lương thực, thực phẩm cho các tàu hoạt động ngoài thềm lục địa. Nếu không có cảng và căn cứ dịch vụ thì các công ty dầu khí sẽ lấy hàng tận Singapore, như vậy chi phí sẽ tăng cao và mất chủ quyền của nước chủ nhà. Tổng cục Dầu khí quyết định xây căn cứ dịch vụ và cầu cảng tại Vũng Tàu - Đồng Nai.

Tháng 11-1976, ông Nguyễn Ngọc Sớm - Phó giám đốc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam - làm Trưởng ban Kiến thiết, ông Hồ Ngọc Minh làm Phó trưởng ban. Đầu tiên, Ban Kiến thiết liên hệ với Công ty CoMex của Pháp đề nghị họ xây dựng cầu cảng dài 105m, rộng 25m. CoMex cho rằng muốn xây dựng cầu cảng phải mất 1 năm và kinh phí xây dựng là 25 triệu USD. Không thể chấp nhận thời gian dài và chi phí lớn như vậy, ông Sớm cùng Ban Kiến thiết kiến nghị Tổng cục Dầu khí và Chính phủ cho Việt Nam tự làm. Sau khi nhận được chủ trương, chỉ trong 15 ngày, các cán bộ thiết kế của Việt Nam hoàn thành bản thiết kế. Tổng công ty Cienco 6 do ông Lam Chi làm Tổng giám đốc thực hiện. Sau đúng 100 ngày kể từ lúc khởi công, cầu cảng dài 105m, rộng 25m đã hoàn thành đưa vào sử dụng, kinh phí chỉ 15 triệu USD. Tính quyết đoán của ông Nguyễn Ngọc Sớm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và làm các nhà đầu tư hài lòng.

Ông Nguyễn Ngọc Sớm (người đứng thứ 4 từ trái sang)

Sau khi có căn cứ dịch vụ và cầu cảng, các công ty dầu khí triển khai công việc, ông Sớm (khi đó đã thay ông Lê Văn Cự làm Giám đốc) liên hệ với thị xã Vũng Tàu xin địa điểm và quyết định chuyển bộ máy công ty từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu vào năm 1978. Đây được coi là một quyết định hết sức đúng đắn nhằm giải quyết các yêu cầu và phối hợp với các đối tác được kịp thời, nhanh chóng.

Do không thành công trong việc phát triển mỏ, cuối năm 1980, Agip, Deminex, Bow Valley rút khỏi thềm lục địa Việt Nam, nhưng họ đánh giá sự hợp tác giữa Công ty Dầu khí Nam Việt Nam (Công ty Dầu khí II) với họ rất tốt đẹp.

Ngày 19-6-1981, tại Mátxcơva, hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô được hai Chính phủ ký kết, ngày 19-11-1981 có quyết định của Chính phủ Việt Nam cho phép Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô hoạt động, ông Nguyễn Ngọc Sớm được cử làm Phó tổng giám đốc nội chính. Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông bắt tay ngay vào công việc.

Đầu tiên, ông làm việc với Công ty OSC Việt Nam do ông Lê Khả làm Giám đốc, bố trí một số biệt thự và khách sạn cho các lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Liên Xô sang làm việc ở Liên doanh Dầu khí Việt Xô; bàn với ban tổ chức cửa hàng 525 để chuyển các loại lương thực, thực phẩm từ Liên Xô sang phục vụ lao động Liên Xô và gia đình họ. Việc thứ hai là thành lập đội bảo vệ vũ trang để làm công tác bảo vệ cơ quan, kho cảng của xí nghiệp.

Thời kỳ đầu, cán bộ, nhân viên Việt Nam làm công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí trên biển còn rất ít và chưa có nhiều kinh nghiệm nên số cán bộ, nhân viên Liên Xô sang làm việc tại Liên doanh Dầu khí Việt Xô tăng lên rất nhanh. Xét thấy nếu chỉ riêng khu Lam Sơn thuê của OSC Việt Nam sẽ không đáp ứng được nhu cầu và tốn kém nhiều kinh phí, ông Sớm đề nghị Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cho thuê một khu đất ở trung tâm thành phố xây dựng nhà cho cán bộ, nhân viên Liên Xô - Việt Nam và gia đình của họ. Ông đề nghị Tổng cục Dầu khí giao cho Ban Quản lý Công trình dầu khí làm chủ đầu tư xây dựng, rồi chuyển giao cho Liên doanh, đồng thời xin khu thông tin cũ của chính quyền Sài Gòn, khu Chí Linh, khu đoàn 21 xây sửa nhà cho cán bộ, nhân viên Việt Nam và gia đình họ ở. Tầm nhìn xa của ông Sớm sau này tạo thành một khu nhà ở 5 tầng, một bên thành làng dầu khí Nga ở Vũng Tàu, khép kín, có cả nhà trẻ, trường tiểu học, trung học cơ sở cho con em gia đình Nga học tập và một cửa hàng thực phẩm, nhà ăn dành riêng cho người Nga, một bên là các nhà 5 tầng dành cho cán bộ, nhân viên Việt Nam, mà mọi người quen gọi là khu 5 tầng. Lúc cao điểm có trên 2 nghìn người sống trong làng Nga Vũng Tàu, họ rất hài lòng về cuộc sống và sinh hoạt ở đây.

Năm 1985, ông Nguyễn Ngọc Sớm chuyển sang làm Phó chủ tịch UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cho đến lúc về hưu. Thời gian này, ông vẫn luôn ưu tiên giải quyết các yêu cầu của Liên doanh Dầu khí Việt Xô.

Từ khi ông Sớm về hưu, thỉnh thoảng tôi đến thăm ông, ông đều hỏi về kết quả hoạt động của Liên doanh và ngành Dầu khí Việt Nam. Ông rất vui mừng khi thấy sự nghiệp dầu khí mà ông đã đóng góp một phần đang ngày càng phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế, đóng góp được nhiều cho đất nước.

Năm 2003, ông Nguyễn Ngọc Sớm ra đi mãi mãi. Còn nhớ, ông từng tâm sự với tôi: “Cả đời tôi đã cống hiến hết sức mình cho cách mạng, cả những lúc bị tù tội, tôi vẫn vững lòng tin ở Đảng, ở cách mạng. Bây giờ có ra đi về với tổ tiên thì tôi cũng mãn nguyện”. Một con người rất đáng kính trọng!

Lê Quang Trung - Nguyên Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nguoi-lanh-dao-quyet-doan-co-tam-nhin-xa-539744.html