Người khỏi Covid-19 sau bao lâu có thể bị nhiễm biến chủng nCoV?

Kháng thể SARS-CoV-2 sẽ 'hết hạn' sau khoảng thời gian nhất định và bệnh nhân vẫn có thể tái mắc Covid-19.

Sau khi khỏi Covid-19, cơ thể bệnh nhân có chứa kháng thể trung hòa SARS-CoV-2. Thông thường, đây là chìa khóa giúp hệ miễn dịch ghi nhớ chủng virus mà cơ thể đã bị lây nhiễm. Từ đó cảnh giác và tìm được cách chống lại nó.

Nhưng thời gian của “tấm khiên” này là bao lâu luôn là câu hỏi chưa thể giải đáp chính xác. Bởi có nhiều trường hợp, bệnh nhân khỏi Covid-19 trong thời gian ngắn đã tái dương tính với SARS-CoV-2.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Sorbonne, Bệnh viện Pitíe-Salpêtrìere, Viện nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp (INSERM) và Viện Pasteur đã hợp tác thực hiện phân tích cho thấy kháng thể trung hòa SARS-CoV-2 chỉ có thời hạn sử dụng là hai tháng. Nghiên cứu được công bố trên trang chính thức của INSERM và tạp chí Nature Communications.

Với người mắc Covid-19 trung bình, hệ miễn dịch của họ sẽ tạo các kháng thể trung hòa. Chúng lập thành hàng rào bảo vệ, ngăn không cho virus xâm nhập vào các tế bào đích. Tuy nhiên, các kháng thể trung hòa không tồn tại mãi mãi.

 Sau khi khỏi Covid-19, cơ thể bệnh nhân có kháng thể giúp trung hòa virus, nhưng nó không tồn tại mãi mãi. Ảnh: NAIDS.

Sau khi khỏi Covid-19, cơ thể bệnh nhân có kháng thể giúp trung hòa virus, nhưng nó không tồn tại mãi mãi. Ảnh: NAIDS.

Nhóm tác giả đã khảo sát thời gian khởi phát và tồn tại của nhiều loại kháng thể khác nhau, gồm IgG, IgA và IgM. Nghiên cứu được thực hiện trên 26 nhân viên y tế tại Pháp mắc Covid-19, tình trạng trung bình.

Kết quả cho thấy tất cả nhân viên y tế trên đều có hiện tượng chuyển đổi huyết thanh và xuất hiện kháng thể chống lại SARS-CoV-2 sau khoảng 21 ngày khởi phát triệu chứng nhiễm virus. Tuy nhiên, các phản ứng trung hòa nCoV chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có sự suy giảm, thậm chí biến mất hoàn toàn sau 2 tháng xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Các nhà khoa học lưu ý thêm phản ứng trung hòa virus giảm nhưng mức kháng thể IgG vẫn có thể duy trì từ 2-3 tháng. Dữ kiện trên chỉ liên quan miễn dịch dịch thể, không tính tới miễn dịch tế bào. Đây là phản ứng cũng tạo ra sau khi chúng ta nhiễm nCoV, khả năng bệnh nhân có thể được bảo vệ trong thời gian dài hơn.

Tuy nhiên, từ kết quả này, các nhà nghiên cứu cảnh báo tuổi thọ của kháng thể chống virus SARS-CoV-2 rất hạn chế. Chưa kể, với biến chủng SARS-CoV-2 mới như hiện nay, tốc độ lây lan nhanh càng khiến người dù đã mắc Covid-19 một lần vẫn có thể bị tái nhiễm sau thời gian ngắn.

Ngay cả người đã từng tiêm vaccine Covid-19 vẫn có nguy cơ mắc Covid-19. Do đó, điều cần làm của chúng ta ngay cả khi đã khỏi Covid-19 đó là tiếp tục tuân thủ các quy tắc chống dịch, bảo vệ bản thân.

Bởi virus SARS-CoV-2 biến chủng mới vẫn là bí ẩn với giới khoa học. Không ai dám chắc nó có gây nguy hiểm hơn cho bệnh nhân hay không. Di chứng để lại của virus cũng sẽ là một gánh nặng sức khỏe.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới"

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 553 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.

Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán này.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-khoi-covid-19-sau-bao-lau-co-the-bi-nhiem-bien-chung-ncov-post1183012.html