Người lái xe cứu bé gái: Sự tử tế đã chạm đến trái tim nhiều người

Baoquocte.vn. Trong những năm qua, trước sự tác động của mạng xã hội, chúng ta thấy nhiều hơn những tích cực và cả tiêu cực trong xã hội. Trong đó, hành động dũng cảm của người lái xe cứu bé gái 3 tuổi đã chạm đến trái tim nhiều người.

Hành động dũng cảm của người lái xe cứu bé gái 3 tuổi đã chạm đến trái tim nhiều người.

Hành động dũng cảm của người lái xe cứu bé gái 3 tuổi đã chạm đến trái tim nhiều người.

Chúng ta từng buồn, từng đau với những câu chuyện trong ngành giáo dục, những vụ bạo lực học đường, phụ huynh bạo hành giáo viên, học sinh xúc phạm giáo viên... Nhưng chúng ta cũng thấy không ít thầy cô giáo sẵn sàng gieo chữ ở những bản làng xa xôi.

Có khi ta phải chứng kiến những vụ đánh nhau trên phố và số đông đứng nhìn, quay phim, chụp ảnh để đưa lên mạng xã hội, rồi người ta lại phán “xã hội này vô cảm thật”. Nhưng chúng ta cũng thấy tình người từ những đoàn xe cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

Hình ảnh những đứa trẻ ở Hà Giang, Lào Cai…với những bộ quần áo mong manh trong giá rét khiến người ta phải xót xa, ám ảnh. Nhưng cũng có những nhóm trao áo ấm cho con trẻ.

Chúng ta thấy những suất ăn nghèo nàn của nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa. Nhưng chúng ta thấy những gia đình thành phố tham gia chương trình “Nuôi em” do bạn Hoàng Hoa Trung khởi xướng với công thức mỗi người góp 2.000 đồng/ngày để trẻ em mầm non no bụng và học tập. Chúng ta thấy “Cơm có thịt” của Quỹ trò nghèo vùng cao…

Tỉnh Hải Dương bị cách ly để chống dịch Covid - 19, nhiều nhóm dân sự đã tham gia giải cứu nông sản giúp nông dân.

Những năm qua, hàng triệu bản sách đã về nông thôn bởi sự chung tay của chính cha mẹ học sinh là những nông dân một nắng hai sương và của hàng trăm nghìn người Việt sống ở thành phố, nước ngoài. Chúng ta thấy những hình ảnh đẹp của các chiến sĩ chống Covid-19 từ cấp chính phủ, nhà khoa học, đội ngũ y, bác sĩ, doanh nghiệp, người dân trong năm 2020 và đầu năm 2021. Nghĩa là, đâu đâu cũng thấy sự tử tế tồn tại trong xã hội.

Sự tử tế được gieo mầm

Đặc biệt, những ngày qua, báo chí và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người lái xe đã nỗ lực cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 của chung cư. Hành động của anh Mạnh cho chúng ta thấy những gì?

Vào một thời điểm ngắn, một cơn gió không thể thổi nhiều hướng, nhưng một hành động tốt như của anh Mạnh có thể chạm đến trái tim nhiều triệu người. Hiển nhiên, tôi và nhiều người xúc động về hành động của anh Mạnh, dành cho anh những lời tốt đẹp và biết ơn. Có người cho rằng mỗi con người sinh ra đều lương thiện, tuy nhiên, có những người đã lạc lối mà xa rời thiện tính của mình. Hành động của anh Mạnh có thể giúp ai đó lạc lối nhận ra mình và cũng giúp những mầm thiện nảy nở trong xã hội này.

Trong xã hội kim tiền như hiện nay, chúng ta thấy nhiều mặt trái nhưng cần chung tay để tạo thay đổi. Bởi thế, hành động của anh Mạnh và sự khen ngợi của nhiều người minh chứng rằng, chúng ta luôn mong muốn xã hội có nhiều người tốt, nhiều hành động vì người khác.

Muốn cho xã hội tốt lên, trước hết mỗi chúng ta cần xác định được bổn phận của mình trong gia đình, trong xã hội. Là người cha tốt, người ta dành thời gian đọc sách cùng con, học cùng con, xem con như bạn bè để không áp chế và gây sợ hãi cho con. Làm chồng tốt, không ai dành thời gian nhiều cho ăn nhậu, cho cờ bạc, cho game. Làm mẹ tốt, người ta dành thời gian cho con, đọc sách tìm hiểu tâm lý, nhóm thông minh của con để có phương pháp dạy con đúng cách...

Làm cha mẹ tốt sẽ không ép con học hành để “trang điểm” cho bản thân mà giúp con tìm được niềm say mê, niềm vui trong học tập để con phát triển tự nhiên. Con cái chỉ hạnh phúc khi học tập vì yêu tri thức và khám phá tri thức.

Muốn xã hội tốt, thầy cô giáo cần thấu hiểu vai trò của tri thức trong việc định hình nhân cách, lối sống cũng như nghề nghiệp của các em. Thầy cô yêu tri thức sẽ tìm mọi cách để khuyến khích học sinh đọc sách và thực hành những nội dung trong sách.

Khen ngợi anh Mạnh và những người tốt khác là việc nên làm nhưng tốt hơn nữa là mỗi chúng ta cần loại bỏ cái xấu ra khỏi bản thân. Chúng ta cần dũng cảm chống lại những hành động vô cảm, xấu xí trong xã hội, cùng nhau đòi quyền nghe và đọc sách cho tất cả trẻ em...

Muốn xã hội tốt đẹp, ai ai cũng cần có lòng trắc ẩn như anh Mạnh. Có lòng trắc ẩn dù ở trình độ nào, người ta sẵn sàng giúp đỡ người khác trong điều kiện có thể. Lòng trắc ẩn càng nhiều, trăn trở về con người và xã hội càng lớn, cùng có tri thức rộng lớn, luôn xem xã hội là nhà của mình để chia sẻ trách nhiệm của mình trong đó. Lòng trắc ẩn trong mỗi cá thể không tự nhiên có, được lũy tích mà cần được dưỡng dục từ gia đình, nhà trường và trong xã hội.

Nhà triết học, nhà kinh tế chính trị học, nhà hoạt động xã hội người Anh John Stuart Mill có quan điểm: “Về lâu dài, bằng chứng tốt nhất của một người có nhân cách tốt là những hành động tốt”.

Vậy, mỗi chúng ta cần có tinh thần vì người khác như anh Mạnh trong việc giúp cháu bé thoát khỏi bàn tay tử thần. Tinh thần vì người khác chứa trong mỗi tâm hồn và trí não của mọi công dân chính là tài sản của quốc gia. Tài sản đó sẽ làm cho quốc gia được tôn trọng và nhân loại tiến bộ hơn.

Nguyễn Quang Thạch

(Khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn, Cố vấn trường EV Academy Anh quốc)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-lai-xe-cuu-be-gai-su-tu-te-da-cham-den-trai-tim-nhieu-nguoi-138304.html