Người lái đò cuối cùng trên bến sông quê

Miền Trung, ngoại trừ vài con sông cái tương đối lớn còn lại đa số là sông con. Sông con mùa hè nước cạn, nhiều nơi phơi cả đáy sông. Người cần qua sông cứ việc tụt quần dài, xắn áo, gióng quang nia thúng đội hết lên đầu là có thể lội qua và nhớ canh đúng luồng, đúng bến mà đi. Chỗ cạn thì lưng lửng gối, chỗ nào sâu lắm cũng chỉ đến thắt lưng. Thế nên, miền Trung xưa ít thấy bóng dáng đò ngang. Tìm một ông lái đò đã khó nói chi đến việc tìm cho ra một cô lái đò.

Vậy nhưng, làng tôi xưa đã từng có một ông lái đò. Và hơn thế, còn có cả một cô lái đò. Con sông Bàn Thạch chảy ngang làng tôi tuy nhỏ nhưng mùa đông nước sâu, chảy xiết, không đò không ai dám lội qua. Ông lái đò làng tôi có cái tên rất lạ: ông Năm Chua! Chính xác hơn, ông là chồng của bà Năm Chua. Nhưng người làng không nhớ (và chắc cũng không ai buồn nhớ) tên ông. Người ta cứ gọi “Năm Chua” lâu riết thành quen. Thực tình, chẳng hiểu ông Năm “chua chát” ra sao nhưng tên ông quả là… độc nhất vô nhị, một lần nghe qua, đảm bảo sẽ nhớ cả đời!

Ông Năm Chua người thấp bé, chân vòng kiềng. Mùa nước nổi hoặc lúc nông nhàn, ông làm thêm nghề chống đò qua sông. Gọi đò cho oai chứ thực ra nó chỉ là chiếc xuồng to. Và cũng ít khi cần đến mái chèo, thay vào đó, ông Năm dùng cây sào tre dài để chống. Ấy vậy mà cũng lại qua nhoay nhoáy. “Nghiệp vụ chống đò” của ông Năm quả là điệu nghệ. Hàng bao năm đưa đón,chưa lần nào ông Năm cho “thượng đế” xơi món “chè ghim” (nói bi hài cái tai nạn... chìm ghe). Tôi là đứa cực kỳ nhát nước, vốn rất ngại chuyện ngồi đò qua sông, nhưng đi đò ông Năm, bao giờ tôi cũng… ít run hơn đi đò người khác. Cũng phải thôi, ngoài chuyện “tay nghề bậc cao”, ông Năm còn tuân thủ rất chặt quy tắc an toàn giao thông: thà đi thêm chuyến chứ không bao giờ chở quá tải trọng con đò! Hơn thế, cái bộ điệu bình tĩnh, ung dung của ông cũng tác dụng cực kỳ trong việc trấn an hành khách đò giang. Vậy nên ngày nào cũng như ngày nào, kệ nước “đứng” hay nước xiết, con đò của ông cứ lướt êm ru, vững chãi, an toàn.

Cô lái đò mà tôi nói đến là cô Mứt, con gái ông Năm. Trái ngược với cha, cô Mứt cao lớn, trắng trẻo, đứng trên đò nom “ra dáng” lắm. Vậy nhưng, cô chỉ là một cô lái đò… amateur (không chuyên), tức chỉ chống đò thay cha những hôm ông Năm đau yếu hoặc bận việc nhà. Tiếng rằng amateur nhưng tay sào cô Mứt thì không amateur chút nào. Con đò dưới sự điều khiển của cô cứ trôi phăng phăng, vững vàng còn… hơn cả ông Năm! Khỏi nói, khách trai trẻ qua sông bao giờ cũng khoái thấy “thuyền trưởng” là cô. Có điều, trong đám khách sang sông ngày ngày ấy, hình như lâu lắm vẫn chưa ai duyện nợ hẹn thề cùng cô, đến độ đã qua lâu rồi cái tuổi “băm” mà cô vẫn chiếc bóng phòng không và mỗi lúc chống đò đưa khách qua sông, mặt cô cứ rượi buồn.

Gần ba mươi năm rồi tôi không ghé bến sông. Ông Năm Chua về với đất đã lâu, còn cô Mứt hình như cô cũng không còn nơi làng cũ. Bây giờ đường sá thông suốt, cầu bắc qua sông. Và ông lái đò của tôi, và cô lái đò của tôi – những người lái đò cuối cùng trên bến sông quê – đã biền biệt hút xa vào cái lỗ đen ngổn ngang những mảnh vỡ ký ức mất - còn.

Y Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275632/nguoi-lai-do-cuoi-cung-tren-ben-song-que.html