Người không ngại nắng trên đầu, nhựa nóng dưới chân

Nhiệt tình, ham nghề và ứng xử chân chất là những đức tính mà người tiếp xúc với anh Trần Quốc Khánh, công nhân bậc 5/7 thuộc Công ty CP Quản lý & đầu tư xây dựng đường bộ Hà Nội đều dễ dàng nhận thấy. Nhắc đến nghề sửa chữa, duy tu đường, hẳn những nắng nóng, bụi bặm là 'đặc sản' không thể thiếu nhưng anh Khánh chẳng ngại những nhọc nhằn đó. Trân trọng và áp dụng kinh nghiệm bản thân tích lũy từ trong thực tiễn rồi từ đó sáng tạo, cải tiến các kỹ thuật là động lực giúp anh yêu và ngày một say nghề hơn.

Tôi gặp anh Trần Quốc Khánh (SN 1968) trong dịp tổng kết và khen thưởng cho công nhân giỏi cấp ngành do Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức. Trước khi gặp anh, cả Chủ tịch Tạ Thị Mỹ Thanh và Phó Chủ tịch Công đoàn ngành là ông Ngô Minh Hoàn đều dành sự ghi nhận đặc biệt đến cá nhân anh Khánh nói riêng và những người thợ giỏi ngành giao thông nói chung.

Có tìm hiểu mới biết, sự trân quý những người thợ giỏi, ghi nhận đóng góp của những “bàn tay vàng” trong ngành là hết sức cần thiết. Vì sao ư? Bởi nhờ họ, nhờ những người thợ cần mẫn ấy, âm thầm cống hiến ấy mà giao thông thủ đô ngày một khang trang, những cung đường trở nên êm thuận.

 Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trao bằng khen cho anh Trần Quốc Khánh tại lễ biểu dương “Công nhân giỏi” ngành GTVT Hà Nội năm 2019. Ảnh: Đinh Luyện

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trao bằng khen cho anh Trần Quốc Khánh tại lễ biểu dương “Công nhân giỏi” ngành GTVT Hà Nội năm 2019. Ảnh: Đinh Luyện

Khác với những ngành, nghề khác, đặc thù công việc của anh Khánh chủ yếu “bám” các cung đường. Điểm đường nào hỏng hóc, bụi bặm là công nhân sửa chữa, duy tu đường có mặt. Vất vả song khi nhắc đến nghề, anh Khánh vẫn nói với tôi nhẹ tênh: “Làm mãi rồi quen, vả lại trang bị bảo hộ bây giờ tốt hơn nhiều so với 20 năm trước rồi. Người thợ không còn vất vả nhiều như trước”.

Theo lời anh Khánh, thời điểm mới vào công ty, công việc của anh chủ yếu là đi nấu nhựa và tưới nhựa. Sau được công ty quan tâm, anh bắt đầu được đơn vị cử đi học chứng chỉ tay nghề để nâng cao trình độ. Hơn thế, các chế độ, phụ cấp, không ngừng nâng cao môi trường làm việc, cải thiện trang bị bảo hộ lao động…. cũng được công ty quan tâm và hỗ trợ tối đa. Nhờ thế anh cũng yêu nghề hơn. “Mới đấy mà nay tôi đã gắn bó 26 năm với công ty rồi…” - anh Trần Quốc Khánh thật thà kể.

Nhắc đến đặc thù công việc của mình, anh Khánh chia sẻ: mục đích của khâu đoạn duy tu, sửa chữa vá ổ gà hết sức quan trọng. Trên mặt đường khi xuất hiện ổ gà phải tiến hành xử lý, tránh ổ gà phát sinh sẽ gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, kinh phí sửa chữa sẽ tốn kém.

Theo lời anh Khánh, sau khi xác định diện tích ổ gà bị hư hỏng, người thợ sẽ sử dụng máy cắt bê tông cắt bao quanh diện tích miếng vá. Dùng máy cào bóc các vật liệu hư hỏng tới tận đáy miếng vá. Vết cắt phải thực hiện sao cho vuông thành sắc cạnh, thổi bụi, loại bỏ tạp vật đảm bảo miếng vá khô, sạch. Công tác tưới nhựa, sử dụng máy lu… đảm bảo đúng kỹ thuật. Miếng vá hoàn thiện là miếng vá phải đảm bảo các mép bằng phẳng so với mặt đường cũ, không gồ ghề.

Đặc thù công việc vất vả song những người thợ sửa chữa, duy tu đường luôn âm thầm, cần mẫn cống hiến cốt sao đường đi đường đi được êm thuận, giao thông được an toàn. Ảnh: Đinh Luyện

Lý thuyết là vậy song khi thực nghiệm thực sự trên hiện trường, nếu người thợ “non” kinh nghiệm sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nhựa tưới không đều, tràn thành vũng hoặc nguyên vật liệu “vá” rời rạc, không bám dính mặt đường cũ. Như vậy trực tiếp dẫn đến lãng phí nguyên vật liệu, chất lượng công trình không đảm bảo.

Để khắc phục điều này, anh Trần Quốc Khánh đã nghĩ ra phương cách phối hợp với lượng nhựa được tưới vừa phải rồi dùng các con lăn, lăn rộng lượng nhựa này ra các mép đường để tăng độ bám dính cho miếng vá. Từ sự sáng tạo này, chất lượng công trình cũng được đảm bảo, tiến độ xử lý cũng được đẩy nhanh hơn.

Nhắc chuyện đóng góp sáng kiến, anh Khánh cười hiền bảo: “Những sáng kiến, cải tiến của tôi cũng chỉ là thiết thực phục vụ công việc thôi. Khi đã yêu công việc, sẽ sống, chết với nó, phải luôn nghĩ cách làm thế nào cho Công ty, công việc của mình ngày càng tốt hơn, hòa hợp hơn”.

Bên lề câu chuyện, trò truyện về những vất vả trong nghề với người thợ nhiệt tâm này tôi càng thấm hơn những khó nhọc trước nắng, trước gió của những người thợ bảo dưỡng đường. Họ âm thầm, cần mẫn cống hiến cốt sao đường đi đường êm thuận, giao thông được an toàn.

Còn nhớ, trong một câu chuyện vui với công nhân dịp Công đoàn ngành tổ chức Hội thi “Công nhân duy tu, sửa chữa đường bộ giỏi”, khi nhắc đến nghề có công nhân dự thi hôm ấy hồn hậu bảo với tôi rằng: “Nắng trên đầu và nhựa nóng dưới chân là thứ gia vị công việc chẳng thể thiếu”.

Thực vậy, nếu nắng, bụi, mùi nhựa đường nóng phả lên mặt có thể làm những người đi đường nhăn mặt nhưng với công nhân duy tu, sửa chữa thì đó là chuyện thường. Nhiều lúc đường mới sửa chữa, vừa dọn dẹp xong thì sự cố khác lại xảy ra. Công việc “không tên” của họ khá nhiều song nếu đã bắt tay vào làm thì phải xong việc mới thôi. Làm mãi thành quen, nắng gắt, bụi bay vào mắt cay xè cũng dần không còn đáng sợ.

Chia sẻ về những dự định tương lai, anh Trần Quốc Khánh hướng ánh mắt ra cung đường thênh thang rồi cười hiền bảo với tôi: “Gắn với những cung đường những vất vả là đương nhiên nhưng tôi không ngại. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa…”.

Với những đóng góp của mình, suốt nhiều năm nay anh Trần Quốc Khánh luôn được đơn vị quản lý đánh giá là công nhân duy tu sửa chữa đường tận tụy, hết mình vì công việc. Cá nhân anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động giỏi, Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp công ty và cấp ngành… Mới đây nhất, năm 2019 anh đạt giải Nhất Hội thi thợ giỏi ngành Giao thông vận tải.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-khong-ngai-nang-tren-dau-nhua-nong-duoi-chan-90945.html