Người làm cách mạng Nhà vệ sinh ở Việt Nam

Chứng kiến con gái phải thường xuyên phải nhịn tiểu, nhịn uống nước do sợ nhà vệ sinh bẩn, ông Lê Văn Hiệp luôn thôi thúc mình phải hành động để thay đổi.

Chứng kiến nỗi khổ của con mỗi khi đến các nhà vệ sinh công cộng, ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch HĐQT- TGĐ Công ty Kim Hoàng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam thấy rằng, mình phải làm một việc gì đó để cải thiện và nhà vệ sinh công cộng không còn là ác mộng với mọi người. Sau một thời gian dài vận động, cuối năm 2018, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam được thành lập. Tuy nhiên, để có được kết quả ấy, ông Hiệp đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Lê Văn Hiệp về vấn đề này?

- Thưa ông, lý do nào khiến ông quyết tâm gắn bó với nhà vệ sinh công cộng ?

Mọi việc khởi đầu từ năm 2014. Năm đó, con gái tôi phải chuyển rất nhiều trường chỉ vì lý do rất hỡi ôi, đó là nhà vệ sinh quá bẩn. Vì thế, con bé thường xuyên phải nhịn tiểu, nhịn uống nước. Thấy con gái phàn nàn, tôi cũng đã làm việc với trường và tài trợ để làm nhà vệ sinh. Nhưng chỉ được thời gian đầu, rồi nhà vệ sinh bẩn lại vẫn bẩn. Cuối cùng, tôi đưa cháu sang nước ngoài học.

Đại hội Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam

Đại hội Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam

Tại nước ngoài, tôi chứng kiến nhà vệ sinh công cộng của họ sạch bong. Tôi tìm hiểu và tiếp cận được với đại Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới. Sau khi tham khảo, tôi quyết định thực hiện “dự án” cách mạng nhà vệ sinh Việt. Gọi là dự án nhưng toàn bộ là chi phí của tôi bỏ ra và tài trợ.

Tại Việt Nam, tôi đã đi khảo sát 43/63 tỉnh thành. Tôi đã xem được tất cả những mặt tối và ý thức hệ về chất lượng và cả số lượng. Sau cùng, từ những góp nhặt của mình sau những học hỏi và khảo sát, tôi quyết định thực hiện những sáng chế và những công việc liên quan đến công cuộc cách mạng nhà vệ sinh.

- Chắc ông cũng gặp không ít khó khăn?

Để thành lập được Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam là một quãng đường dài và tôi cũng đã thấy không ít tiếng cười “nhếch mép” từ cộng đồng ngay từ việc bắt tay vào công cuộc vận động. Theo đó, năm 2015, tôi mời các kỹ sư, luật sư, doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, sau đó nhiều người lại rút lui vì họ cho rằng nó là một “chủ đề” phản cảm. Nhiều người cho rằng tôi “khùng”, dỗi hơi, vác tù và hàng tổng, với rất nhiều suy nghĩ tiêu cực,…

Ông Lê Văn Hiệp (đứng bên phải) tiếp Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Thế giới

Khó khăn là vậy nhưng tôi vẫn kiên trì với kế hoạch của của mình. Tôi đầu tư vào hệ thống nhà vệ sinh thông minh cho một số điểm tại một số tỉnh, thành. Đồng thời, khi có cơ hội, tôi phân tích về nhà vệ sinh thông minh có ảnh hưởng đến môi trường sức khỏe văn minh, từ trong trường học, bệnh viện, nơi công cộng, tuyến phố, đến vùng núi hoặc miền quê với rất nhiều hệ lụy quanh nó. Mưa dần thấm lâu, dần dần cũng có nhiều người ủng hộ và đồng lòng.

Từ năm 2015, tôi bỏ tiền ra làm truyền thông với chương trình “Chạy khẩn cấp” vào dịp 19/11 (ngày Toilet Thế giới) với sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng và hơn 2.000 người tham gia. Ngoài ra, tôi cũng vận động kêu gọi sự ủng hộ của các cơ quan báo chí, truyền thông. Chỉ riêng năm 2015, tổng số tiền làm chương trình là hơn 1 tỷ đồng, nhưng số tiền vận động chỉ khiêm tốn được hơn 100 triệu đồng. Số còn thiếu do tôi bỏ ra. Tuy nhiên, sau những sự kiện đó thì hiệu ứng truyền thông cũng được mở ra với tín hiệu tốt hơn nhiều.

Những đồng tiền tôi bỏ ra cho dự án của mình đều là mồ hôi nước mắt từ việc kinh doanh trước khi đến với dự án nhà vệ sinh sạch. Nó không hẳn là một số tiền cực lớn đối với doanh nghiệp nhưng với tôi nó là một khối tài sản và tôi muốn nó được cho đi theo đúng giá trị.

Bên cạnh đó, tôi nghiên cứu và sáng chế ra những thiết bị nhà vệ sinh thay vì trước đó chỉ hô hào truyền và kết quả giờ tôi đã có được thành quả ban đầu với giải thưởng sản phẩm cải tiến tiện ích thông minh hỗ trợ, ý thức người dân thay đổi cách nhìn về nhà vệ sinh, đó là giải thưởng nhà vệ sinh tốt nhất Asean với 10 nước tham dự với sản phẩm “Nhà vệ sinh công cộng tốt nhất Asean”.

Đến cuối năm 2018, Hiệp Hội Nhà vệ sinh Việt Nam được thành lập và tôi được bầu làm Chủ tịch. Hiện tại, có rất nhiều cơ quan và tổ chức, các thành viên ủng hộ. Bây giờ, tôi có thể tự tin về chiều hướng để suy nghĩ đến cơ chế mở để làm sao dự án thật sự được cả cộng đồng đón nhận và đồng hành vì một xã hội phát triển chung, vì một môi trường sạch và sức khỏe con người cũng được cải thiện tốt hơn.

- Nhiều người bảo ông “khùng” khi bỏ tiền vào lĩnh vực chẳng ai muốn làm. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi không quan tâm tới những ý kiến chê bai, nói kháy. Tôi làm việc bởi tin rằng nước ngoài làm được chắc hẳn Việt Nam sẽ làm được. Tôi đã giải thích rất nhiều từ gia đình, xã hội, bạn bè, đồng nghiệp cho đến các đối tác làm ăn và bỏ ngoài tai tất cả những phát ngôn ác ý tử cộng đồng.

- Theo ông, đến nay nhà vệ sinh công cộng hiện nay ở Việt Nam đã thay đổi như thế nào?

Một xã hội văn minh, lịch sự nhưng thiếu nhà vệ sinh công cộng thì ý thức vẫn là phóng uế bừa bãi, ô nhiễm môi trường, không khí. Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã đầu tư để nhà vệ sinh sạch, hiện đại hơn. Có thể dễ nhận thấy từ bến tàu, bến xe, nhà hàng, khu vui chơi, trường học, bệnh viện… đến thời điểm này đã thay đổi như một bước ngoặt mới bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Ông Lê Văn Hiệp bên nhà vệ sinh thông minh

Tuy nhiên, có những trường học có nhà vệ sinh khá khang trang, nhưng vẫn chưa đạt được chuẩn cụ thể; ở nhiều bệnh viện, trường học, nơi công cộng vẫn còn mùi nồng nặc, dơ ráy. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh hoặc vi khuẩn có thể lây chéo tới người bệnh. Đó là chưa nói đến vùng nông thôn, các phòng khám, trường học, bệnh viện, trung tâm y tế không có nhà vệ sinh, hoặc nhà vệ sinh gần như đối với họ là quá xa. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, 90% không sử dụng nhà vệ sinh sạch hoặc dùng nhà vệ sinh mà không rửa tay rửa chân gì cả và sử dụng chính nguồn “thải sống” ấy để bón cây mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào, gây ảnh hưởng ô nhiễm rất nhiều cho môi trường. Nói chung, không kể hết được những hệ lụy khủng khiếp từ nhà vệ sinh bẩn và thói quen từ rất xưa của người Việt.

- Trong thời gian tới, ông dự định sẽ làm gì để Hiệp hội tiếp tục phát triển.

Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền thông nhằm thay đổi ý thức cộng đồng. Chúng tôi sẽ kết nối khắp các tỉnh thành và xin cơ chế để làm nhà vệ sinh theo phương thức xã hội hóa trên toàn quốc. Thực tế là quốc gia nào cũng còn nhiều việc để làm, nên để chờ ngân sách nhà nước đủ để làm thật sự không biết đến bao giờ nếu chúng ta cứ ngồi yên để chờ. Bởi thế, một giải pháp thông minh về vốn, cần có cơ chế để làm sao các thành viên hội mạnh dạn tài trợ nhà vệ sinh cho các tỉnh và rao lại cho thành viên các địa phương quản lý.

Tôi tin rằng ý thức của thế hệ trẻ trong tương lai sẽ được cải thiện. Họ sẽ nhìn nhà vệ sinh một cách tích cực hơn với những dự án phát triển Cộng đồng. Hy vọng thời gian không xa về chất lượng số lượng và ý thức của con người Việt Nam sẽ thay đổi để nhà vệ sinh công cộng không còn là ám ảnh với người dân và khách du lịch.

Xin cảm ơn ông.

Khánh Linh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nguoi-lam-cach-mang-nha-ve-sinh-o-viet-nam-160013.html