Người khách lạ nhờ xem điểm ở Sơn La: Điểm mâu thuẫn

Chủ quán Sơn Hồng Phúc hay ông Hoàng Tiến Đức không thể vì lời nhờ vả suông của vị khách lạ mà mạo hiểm làm sai quy định.

Ngày 29/5/2019, theo thông tin từ tờ Người lao động, trong số 8 thí sinh nằm trong danh sách mà ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La đưa cho cấp dưới nhờ "xem điểm" có thí sinh N.H.P.

Theo lời khai của ông Đức thì nữ sinh này được người bạn là Lê Văn Thời - chủ nhà hàng Sơn Hồng Phúc (TP. Sơn La) nhờ xem hộ.

Lời khai của ông Thời tại cơ quan công an an cũng cho thấy, trong tháng 6/2018 có một vị khách đến sử dụng dịch vụ tại nhà hàng Sơn Hồng Phúc đã đọc thông tin cá nhân của thí sinh N.H.P cho ông Thời để nhờ "xem trước điểm thi".

Nhà hàng Sơn Hồng Phúc tại TP. Sơn La - nơi ông Thời nhờ Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức xem điểm hộ cho thí sinh N.H.P.

Nhà hàng Sơn Hồng Phúc tại TP. Sơn La - nơi ông Thời nhờ Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức xem điểm hộ cho thí sinh N.H.P.

Ông Thời đồng ý. Lúc này thấy có ông Đức cũng đến ăn, tiếp khách tại nhà hàng, ông Thời đã đến gặp và chuyển thông tin cá nhân thí sinh N.H.P.

Sau đó, điểm thi của N.H.P đã được nâng tới 15,6 điểm tổng 3 môn Văn, Sử, Địa để đạt 27,1 điểm.

Tuy nhiên, khi được hỏi về danh tính vị khách nhờ "xem điểm" hộ thì ông Thời lại không nhớ.

Nhận định với Đất Việt về tình huống này, nhiều luật sư cho rằng, để xác định danh tính vị khách đã "nhờ" chủ nhà hàng Sơn Hồng Phúc xem điểm hộ không khó.

"Đơn giản nhất là nếu nhà hàng Sơn Hồng Phúc có lắp đặt camera an ninh thì cơ quan chức năng sẽ trích xuất, quay về thời điểm tháng 6/2018 để ông Thời nhận dạng ra vị khách đã nhờ mình xem điểm hộ.

Nếu nhà hàng không có camera an ninh thì bằng các biện pháp nghiệp vụ khác trong điều tra, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ tìm ra vị khách lạ mà ông Thời không nhớ này" - Luật sư Nguyễn Văn Thành, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nói.

Vị luật sự này phân tích, vị khách nhờ ông Thời xem điểm chắc chắn là người thân của thí sinh N.H.P. Người đó phải thân thiết tới mức như bố, mẹ, cậu, chú ruột, bác ruột... thì mới có thể biết rõ được họ tên, số báo danh, môn thi xét đại học của thí sinh đó. Từ đó, có thể cho ông Thời nhận dạng.

Còn luật sư Luật sư Trần Văn Công - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đặt giả thiết ngược lại, trong lời khai của ông Thời có sự mâu thuẫn.

Một vị khách lạ đến quán của ông Thời ăn thì không thể thân thiết đến mức nhờ vả xem điểm, đây là một việc làm hệ trọng. Bản thân ông Thời, hay Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cũng không chỉ vì một lời nhờ vả suông mà có thể mạo hiểm đến mức cố tình làm sai quy định vì "người dưng".

"Điểm này chắc chắn sẽ được cơ quan điều tra suy luận trong điều tra để có những biện pháp nghiệp vụ xác minh lời khai của ông Thời có logic hay không. Từ đó làm căn cứ để thu thập thêm chứng cứ cho lời khai của ông Thời để xác định đúng người, đúng tội" - luật sư Trần Văn Công khẳng định.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/nguoi-khach-la-nho-xem-diem-o-son-la-diem-mau-thuan-3380969/