Người lặn tìm 300 xác tàu đắm dưới đáy tam giác quỷ Bermuda

Sử dụng kỹ thuật cũ được nhà thám hiểm lừng danh Teddy Tucker truyền lại, Rouja đã săn lùng hàng trăm xác tàu đắm ở Bermuda nhưng không phải với mục đích truy tìm kho báu.

Khi mặt trời ló rạng vào một buổi sáng tháng 5 ở Cảng Hamilton, Philippe Max Rouja chất đồ nghề lên thuyền. Với một bình dưỡng khí, một bộ đồ lặn và máy ảnh, anh đã lưu trữ thông tin về hơn 300 xác tàu đắm dưới đáy biển.

Ở tuổi 40, Rouja không có vẻ gì giống với một quan chức chính phủ hay một nhà khoa học. Anh có mái tóc xoăn dài, làn da rám nắng của thủy thủ và một ánh nhìn tinh nghịch thể hiện niềm vui sống trong đôi mắt.

Rouja có vẻ tràn đầy năng lượng khi rời cảng vào sáng sớm. Anh nhận xét rằng điều kiện lặn hiếm khi tốt như thế này. Anh còn nói đùa rằng nước trong tới nỗi một số thợ lặn có thể cảm thấy chóng mặt và tưởng như đang rơi xuống.

Các phóng viên của CNN đã cùng Philippe Max Rouja thực hiện một chuyến lặn tìm xác tàu đắm dưới đáy biển Bermuda. Ảnh: CNN.

Cả đoàn đi về hướng bắc, tăng tốc lướt qua vùng biển tĩnh lặng và trong vắt. Bermuda nhanh chóng trở thành một mảnh trên đường chân trời bị bỏ lại phía sau.

Rouja luôn để mắt tới màn hình máy tính để theo dõi môi trường nước xung quanh thuyền. Vùng nước xanh đậm đột nhiên tràn ngập màu sắc khi những rạn san hô xuất hiện.

Rouja tới mạn thuyền để nhìn rõ mê cung nguy hiểm phía trước. Anh hét lớn để chỉ đường cho thuyền trưởng trong khi theo dõi hình ảnh máy quét đang dò tìm Caraquet, con tàu biển của Anh bị chìm vào năm 1923. Cuối cùng, anh đã nhìn thấy con tàu.

Vùng biển của những xác tàu đắm

Nằm cách phía đông nước Mỹ chưa đầy 1.000 km và cách vùng biển Caribbe 1.600 km về phía bắc, Bermuda ở ngay giữa Biển Sargasso thuộc Bắc Đại Tây Dương.

Chuỗi đảo hình lưỡi câu rộng hơn 500 km2 này là nơi ở của gần 65.000 người. Số lượng này lớn hơn rất nhiều so với nhóm người đầu tiên của tàu Sea Venture định cư ở đây vào năm 1609.

Bị tách khỏi 6 con tàu khác trong đội tàu của Anh do cơn bão, thủy thủ đoàn đã mất nhiều ngày tìm cách tát nước ra khỏi thân tàu thủng trước khi ghé vào Bermuda.

Những người sống sót đã tìm thấy nơi trú ẩn trên đảo. Họ dùng những gì còn sót lại của con tàu để đóng thành 2 chiếc tàu nhỏ hơn tới tân thế giới.

Vùng biển màu xanh ngọc lam của Bermuda. Ảnh: CNN.

Người dân Bermuda có lịch sử tái chế xác tàu đắm để tìm kiếm những vật liệu mà hòn đảo không thể cung cấp.

“Bermuda không có sắt, thép hay những thứ tương tự, vì vậy tất cả sắt hoặc đồng phải lấy từ nguồn khác. Một vụ đắm tàu giống như một món quà lớn”, Rouja nói. Anh cho rằng người dân Bermuda thậm chí còn mong mỏi những vụ đắm tàu.

“Đó là lý do ngọn đồi kia được gọi là ‘đồi tàu đắm’ bởi họ sẽ dựng lên đèn hiệu giả chỉ dẫn mọi người đi vào rạn san hô, khiến tàu thuyền bị chìm rồi buộc người ta phải trả phí vì đã được họ cứu sống”, anh nói.

“Sau đó họ sẽ tới cướp bóc và lấy những gì họ cần từ con tàu”, Rouja cho biết.

Nhiệm vụ đặc biệt của người săn xác tàu

Rouja từng được một trong những nhà thám hiểm xác tàu đắm nổi tiếng nhất của Bermuda, Teddy Tucker, hướng dẫn. Tucker là người đã phát hiện phần lớn các xác tàu đắm của quần đảo.

Khám phá nổi tiếng nhất của Tucker là cây thánh giá Tucker bằng vàng 22 karat từng bị đánh cắp trước khi được tặng cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Cây thánh giá được coi là kho báu dưới nước giá trị nhất từng được phát hiện.

“Ông ấy có con mắt tinh tường về thế giới và môi trường xung quanh. Ông ấy biết rõ về vùng biển Bermuda hơn bất cứ ai tôi từng gặp”, Rouja nói.

Rouja tìm xác tàu đắm dưới đáy biển. Ảnh: CNN.

Rouja vẫn sử dụng kỹ thuật cũ được Tucker truyền lại để săn xác tàu đắm. Mang ống thở, mặt nạ và túm lấy sợi dây được buộc vào đuôi thuyền, Rouja vừa bị con thuyền kéo đi vừa lần tìm manh mối dưới đáy biển. Đôi khi máy tính không thể thay thế cho mắt thường ở dưới nước.

Sau khi tìm thấy mỏ neo khổng lồ và lò hơi được dùng trong động cơ hơi nước của tàu Caraquet, Rouja ra lệnh thả neo. Khi đậu cách tàu 14 m, anh bắt đầu chuẩn bị đồ lặn.

Dưới đáy biển, những tiếng ồn biến mất, thay vào đó là một cảm giác yên bình. Rouja bơi giữa những gì còn sót lại của Caraquet. Con tàu to lớn phủ đầy san hô như lạc lõng giữa đáy biển khơi.

Rouja có vẻ thoải mái khi ở dưới nước. Cơ thể anh lơ lửng khi chụp ảnh xác tàu. Cùng với Đại học California San Diego, anh sử dụng nhiếp ảnh để tạo ra bản đồ và mô hình 3D cho dự án Bermuda 100 Challenge.

Các mô hình cung cấp cho người xem cái nhìn về sự thay đổi của các xác tàu đắm cũng như môi trường ở Bermuda. Bermuda 100 Challenge cũng cho phép người dùng Internet thực hiện một chuyến lặn ảo, trải nghiệm di sản văn hóa và môi trường của Bermuda.

“Ngoài tầm quan trọng về mặt khoa học, dự án còn có giá trị kết nối. Mọi người có thể kết nối với một giai đoạn lịch sử, với một vụ đắm tàu và với đại dương”, Rouja nói.

Khu bảo tồn biển độc đáo ở Bermuda

Giống như nhiều con tàu đắm khác, Caraquet không chỉ là di sản văn hóa của quần đảo mà còn là di sản môi trường. Các xác tàu đóng vai trò như những rạn san hô nơi cá đẻ trứng và sinh sôi.

Kết hợp nghiên cứu khoa học với kiến thức địa phương là nền tảng chiến lược của Rouja nhằm bảo tồn các xác tàu đắm của Bermuda. Để lấy ví dụ, anh rút ra một cuộn giấy cũ trong văn phòng của mình.

Đó là tấm bản đồ vẽ tay của Teddy Tucker với chú thích về các quần thể cá. Rouja cho biết Tucker từng nhắc tới cá mập và nói về những loài cá mà anh chưa từng nhìn thấy. Điều này cho thấy môi trường biển ở Bermuda đã thay đổi đáng kể theo thời gian.

Rouja mang theo máy ảnh để chụp lại xác tàu đắm. Ảnh: CNN.

Bằng cách bảo vệ các xác tàu đắm và hạn chế đánh bắt cá ở những khu vực này, chính phủ đã tạo điều kiện lý tưởng để các quần thể cá cạn kiệt dần phục hồi.

Khi nghiên cứu các xác tàu đắm, Rouja cũng đồng thời quan sát được sự phát triển của rạn san hô trên xác tàu và sự sinh sôi của một số loài cá.

Đây chính là xu hướng bảo tồn môi trường mới mà Bermuda đang đi đầu với một khu bảo tồn biển được tạo thành từ các xác tàu đắm.

Với diện tích đất tương đối nhỏ, nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế và người dân quen với sự xa xỉ của xã hội phương Tây, Bermuda là mô hình thu nhỏ đại diện cho những thách thức về môi trường mà thế giới phải đối mặt.

“Tất cả những gì nhập về đều đến lúc phải thải bỏ. Nếu phát hiện ra nguồn chất thải, chúng ta không thể chỉ gom chúng lại và mang đi nơi khác để không phải xử lý. Chúng sẽ luôn luôn ở đây”, Rouja nhận xét.

Lời giải mới cho bí ẩn Tam giác quỷ Bermuda Các nhà khoa học cho rằng chính luồng bom khí từ những đám mây đã gây nên những đợt sóng chết người tại Tam giác quỷ Bermuda.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-lan-tim-300-xac-tau-dam-duoi-day-tam-giac-quy-bermuda-post766682.html