Người khắc họa vẻ đẹp của Bác Hồ qua những trang sách

Trong kho tàng khổng lồ những tác phẩm văn học, nghệ thuật về Bác Hồ, có một Nguyễn Thanh Tú miệt mài với con đường riêng, cảm nhận riêng, mê mẩn cái đậm đà dân tộc, cái sâu sắc nhân loại trong con người Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thanh Tú có lối đi riêng khi viết về cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sinh ra trong một gia đình nhà nho xứ Nghệ giàu truyền thống yêu nước; về thầy giáo Nguyễn Tất Thành 21 tuổi xuống tàu đi tìm đường cứu nước và Nguyễn Ái Quốc, một trong những thành viên tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp, sáng lập và rèn luyện Ðảng ta...

Người ta biết đến Nguyễn Thanh Tú với tư cách là một Đại tá, nhà văn, một PGS, TS chuyên về phê bình văn học. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, chuyên ngành Ngữ văn, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Tú nơi mảnh đất bồi mặn Thái Bình tự nguyện lên vùng biên giới Phong Thổ, Lai Châu dạy học cho đồng bào dân tộc. Và theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1986, gửi lời tạm biệt những cô cậu học sinh miền núi ham học, người thầy có vóc dáng nhỏ bé lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, bảo vệ những "người bạn láng giềng" trước cuộc diệt chủng tàn khốc của chế độ Khmer đỏ.

 Đại tá, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú.

Đại tá, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú.

Được cùng ăn, cùng ở, cùng làm nương, làm rẫy với người dân vùng biên giới, Nguyễn Thanh Tú cảm nhận sâu sắc tình cảm của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho Bác Hồ: Người Tày, Nùng, H'Mông… ở Việt Bắc, Tây Bắc có câu ca dao: Đất nước ta có Cụ Hồ/ Cụ Hồ thương dân đất Mường ta, sông bể không bằng; đồng bào dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ba Na hát về Bác: Người Ê Đê chưa gặp mặt Bác Hồ/ Mà trong bụng thương hơn cha, hơn mẹ/ Người Gia Rai chưa được ra miền Bắc/ Mà trong bụng thương hơn mẹ, hơn cha; người dân Tây Nguyên nhận ra rằng: Vùng Tây Nguyên rừng thiêng nước độc/ Tám, chín năm ở với Bác Hồ lúa mọc đầy nương... Và dường như điều đó đã nuôi dưỡng mạch nguồn tình yêu, niềm kính trọng sâu sắc dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong con người Nguyễn Thanh Tú.

Trở về sau chiến trường, người lính ấy lại miệt mài trên giảng đường, với những câu chữ, trang văn. Nhưng sâu thẳm tâm khảm vẫn còn một nỗi niềm về người Cha già dân tộc. Tình cảm đó chất chứa, dồn nén bao năm cứ cuộn trào lên, sôi sục, qua năm tháng càng đầy thêm. Để rồi tất cả được anh gửi gắm vào từng con chữ. Nhìn lại khối lượng tác phẩm văn học với hơn 20 đầu sách, trong đó 11 đầu sách viết về Bác Hồ, nhiều người khó có thể hình dung nổi thế nào mà một nhà văn có vóc dáng bé nhỏ như anh lại có thể làm được? Ở anh, tinh thần đam mê viết, đam mê tìm hiểu về Bác đắm say và rất quyết liệt. Ở bất kỳ chỗ nào, ngồi uống cà phê, nói chuyện với bạn, trong cuộc họp… lúc nào Nguyễn Thanh Tú cũng mang theo chiếc ba lô đã sờn, trong đó luôn có mấy quyển sách về Bác Hồ mà anh đang đọc, cùng cuốn sổ nhỏ, chiếc hộp bút đựng cơ số các loại bút viết, bút màu. Bởi chỉ cần bất cứ một áng văn nào chợt qua, một thông tin nào về Bác là anh ghi lại ngay.

Tính đến hiện tại, Đại tá, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú có 5 cuốn chuyên luận nghiên cứu sâu về con người văn hóa trong cấu trúc nhân cách kiệt xuất của Hồ Chí Minh. Đó là: Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh (2011); Hồ Chí Minh-Những mạch nguồn văn hóa (hai tập, 2012, 2013); Hồ Chí Minh-Nhà ngụ ngôn kiệt xuất (2013); Hồ Chí Minh-Một tâm hồn nghệ sĩ (chuyên luận-2015); Hồ Chí Minh-Phạm trù mỹ học cái cao cả (2019). "Nếu nghệ thuật là tổng hợp của chân-thiện-mỹ thì Bác Hồ là đỉnh cao nhất của nghệ thuật...", nhà văn Nguyễn Thanh Tú tâm sự.

Xuất bản năm 2011, Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh là cuốn sách trình bày một cách hệ thống, phong phú và toàn diện các khía cạnh của nghệ thuật trào phúng trong những tác phẩm văn học, báo chí của Người. Qua việc mô hình hóa các dạng thức trào phúng, Nguyễn Thanh Tú đi vào khám phá chi tiết của tiếng cười trào phúng mà Bác Hồ thể hiện. 400 trang sách là một hệ thống những luận điểm: Mâu thuẫn trào phúng, Nguyên tắc "Lột mặt nạ", Hình thức tương phản, Nguyên tắc suồng sã, Kịch hóa trần thuật, Chơi chữ trào phúng, Tập cổ, lẩy Kiều... Ở mỗi dạng thức, tác giả lại chỉ ra những mô hình, luận cứ chi tiết khác nhau. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc. Dường như bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu tình cảm của tác giả qua những năm tháng đã gửi gắm trọn vẹn trong tác phẩm, như một lời cảm ơn sâu sắc gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ (Tố Hữu).

PGS, TS Nguyễn Thanh Tú có giọng nói cực kỳ trầm ấm, gợi cho người nghe sự tò mò và chú ý. Trong miên man câu chuyện về Bác, không ai không cảm nhận được niềm đam mê, tâm huyết, tình cảm lớn lao anh dành cho vị Cha già kính yêu. Căn phòng nhỏ với chiếc bàn làm việc ngổn ngang sách vở của những người con đang tuổi học hành, nhưng PGS, TS Nguyễn Thanh Tú vẫn cố gắng dành không gian rộng nhất để chứa đựng tài liệu cho những cuốn sách, những công trình nghiên cứu về Bác Hồ kính yêu.

Đam mê những câu chuyện về Bác, về vẻ đẹp của vị lãnh tụ, Thanh Tú thể hiện tình cảm đó thông qua những trang sách. Không một lời than trách, không một cái thở dài mệt mỏi, Thanh Tú cứ đọc, cứ viết... Anh thông thạo 3 ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và biết nói tiếng của người dân tộc H'Mông, dân tộc Thái, dân tộc Nùng. "Thật ra, tôi không giỏi giang gì cả. Tôi học ngoại ngữ chỉ để đọc thêm được những tài liệu của nước ngoài nghiên cứu về Bác...", Thanh Tú cười hiền hậu. Tình yêu dành cho Bác dường như trở thành nguồn sức mạnh, động viên to lớn thôi thúc con người bé nhỏ ấy cố gắng hơn nữa mỗi ngày để hoàn thiện bản thân. Một con người luôn ngạc nhiên về mọi thứ, ghi chép về tất cả xung quanh như chưa từng biết một tí gì mà cũng như một triết gia đã thấu hiểu mọi lẽ đời sống ngàn năm tuổi.

Hai tập sách Hồ Chí Minh-Những mạch nguồn văn hóa liên tiếp được xuất bản năm 2012, 2013 là cách hiểu riêng của tác giả về con người văn hóa Hồ Chí Minh. PGS, TS Nguyễn Thanh Tú luôn xem Bác Hồ là hiện thân của một sự tích hợp đa văn hóa tuyệt đẹp giữa các đỉnh cao văn hóa nhân loại, trong đó phải kể đến cách sử dụng ngôn ngữ của Người. Đó là sự kết hợp chặt chẽ của một thứ ngôn ngữ tổng hợp đa dạng, phương Đông và phương Tây, bình dân và bác học, nông thôn và thành thị, miền ngược và miền xuôi, có cả cái ngây thơ hồn nhiên của con trẻ và sự trang trọng, đúng mực, chất phác của cụ già. Ngôn ngữ Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa nhất vẻ đẹp của ngôn ngữ văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa thế giới; của tinh thần thời đại cách mạng trên toàn thế giới với phong trào yêu nước Việt Nam từ đầu thế kỷ 20; của tình yêu thương con người cháy bỏng, của lòng yêu nước tha thiết với một trí tuệ lớn.

Không ai biết được, suốt 3 năm ấp ủ với hai cuốn sách trên, nhà văn-chiến sĩ Nguyễn Thanh Tú đã bao nhiêu đêm thức trắng, lặn lội đi đến các nơi để gặp từng nhân vật, từng nhân chứng. Bao nhiêu hôm khoác trên vai chiếc ba lô sờn, tác giả đến bảo tàng, thư viện để tra cứu, rồi tự biên tập, tự viết. Vậy mà Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú vẫn khiêm tốn, cười hiền bảo chưa thật vừa lòng về cuốn sách; nhưng những ai từng đọc qua sách của Thanh Tú sẽ cảm nhận được hết những điều bổ ích, thiết thực trong đó.

Câu chuyện giữa chúng tôi chỉ tạm dừng khi tiếng chuông cửa vang lên. Trong sự ngạc nhiên của chúng tôi, tác giả hồ hởi giới thiệu: "Các anh đợi nhé, tôi ra đón ông bạn già chút. Lâu nay ông ấy bị ốm, nay sức khỏe ổn hơn nên qua thăm tôi". Cũng thật đặc biệt khi người bạn già của Thanh Tú là một cán bộ văn hóa về hưu, bác Nguyễn Văn Quyền, đã hơn 80 tuổi nhưng vì yêu thích những cuốn sách của Thanh Tú, người cán bộ già ấy thường xuyên sang nói chuyện, tâm sự cùng tác giả. Không bon chen, không tính toán thiệt hơn, hai con người xa lạ từ lâu đã trở thành bạn bè. Bởi giữa họ có chung tình yêu, sự kính trọng sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu.

Chia tay Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú và người bạn của anh khi bóng chiều đổ dần phía bên kia bầu trời, ngôi nhà nhỏ vẫn râm ran những mẩu chuyện về Bác Hồ. Giữa chúng tôi không ai nói với nhau câu nào, bởi mỗi người vẫn đang chìm đắm trong câu nói khi trò chuyện cùng anh: "Gặp được nhau là cái duyên, nói chuyện được với nhau là cái tâm... Cảm ơn các anh vì hôm nay đã dùng cái tâm để nghe tôi nói chuyện...".

Bài và ảnh: PHÙNG TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/nguoi-khac-hoa-ve-dep-cua-bac-ho-qua-nhung-trang-sach-590552