Người 'khai hoang' trên đất khó

'Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng bố mẹ tôi là người Thanh Hóa. Tôi dừng chân trên mảnh đất này để đầu tư sản xuất. Với tôi đó là duyên. Đi đâu, làm gì cũng trở về quê cha đất tổ...', Giám đốc Mô hình nông nghiệp sản xuất hữu cơ Hoàng Gia, thôn Xuân Liên, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) - ông Lê Xuân Hoằng chia sẻ.

2.000 cây bưởi diễn đầu tiên đã được ông Lê Xuân Hoằng trồng trên vùng đất khó.

Trở về

Ông Lê Xuân Hoằng sinh năm 1967, từng tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Năm 2017, ông về xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) thành lập mô hình nông nghiệp hữu cơ. Trước đó, ông đã qua nhiều vùng đất ở Thanh Hóa để khảo sát nhưng ông chọn Ngọc Phụng vì thấy có cơ hội phát triển tốt hơn. Ông Hoằng nhớ lại: “Người thân, bạn bè không tin tôi sẽ thành công ở vùng đất khó này. Có người nói tôi gàn dở. Nhận 10 ha đất đỏ bazan để phát triển mô hình là cuộc hành trình không đơn giản, nhưng tôi đã vượt qua và bước đầu có những hiệu quả nhất định”.

Tại Hà Nội, ông Hoằng cũng thành công với một số mô hình nông nghiệp. Ở đây ông đang có hơn 20 ha trồng cây ăn quả. Trở về Thanh Hóa, đầu tư vào mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, theo ông đó là hướng đi bền vững. Ông nói: “Tôi muốn mang cái gì đó về cho quê hương. Tôi đam mê trồng trọt. Thanh Hóa lại có diện tích tự nhiên tương đối lớn nên tôi quyết định về đây để khai hoang”...

Sau 4 năm trên vùng đất khó, cuộc hành trình dù chưa dài nhưng đôi khi nhìn lại cũng khiến ông Hoằng rùng mình, như ông chia sẻ: “Tôi hiểu và làm với kế hoạch, định hướng rõ ràng, cụ thể nhưng với 10 ha đất đỏ bazan này, tôi không tưởng tượng là đã chinh phục được nó”...

Hành trình

Nhận đất, ông Hoằng bắt tay vào cải tạo, làm sạch đất, làm giàu dinh dưỡng cho đất bằng phân hữu cơ và đạm tự nhiên. Ông đã mua phân gà ủ theo quy trình lên men để làm phân hữu cơ, mỗi năm mua từ 30 - 50 nghìn lít đạm cá để giúp đất giàu mùn, thoáng khí đồng thời nuôi thảm thực vật, tạo môi trường sống của vi sinh vật để phát triển trở lại, cân bằng môi trường sinh thái... Sau khi đảm bảo các điều kiện về đất, nguồn nước, giờ chiếu sáng, phân hữu cơ và nhân lực, ông đã trồng 2.000 cây bưởi diễn đầu tiên trên vùng đất đỏ bazan này.

Vào năm 2020, ông Hoằng đã đưa con sâu canxi (ấu trùng ruồi lính đen) về nuôi tại trang trại ở Thanh Hóa. Trước đó, ông đã thực hiện ở Hà Nội. Loại ấu trùng này dễ nuôi, sinh sản nhanh, chi phí thấp nhưng nhiều công dụng. Thức ăn chủ yếu của nó là các phụ phẩm về nông nghiệp. Các chất thải của sâu canxi là nguồn phân bón tốt cho cây trồng, đồng thời loại ấu trùng này là thức ăn dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm, thủy sản, đảm bảo chất lượng an toàn cho sức khỏe con người. Ông Hoằng cho biết: “Nuôi sâu canxi là một trong những phương pháp hữu ích cho cây trồng, vật nuôi. Năm 2020, tôi đầu tư thêm vào chăn nuôi giống gà Lạc Thủy Hòa Bình, cho giá trị kinh tế cao, riêng trong năm 2020, trừ chi phí thì thu nhập từ bưởi, từ gà đạt gần 700 triệu đồng”.

Như ông đã chia sẻ, sự trở về Thanh Hóa là cái duyên. Về đây, ông có cơ hội để tiếp tục theo đuổi đam mê với ngành trồng trọt nhưng lớn hơn là được đóng góp sức mình để biến vùng đất khó thành vùng có giá trị kinh tế...

"Nếu làm cho bản thân thì tôi đã không trở về"

Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của ông Lê Xuân Hoằng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Ngọc Phụng. Không dừng ở đây, thời gian tới, tại trang trại này, ông sẽ tiếp tục đưa cây bưởi da xanh, xoài Đài Loan, hồng xiêm vào trồng. Bên cạnh đó, ông cải tạo chuồng trại để tăng số lượng đàn gà lên 5.000 con. Hiện ông đang hướng dẫn, tư vấn cho bà con về quy trình cải tạo đất, chăm sóc cây, tạo giống gà bản địa tốt, tạo lò ấp để cung cấp giống, trong đó chú trọng đến thức ăn bằng nguồn đạm tự nhiên, không tồn dư thuốc tăng trọng.

Tại trang trại, ông đang tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên của địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/ tháng. Ông đang có kế hoạch, dự định về phát triển nguồn nhân lực, trong đó quan tâm đến con em trên địa bàn xã Ngọc Phụng, những người đã tốt nghiệp chuyên ngành nông hóa thổ nhưỡng, trồng trọt... Những nhân lực này sẽ cùng ông chia sẻ, đồng hành để góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Hà Nội - Thanh Hóa, ông vẫn đi đi, về về để tất bật chăm lo cho đất, cho cây... Trên vùng đất khó, tưởng như không ai làm được thì ông đã thành công. Một mô hình sản xuất không sử dụng hóa chất, loại trừ các chất hóa học tổng hợp và vật liệu biến đổi gen trong các vật tư đầu vào đã mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao và bền vững trên đất Thường Xuân. Nhưng, trong quan điểm của ông: “Nếu làm cho bản thân, tôi đã không trở về. Tôi muốn được chia sẻ, đồng hành cùng bà con nơi đây phát triển kinh tế. Đây mới chỉ là thành công bước đầu, khó khăn sẽ còn nhiều, nhưng tôi tin, với kiến thức, sự đam mê và tình yêu với mảnh đất này, là động lực để tôi vững vàng bước tiếp"...

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/nguoi-khai-hoang-tren-dat-kho/19945.htm