Người khơi nguồn năng lượng tích cực đến sinh viên

38 năm giảng dạy và nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam đã đào tạo nên nhiều thế hệ nhà giáo ưu tú cho vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Với chuyên môn vững vàng cùng 'lửa nghề' luôn bùng cháy, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam đã và đang truyền cảm hứng cho biết bao học trò và đồng nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam (đứng thứ 3, bên phải) cùng các đồng nghiệp tại Hội thảo quốc tế DEPISA tại Thái Lan

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam (đứng thứ 3, bên phải) cùng các đồng nghiệp tại Hội thảo quốc tế DEPISA tại Thái Lan

Đổi mới trong từng giờ dạy

Giờ lên lớp của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam luôn sinh động và hào hứng. Sinh viên (SV) được đặt trong những tình huống “có vấn đề” và phải cùng nhau thảo luận để giải quyết.

Lớp học của cô thường được bố trí, sắp xếp lại bàn ghế theo kiểu “mặt đối mặt”. Bảng và tường trở thành chỗ trưng bày các “sản phẩm” do người học thiết kế. Học viên không ngồi yên mà sẽ đi vòng quanh quan sát, ghi chép, nhận xét, chiêm nghiệm về sản phẩm, sau đó sẽ diễn ra phần đối thoại giữa người học và người học, người học với giảng viên để cùng đi đến kết luận.

Nguyễn Chí Nguyện, SV năm 3 ngành Sư phạm Ngữ văn cho biết: “Chúng tôi luôn chờ đợi giờ học với cô Nam. Cô luôn giao công việc trước và cho một khoảng thời gian hợp lý để SV làm việc theo nhóm. Khi lên lớp SV sẽ tiến hành thuyết trình, báo cáo hoặc trưng bày sản phẩm. Nhờ vậy, buổi học trở nên thú vị và chúng tôi luôn được nói tiếng nói của riêng mình”.

Không chỉ mang lại cách dạy mới mẻ ngay trong môi trường giảng dạy đại học, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam còn tích cực truyền “lửa” nhiệt huyết đến đội ngũ thầy cô giáo ở các trường THPT trong những lần tập huấn chuyên môn hoặc giảng dạy thăng hạng.

Thầy Hồ Hoàng Khải, giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) - người từng tham gia các buổi tập huấn chuyên môn do cô Nam hướng dẫn, nhận xét: “Cô luôn tạo ra không khí gần gũi, dân chủ, cởi mở giữa giảng viên và người học. Tôi cảm nhận ở cô nguồn năng lượng tích cực, chưa bao giờ thấy cô tỏ ra mệt mỏi hay thiếu sự chỉn chu trong tiết dạy. Phải là người có sự đam mê trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao mới làm được như vậy…”.

Có thể nói, những nỗ lực của cô Hồng Nam trong việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực (thông qua dạy học dự án, dạy học tình huống, thảo luận, đóng vai, tổ chức cho SV, HS thuyết trình, trải nghiệm...) đã giúp SV ngành sư phạm có sự chủ động trong việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm đáp ứng Chương trình, sách giáo khoa mới (áp dụng sau năm 2020). SV đã có sự thay đổi trong nhận thức cũng như những nỗ lực hành động để làm mới cách thức, phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn...

Đây thực sự là những thành quả, sự đền đáp xứng đáng cho những năm tháng miệt mài nghiên cứu và giảng dạy của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam trên giảng đường đại học.

Nhà khoa học uy tín

Mỗi giờ lên lớp, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam luôn khuyến khích SV cùng đối thoại và tương tác với bài học

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam còn là một nhà khoa học có uy tín, được các đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.

Từ năm 2012 đến nay, cô là thành viên của DEPISA – một mạng lưới học thuật được duy trì thường niên, liên kết giữa Trường Đại học Sydney và các trường đại học ở khu vực Đông Nam Á nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên các trường đại học ở khu vực Đông Nam Á.

Năm 2016 và 2017, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam là tác giả chính và đồng tác giả của 12 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Cần Thơ, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học quốc gia... Nội dung các bài báo tập trung vào những vấn đề mới của giáo dục Việt Nam cũng như tiếp cận những vấn đề mà giáo dục các nước quan tâm như phát triển chuyên môn, cộng đồng học tập, phát triển năng lực cho SV và học sinh...

Ngoài ra, từ 3/2017 - 8/2018, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam là thành viên Ban soạn thảo Chương trình GDPT mới (Dự án RGREP của Bộ GD&ĐT); đồng tác giả Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể môn Ngữ văn.

Cô Hồng Nam cũng là thành viên nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa THCS môn Ngữ văn theo chương trình mới...

Một trong những đóng góp lớn khác của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học chính là đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các giảng viên trẻ...

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm 1980 cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nam vào công tác tại Trường ĐH Cần Thơ. Đến nay, trong tâm trí của nhiều thế hệ SV bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ thì PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam luôn là người thầy tràn đầy năng lượng, vững vàng chuyên môn… và đặc biệt luôn biết cách động viên, khơi gợi để SV, đồng nghiệp cùng phát triển.

Dù công việc giảng dạy và nghiên cứu gần như chiếm hết quỹ thời gian, nhưng PGS.TS Hồng Nam vẫn động viên và tổ chức các nhóm nghiên cứu gồm một số giảng viên trẻ của Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ thực hiện các nghiên cứu về dạy học.

Cô còn tạo điều kiện cho giảng viên trẻ có cơ hội báo cáo bằng tiếng Anh tại các hội thảo quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc, Thái Lan… để rèn luyện kĩ năng thuyết trình, mạnh dạn trong giao tiếp tại môi trường học thuật chuyên nghiệp.

Tấm lòng và sự hỗ trợ của cô dành cho những giảng viên trẻ của bộ môn không chỉ qua lời nói mà còn bằng hành động, khẳng định sự tin tưởng dành cho đồng nghiệp và cộng sự.

Không chỉ miệt mài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam luôn tích cực tìm kiếm những cơ hội học hỏi và nâng cao chuyên môn nghề nghiệp qua hội thảo hoặc những chuyến trải nghiệm thực tế. Bởi tất cả sẽ giúp cô có được những kiến thức, thực tiễn cần thiết để đưa vào mỗi tiết dạy…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nguoi-khoi-nguon-nang-luong-tich-cuc-den-sinh-vien-4022462-b.html