Người làm nông nghiệp trồng gì và trồng như thế nào để có năng suất cao?

Theo chuyên gia, người làm nông nghiệp có thể trồng sen trên những mảnh ruộng trũng không canh tác lúa để mang lại hiệu quả năng suất cao.

Tại buổi giao lưu trực tuyến về Liên kết 4 nhà trong ứng dụng KH&CN tại Báo Gia đình & Xã hội, PGS. TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, hiện nay, ở các vùng nông thôn, có nhiều đất nông nghiệp bị bỏ hoang do hiệu quả canh tác thấp.

Đặc biệt là những người trẻ, sẵn sàng bỏ ruộng đồng để đi tìm một công việc khác mang lại kinh tế hơn. Đây không chỉ là nỗi trăn trở của người làm nông nghiệp mà cũng là sự day dứt của các nhà quản lý và các nhà khoa học.

PGS. TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tại buổi giao lưu trực tuyến.

PGS. TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tại buổi giao lưu trực tuyến.

Tuy nhiên, ông Đặng Văn Đông cho rằng có nhiều loại cây trồng có thể phát triển tốt để thay thế cây lúa. Vừa giữ không làm biến đổi đất lúa, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giữ ổn định môi trường mà lại thu hút được tầng lớp thế hệ trẻ ở lại xây dựng quê hương.

"Bản thân cá nhân tôi cũng đang suy nghĩ và bước đầu đã tìm ra một hướng đi mới, đó là trồng sen vào những ruộng lúa trũng. Bởi cây hoa sen có rất nhiều tác dụng: Lá sen dùng để bao gói thay cho nilong, hạt sen là thức ăn bổ dưỡng và cũng là nguồn dược liệu quý, đài sen có thể sử dụng để làm phân bón, thân sen có thể dệt vải, củ sen vừa là nguồn thực phẩm ăn trực tiếp vừa có thể dùng chế biến làm các loại thực phẩm bổ dưỡng khác...

Ngoài ra nếu trồng sen còn có thể kết hợp làm du lịch sinh thái, cũng cho hiệu quả rất cao. Hiện nay theo tính toán của chúng tôi, giá trị một ha trồng sen có thể cho thu hoạch từ 500-700 triệu đồng/ha, cao gấp 10-15 lần so với cây lúa", PGS. TS Đặng Văn Đông cho hay.

Theo các chuyên gia, với đất nông nghiệp bỏ hoang, người làm nông nghiệp có thể trồng sen vào vùng đất trũng để thu lợi kinh tế cao.

Cũng theo ông Đông, hiện nay, Viện Nghiên cứu rau quả đang phát triển sen ở một số địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định...

Về vấn đề gia tăng hiệu quả kinh tế, nguồn thu nhập ở các vùng nông thôn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH & CN địa phương (Bộ KH&CN) cho rằng tiềm năng sáng tạo, phát minh sáng chế của con người là không giới hạn.

Do vậy, người nông dân không chỉ "mặc định" chỉ sản xuất nông nghiệp, đặt hy vọng vào giá trị kinh tế thu được từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, mà người nông dân cũng có thể sáng tạo ra những công cụ lao động, máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ cho sản xuất của mình.

Đặc biệt, trong điều kiện lao động nông nghiệp của nước ta, người nông dân luôn sáng tạo phát minh sáng chế ra công cụ máy móc để giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất. Điều này là vô cùng quý báu và đáng trân trọng.

Ông Chu Thúc Đạt cho rằng, trong hoạt động của mình, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu đều hướng đến mục tiêu chung là tạo ra những sản phẩm phục vụ tốt nhất cho sản xuất, cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều khi kết quả của họ tạo ra chưa được như mong đợi, có thể chưa áp dụng được ngay vào sản xuất. Điều này đòi hỏi sự cố gắng bám sát thực tiễn hơn nữa để các kết quả nghiên cứu nhanh chóng được ứng dụng và đưa vào sản xuất và đời sống.

Ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH & CN địa phương (Bộ KH&CN) cho rằng tiềm năng sáng tạo, phát minh sáng chế của con người là không giới hạn.

Nói riêng về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ông Chu Thúc Đạt cho biết, trong liên kết 4 nhà, mặc dù còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như: Chưa có ràng buộc chặt chẽ, chủ động thích ứng kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng, khó lường của giá cả thị trường tiêu thụ sản phẩm… Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mang lại từ việc liên kết 4 nhà. Trong đó, giữ vai trò chính là doanh nghiệp.

Ông Đạt khẳng định, mối liên kết này bước đầu đã tạo nên sự gắn bó về lợi ích giữa cơ quan nghiên cứu - doanh nghiệp - người nông dân, khẳng định vai trò định hướng và cơ chế chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, từ đó tạo thành mô hình liên kết theo chuỗi giá trị mà ở đó mọi chủ thể đều có quyền lợi và trách nhiệm liên quan với nhau.

"Nhận thức tầm quan trọng như trên trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN thuộc chương trình nông thôn miền núi thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tựu có ý nghĩa như: Nhà quản lý đã chủ động ban hành những cơ chế chính sách phù hợp cho các cơ quan nghiên cứu để tạo ra được các công nghệ mới.

Đồng thời có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận làm chủ những kết quả nghiên cứu được tạo ra từ các Viện/Trường... Doanh nghiệp liên kết hợp tác với người nông dân để sản xuất vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ cho chế biến, tiêu thụ ra thị trường", ông Đạt chia sẻ.

Hạ Di

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-lam-nong-nghiep-trong-gi-va-trong-nhu-the-nao-de-co-nang-suat-cao-20191015160607972.htm