Người 'khoác áo mới' cho gốm Hương Canh

Hơn chục năm qua, Nguyễn Hồng Quang, chàng trai trẻ thế hệ '8X' sinh ra ở xóm Lò Cang, xã Hương Canh (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) luôn cẩn trọng tiến từng bước trên con đường thổi làn gió mới cho gốm Hương Canh của quê hương.

Anh Nguyễn Hồng Quang, người “khoác áo mới” cho gốm Hương Canh.

“Mua gốm thì về Hương Canh”

Nghĩ khác và hành động khác luôn là kim chỉ nam trên con đường Nguyễn Hồng Quang đi, để rồi từ đây anh cho ra đời những sản phẩm ấn tượng, tạo dựng lại danh tiếng của gốm Hương Canh một thuở đang dần bị mai một. Con đường ấy có nhiều thử thách và chông gai, nhưng càng khó khăn bao nhiêu, chàng trai trẻ này lại càng nung nấu quyết tâm phải làm sống dậy bằng được nghề truyền thống của quê hương bấy nhiêu.

Xưa kia, Hương Canh vốn là vùng quê thuần nông, thế nhưng nơi đây lại sinh ra làng nghề gốm vang danh một thuở. Trịnh Xuân Biền, một quan nội hầu dưới thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740) là người được suy tôn làm ông Tổ nghề, có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của gốm Hương Canh suốt thời gian dài.

Do thổ nhưỡng ở đây có nhiều đất sét, chỉ cần đào sâu xuống dưới là có thể lấy được thứ đất tốt, dẻo quánh như kẹo kéo, mịn như miếng giò lụa, tạo thành những sản phẩm mộc đem phơi nắng. Dù nắng to đến đâu cũng không bị nứt, gặp mưa rào đột ngột cũng khó tan ngay. Loại đất quý hiếm như vậy, cộng với điều kiện nhiều củi thuận lợi cho phát triển nghề gốm.

Theo các nhà nghiên cứu, Trình Xuân Biền là người Thanh Hóa, hiểu và biết nghề, lại có bà vợ họ Bùi quê ở Thổ Hà (Bắc Giang) - nơi có nghề gốm lâu đời và am hiểu về chế tác vo vại, tiểu sành, đã truyền dạy nghề cho nhân dân Hương Canh. Vì vậy, suốt một thời kì dài, gốm Hương Canh được chọn là vật cung tiến triều đình. Cũng từ đó, người xưa mới dạy rằng: “Chọn sứ thì ra Móng Cái. Mua gốm thì về Hương Canh”.

Trải qua bao cuộc bể dâu, làng gốm Hương Canh một thuở nổi tiếng có lúc rơi vào quên lãng trước nhiều biến động. Đầu tiên là do ảnh hưởng của chiến tranh đã khiến gốm Hương Canh bị gián đoạn. Bên cạnh đó, trước những biến cố của thị trường đã làm cho gốm Hương Canh dần mai một. Ở Hương Canh, hiện chỉ còn vài gia đình lưu giữ được nghề, trong đó có gia đình anh Nguyễn Hồng Quang sản xuất và bán sản phẩm gốm quanh năm. Các gia đình còn lại hầu như chỉ sản xuất, bán thời vụ những sản phẩm truyền thống...

“Thổi hồn” cho nghề gốm

Tuổi thơ của Nguyễn Hồng Quang lớn lên cùng những hòn đất sét nơi đây. Anh có thể chơi cả ngày với đất sét mà không chán. Tình yêu với gốm cũng lớn dần từ đó trong anh.

Lớn lên, anh nhận ra rằng, để có thêm kiến thức về gốm và thổi vào gốm sức sống mới, cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Với quyết tâm đó, anh đã thi vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, từ đây ước mơ của anh có cơ hội được bay xa. Suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, anh luôn trăn trở làm sao để gốm Hương Canh có thể vực dậy và tìm được chỗ đứng trên thị trường. Anh chăm chỉ tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra sự riêng biệt giữa gốm Hương Canh với các loại gốm khác.

Khi ra trường, Quang cùng với gia đình phát triển các sản phẩm truyền thống của gốm Hương Canh như chum, vại, sành, tiểu… theo nhu cầu của thị trường. Anh mạnh dạn đầu tư lò nung bằng gas để nung các sản phẩm truyền thống, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nung được nhiều sản phẩm cùng lúc, vừa đạt hiệu quả cao từ 95 - 100%.

Cùng với đó, Quang mày mò học hỏi kinh nghiệp từ bố, mẹ, những bậc già làng trưởng bối trong làng để gây dựng lại cách đốt lò gốm thủ công phục vụ cho các sản phẩm gốm sành mỹ thuật.

Mặc dù, có những thất bại khi sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, không đúng tiêu chuẩn, méo mó, có những lò đưa ra sản phẩm hỏng đến 90% nhưng Quang luôn lạc quan với suy nghĩ: “thất bại là mẹ của thành công”. Dần dần, Quang đã biến hóa để có những chiếc bình, chiếc lọ… với màu đất, kiểu dáng thấp thoáng hình dáng quê nhà trên từng thân gốm.

Quang kể, gốm Hương Canh là loại gốm sành, không dùng men, nên kỹ thuật điêu khắc giúp người thợ dễ “thổi hồn” vào sản phẩm thông qua các hình khối, chi tiết đắp nổi, tận dụng hiệu ứng ánh sáng tự nhiên. Nhờ kỹ thuật điêu khắc, các sản phẩm đồ dùng hằng ngày như chiếc bình hoa, bộ ấm chén, chum sành đều có vẻ đẹp riêng. Khi đưa ra thị trường, sản phẩm của anh tiêu thụ khá thuận lợi dù giá bán cao hơn sản phẩm cùng loại từ các lò gốm cùng làng.

Từ những chum, vại đựng tương cà mắm muối, Quang đã biến hóa, để có những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu..., mở ra những không gian nghệ thuật thị giác mới mẻ từ gốm.Tiếng lành đồn xa, dòng sản phẩm gốm, sành của gia đình anh được nhiều người mua về sử dụng và trang trí.

Anh Nguyễn Minh Trung (36 tuổi), vị khách từ Hà Nội về Hương Canh để tìm hiểu về gốm và mua sản phẩm từ lò gốm của Quang, chia sẻ: “Tôi thấy các sản phẩm gốm trước đây chủ yếu là đồ gia dụng. Còn với những bình gốm Hương Canh của anh Quang, dường như đã mang hơi thở của sản phẩm có tính mỹ thuật, mang giá trị văn hóa và ứng dụng cao hơn. Bởi thế, tôi rất mê dòng gốm đặc biệt này”.

Cơ sở gốm của Quang hiện tạo ra hàng chục mẫu mã, sản phẩm khác nhau với chất lượng cao, mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không những thế, xưởng gốm còn là điểm đến tham quan, học hỏi của nhiều bạn trẻ yêu thích nghề gốm và là điểm du lịch của nhiều du khách yêu thích sự trải nghiệm.

Khoác cho gốm Hương Canh chiếc áo mới đã đem lại cho Quang những thành công và mở ra thời kì mới cho gốm Hương Canh. Quang ấp ủ mong muốn mở rộng quy mô sản xuất và nhân rộng mô hình sản xuất ra nhiều hộ gia đình khác, tạo nên những sản phẩm đồng bộ đạt chất lượng để xuất khẩu, từ đó tạo tiền đề gây dựng lại thương hiệu gốm Hương Canh vang tiếng một thời.

Bùi Hương

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/nguoi-khoac-ao-moi-cho-gom-huong-canh-post20334.html