Người lái đò trên sông Lam vui mừng vì sắp... thất nghiệp
Câu chuyện tưởng chừng như nghịch lý lại đang diễn ra với những người lái Đò Cung trên sông Lam, nối huyện Thanh Chương với huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An).
Thất nghiệp nhưng vui
Những ngày cuối tháng 8/2024, do các huyện miền núi Nghệ An có mưa lớn nên nước sông Lam dâng cao, chảy xiết.
Như bao ngày, ông Nguyễn Văn Hợp (64 tuổi, xã Trung Sơn) và anh Nguyễn Hoàng Toàn (38 tuổi, xã Cát Văn) có mặt tại bến Đò Cung (nối xã Cát Văn, huyện Thanh Chương với xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) từ rất sớm để lái đò, phục vụ người dân qua sông.
Chỉ khác, trên đò có thêm mấy tấm lưới đánh cá. Những lúc rảnh rỗi, hai người lại tranh thủ kẹp chì, buộc phao.
Chỉ tay về cây cầu bê tông bắc qua sông Lam đang hoàn thiện, ông Hợp cười nói: "Sắp thất nghiệp rồi, anh em chuẩn bị lưới đánh cá để chuyển nghề".
Trong giọng nói của người đàn ông có đến 40 năm làm nghề lái đò đưa khách qua sông nghe có chút gì đó tiếc nuối, nhưng phần nhiều là niềm vui khi người dân nơi đây chuẩn bị hết “lụy đò”.
Đối mặt hiểm nguy
Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước nên ngay từ nhỏ, ông Hợp đã theo ông, theo bố “lên bến xuống thuyền”. Năm 1978, ông đi bộ đội, năm 1981 thì giải ngũ, về quê hương lập nghiệp. Đến năm 1984, ông chính thức làm nghề lái đò.
"Ban đầu đò chèo bằng tay nên rất vất vả và nguy hiểm. Có năm, lũ rút nhưng nước sông Lam vẫn rất cao và chảy xiết. Mấy người dưới Diễn Châu lên bán muối, đang trên đường về, cứ nằng nặc xin qua sông.
Tôi lựa dòng nước, chèo đò lên phía thượng nguồn. Nước chảy xiết đến mức không cần chèo, đò như chiếc lá lướt trên mặt nước mà qua sông”, ông Hợp kể.
Anh Toàn cũng có hơn 10 năm làm nghề, không biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn gắn bó với con đò nhỏ và người dân hai bên bờ.
Anh kể, theo quy định, đò chỉ chạy ban ngày, và ngày thời tiết tốt, ban đêm và mưa bão thì phải đình chỉ.
Thế nhưng, nhiều đêm, có người ốm đau phải đi cấp cứu, đường bộ thì xa, chỉ có đi đò là lên trung tâm huyện nhanh nhất nên phải liều đi. "Cứu người như cứu lửa mà", anh Toàn nói.
“Cách đây khoảng hơn 10 năm, có ông ở trong xã bị rắn độc cắn từ chiều. Đến khoảng 9h đêm, người ông tím tái, khó thở. Nghe gia đình kêu, anh em lái đò biết là trái quy định và có thể nguy hiểm cho chính mình nhưng cũng liều mình gắng chạy thật nhanh”, anh Toàn nhớ lại.
Theo ông Hợp và anh Toàn, tổ lái đò ở bến Đò Cung có 6 người, mỗi xã 3 người. Và tất cả đều vui mừng khi cây cầu bê tông vĩnh cửu bên cạnh sắp hoàn thành.
Mơ ước bao đời thành sự thật
Ngày 2/9 năm nay, người dân xã Cát Văn (huyện Thanh Chương) và vùng lân cận càng vui mừng hơn khi huyện chọn làm ngày lễ thông xe cầu Đò Cung.
Cầu Đò Cung có chiều dài 418,4m, gồm 10 nhịp, bề rộng mặt cầu 9m. Trong khi đó, đường 2 đầu cầu có tổng chiều dài hơn 1,1km. Điểm đầu Km 0+00 giao với QL46C tại Km 111+525 thuộc xã Cát Văn huyện Thanh Chương; điểm cuối Km 1+557,64 giao với QL46B tại Km 55+300 thuộc xã Trung Sơn, huyện Đô Lương.
Công trình do UBND huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư với tổng kinh phí lên đến hơn 176 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Trung (ở xã Cát Văn) chia sẻ, xã Cát Văn thuộc huyện Thanh Chương nhưng lại gần với trung tâm huyện Đô Lương hơn.
Do sông nước chia cắt nên nếu đi theo đường bộ, từ xã lên thị trấn Đô Lương cũng phải 15km. Trong khi đó, đi đò sau đó theo QL46B về Đô Lương chỉ mất khoảng 5km.
Còn về trung tâm huyện Thanh Chương, nếu đi theo đường chợ Chùa, phải mất khoảng 20km, nếu đi đò sau đó theo QL46B cũng phải mất 15km.
“Có một cây cầu bê tông là mơ ước bao đời nay của người dân chúng tôi. Không có cầu khổ sở biết bao nhiêu, cây lúa, cây ngô làm ra, đường sá xa xôi, thương lái cũng ép lên ép xuống. Chưa kể, khi mưa bão, đêm hôm ốm đau, đi đường bộ thì xa, trong khi đò thì nguy hiểm”, anh Trung nói.
Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương xúc động cho hay, mơ ước bao đời về một cây cầu cứng của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân xã Cát Văn và 9 xã lân cận đã thành hiện thực.
Theo ông Nhã, có cầu, đầu tiên là việc lưu thông của người dân an toàn, dù là đêm hôm hay lúc mưa gió. Tiếp đến, như một tất yếu, giao thông thuận tiện thì giao thương, kinh tế - xã hội của địa phương sẽ phát triển.