Người Italy viết từ tâm dịch: Mỗi ngày mới đều thành ngày tồi tệ nhất

Một câu hỏi bức thiết đặt ra nhưng không ai có thể trả lời vào thời điểm này: Điều gì đã xảy ra ở Lombardy và Italy? Các quốc gia khác không được lặp lại sai lầm của chúng tôi.

Tiếng còi báo động vang lên.

Tiếng còi báo động vang lên.

- Xin chào, tôi là Giulia, gọi đến từ tương lai.

- Xin chào, mọi chuyện ở đó đang thế nào?

- Phong tỏa toàn quốc, tôi không bước chân ra khỏi nhà.

- Không thể nào, vì virus corona ư? Hẳn nào tôi thấy hàng đống người đeo khẩu trang đi trên phố. Trông họ có vẻ ngớ ngẩn.

- Không hề ngớ ngẩn đâu. Họ đang cố không lây nhiễm bệnh cho người xung quanh. Có khả năng cao là họ đã nhiễm virus.

- Virus ư? Đó chẳng phải chỉ là triệu chứng cúm thông thường thôi sao?

- Không, điều đó không đúng đâu.

- Ổn thôi, ít ra những người trẻ không có khả năng nhiễm bệnh.

- Không, kể cả khi người trẻ không biểu hiện gì hay chỉ có một vài triệu chứng nhẹ, virus vẫn lây lan từ họ sang người khác. Hiện giờ, vấn đề lớn nữa là hệ thống y tế đang quá tải. Bạn không theo dõi tin tức sao?

Dịch bệnh như một cơn sóng thần, lần lượt quét qua các quốc gia khác.

- Có, nhưng thì sao? Đâu có nhiều trường hợp nhiễm bệnh ở nơi chúng tôi sống.

- Điều đó sẽ sớm xảy ra thôi. Nhớ đừng hoảng loạn, và khi nó xảy ra, đừng chen chân tranh giành mua hàng tích trữ trong siêu thị. Chuyện đó không cần thiết.

- Đồng ý, tôi sẽ không làm vậy.

- Rồi bạn sẽ làm ngược lại thôi.

Tiếng còi báo động vang lên.

- OK, tôi thực sự đã hoảng loạn. Sau 2 tiếng xếp hàng, cuối cùng tôi cũng chen chân được vào siêu thị. Mọi người điên cuồng cả lên. Chuyện gì đang xảy ra với việc mua giấy vệ sinh vậy?

- Tôi đã nói rồi mà.

- Dù sao các nhà hàng vẫn mở cửa, tôi vẫn có thể đi ăn với bạn bè.

- Sớm muộn gì họ cũng sẽ đóng cửa thôi. Nhưng tốt nhất đừng ra ngoài, hãy ở yên trong nhà.

Tiếng còi báo động vang lên.

- Lệnh phong tỏa đã có hiệu lực. Tình hình thật nghiêm trọng, tôi cảm nhận được điều đó.

- Tôi đã cố cảnh báo trước rồi mà.

- Vậy giờ thì sao?

- Không còn cách nào khác ngoài chờ đợi.

Cơn sóng thần tất yếu

Đoạn hội thoại trên tất nhiên là hư cấu. Nhưng bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Italy không còn là trường hợp duy nhất điêu đứng vì dịch Covid-19.

19/3 là một ngày đen tối. Nhưng mọi thứ đang ngày càng tồi tệ hơn. Ngày 22/3, Italy có 793 ca tử vong. Riêng tại tâm dịch Lombardy - nơi tôi sống - đã có 546 người thiệt mạng trong một ngày. Italy đã vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia có số bệnh nhân tử vong vì virus corona cao nhất thế giới (4.825 trường hợp).

Khó mà lạc quan khi mỗi ngày mới đều trở thành ngày tồi tệ nhất.

Phần lớn trường hợp tử vong là các bệnh nhân đã có tiền sử bệnh lý, với độ tuổi trung bình ở ngưỡng 79. Thế nhưng, độ tuổi trung bình của người nhiễm bệnh chỉ ở mức 63, trẻ hơn đến 15 tuổi.

Một câu hỏi bức thiết đặt ra nhưng không ai có thể trả lời vào thời điểm này: Điều gì đã xảy ra ở Lombardy? Rất nhiều sai lầm đã xảy ra khi khủng hoảng bắt đầu. Các quốc gia khác cần nhìn vào Italy và không được phép lặp lại sai lầm của chúng tôi.

Tuần vừa qua, tôi chứng kiến dịch bệnh như một cơn sóng thần, lần lượt quét qua các quốc gia khác. Giống như có khả năng dự báo được tương lai, tôi biết điều gì sẽ xảy ra với cuộc sống ở các nơi khác.

Và nó thực sự đã diễn ra đúng những gì tôi mường tượng, cùng một mô thức: Ca nhiễm đầu tiên được cho là do phần nhiều may rủi. Sau đó là các khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc, tụ tập đông người. Và rồi là báo động ở mức nhẹ cho đến lệnh hạn chế đầu tiên được đưa ra. Cuối cùng là quyết định phong tỏa toàn quốc.

Những người bạn của tôi sống ở Paris, London, Athens đều có điểm chung là họ hiểu tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến xấu đi thế nào. Họ cập nhật tin tức từ truyền thông Italy, chia sẻ với bạn bè và người thân.

Mỗi dịch bệnh có diễn biến khó lường khác nhau và mỗi quốc gia có cách phản ứng, xoay xở riêng biệt.

Nhưng thật khó khăn khi những người xung quanh lại chả hiểu được mức độ nghiêm trọng đó. Họ biết trước tình hình nhưng bất lực. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Việc Pháp, Tây Ban Nha hay bang California (Mỹ) tiến hành phong tỏa chỉ là chuyện sớm muộn.

Tất cả giống như một bộ phim quốc tế, với nhiều phân cảnh lần lượt được quay ở các nước khác nhau và diễn viên chính là người dân địa phương.

Sẵn sàng cho viễn cảnh tồi tệ hơn

Tiếng còi báo động vang lên.

Một đồng đội người Mỹ quay trở về quê nhà sau khi giải đấu bóng rổ tại Italy bị hoãn, đã nhắn tin cho tôi để hỏi: “Italy đã lên đến đỉnh dịch chưa? Khi nào điều đó xảy ra?”.

Vấn đề là thật khó để đoán định thời điểm đỉnh dịch. Bác sĩ Massimo Galli, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco (Milan), nhận định: “Sẽ rất khó khăn để lường trước diễn biến dịch bệnh khi chúng ta chỉ xét nghiệm những ai có triệu chứng nặng. Tại Lombardy, số bệnh nhân dương tính với virus nhiều hơn công bố, dù số trường hợp được xác nhận đã đủ đáng sợ”.

Theo bác sĩ Giovanni Rezza, Trưởng Khoa Truyền nhiễm tại Viện Chữa trị Quốc gia Italy, đỉnh dịch ở một quốc gia không nói lên điều gì cả. Mỗi khu vực trong cùng một nước vốn đã khác nhau. Cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 gói gọn trong việc dịch bệnh xuất hiện ở đâu, chúng ta cần nỗ lực dập tắt nó ở đó.

Thực tế, mỗi dịch bệnh có diễn biến khó lường khác nhau và mỗi quốc gia có cách phản ứng, xoay xở riêng biệt.

Sau những tin đồn đầu tiên về lệnh phong tỏa toàn quốc, người dân từ các vùng dịch phía Bắc Italy bắt đầu tháo chạy. Một phản ứng chỉ làm bệnh dịch lây lan rộng hơn. Theo thống kê, 2.300 sinh viên từ miền Bắc đã quay trở về nhà ở phía Nam. Đối với họ, việc kiểm dịch là bắt buộc, nhưng vẫn tồn tại rủi ro lây nhiễm bệnh cho gia đình, người thân.

Trong khi đó, điều quan trọng ở Italy là đừng để virus lây lan xuống miền Nam. Tất cả bệnh viện ở trong trạng thái chuẩn bị đối phó với điều tồi tệ nhất.

Tranh cãi về nguyên nhân tử vong là do virus corona gây ra hay chết vì các bệnh lý khác và có dương tính với virus corona vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, đội ngũ y tế vẫn đang chạy đua với thời gian mỗi ngày khi số giường trống cho bệnh nhân mới trở nên cạn kiệt.

Những con số có vẻ tàn nhẫn, nhưng chúng tôi biết rằng cần ít nhất hai tuần để đánh giá hiệu quả của các biện pháp đẩy lùi dịch bệnh.

Theo số liệu của Viện Thống kê Quốc gia Italy vào tháng 3/2019, trung bình có 292 người tử vong mỗi ngày tại Lombardy với mọi lý do từ khách quan đến chủ quan, từ tai nạn cho đến ung thư. Còn hiện tại, riêng ngày 20/3, chỉ tính nguyên nhân dịch bệnh, số người ra đi đã là 381.

Thực tế, chúng tôi không thể biết con số chính xác.

Tiếng còi báo động vang lên.

Trong một viện dưỡng lão ở Mediglia, một thị trấn nhỏ gần Milan, trong 23 ngày đã có 25 người bệnh qua đời. Nhiều người già ở đó ra đi trước khi kiểm tra xét nghiệm, và chưa kịp nhìn mặt con cái.

Những ngày này, hình ảnh gây ám ảnh nhất là cảnh đoàn xe quân sự di chuyển các quan tài ở Bergamo - một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất tại Italy - đến những địa điểm khác ngoài thành phố.

Nhà xác, nghĩa trang ở Bergamo đã không còn chỗ trống. Nhà hỏa táng duy nhất trong thành phố hoạt động hết công suất cũng không đáp ứng được số người chết gia tăng mỗi ngày.

Những con số có vẻ tàn nhẫn, nhưng chúng tôi biết rằng cần ít nhất hai tuần để đánh giá hiệu quả của các biện pháp đẩy lùi dịch bệnh.

Chúng tôi hiểu rằng mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn trước khi nó có thể tốt đẹp dần lên.

Nhận ra những gì thân thuộc nhất

Tiếng còi báo động vang lên.

Người Italy chúng tôi có tuân thủ quy tắc và ràng buộc? Tôi đã là vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp trong nhiều năm và hiểu rõ quy luật của tính gắn kết trong một cộng đồng: Nỗ lực của một vài cá nhân không đủ để giành chiến thắng về tay; cả đội phải cùng nhau chung sức.

Tôi biết, điều đó nghe như lẽ hiển nhiên, nhưng lại không hề sáo rỗng. Trên sân, bạn cần hỗ trợ các đồng đội khác bởi không thể tự mình giành chiến thắng nếu cứ theo đuổi lối chơi cá nhân. Chúng ta có thể không hề ưa đồng đội, nhưng trong quá trình theo đuổi mục tiêu chung, nhất định phải gạt bỏ cái tôi hay chủ nghĩa cá nhân sang một bên.

Liệu người dân có thể hợp nhất thành một tập thể và hành động vì mục đích chung? Bản thân tôi cần phải tin tưởng điều đó.

Tôi thực sự hy vọng trong vài ngày tiếp theo sẽ có tin tốt lành, dù phía trước vẫn là cả một quãng đường dài cam go.

Nhìn ra ngoài khung cửa sổ phòng, tôi không thấy một bóng người trên phố. Tin tức một vài ngày nay có đề cập đến chuyện nhiều thị trưởng yêu cầu chính phủ thắt chặt việc phong tỏa.

Chính quyền các thành phố cần thêm lực lượng cảnh sát hỗ trợ. Kỷ luật, trật tự cũng cần được siết chặt hơn. Tuần tới, người dân sẽ biết được liệu các nỗ lực hành động, phản ứng của họ đã đủ sức để kiềm chế tình hình.

Tiếng còi báo động vang lên.

Italy phong tỏa toàn quốc đã gần 2 tuần. Tôi cũng dần tạo ra thói quen của riêng mình. Thức dậy lúc 8h sáng, ăn sáng, làm việc nhà, đọc một số nghiên cứu, ăn trưa. Đọc sách nhiều hơn, viết lách nhiều hơn. Rất có thể khi lệnh cách ly chấm dứt, căn hộ của tôi sẽ có một diện mạo mới.

Những ngày này, Milan chìm trong yên ắng bởi thiếu vắng tiếng còi xe lưu thông. Tất cả những gì tôi nghe được là tiếng còi xe cứu thương vang lên trên đường. Trong suốt thời gian tôi viết những dòng này, tiếng còi xe cứu thương vang lên 8 lần.

Thế nhưng, trước kia chỉ mất 8 phút để xe cứu thương có mặt. Giờ đây, thời gian chờ đợi có thể lên đến cả tiếng đồng hồ.

Tình hình ở vùng dịch Lombardy - nơi tôi sống - vẫn đang vô cùng nghiêm trọng. Tôi đang đọc nhiều giải thích khác nhau lý giải việc tình hình lại trở nên tồi tệ đến mức vậy. Nhiều giả thuyết được đưa ra, tôi nghĩ những người có chuyên môn sẽ đưa ra nghiên cứu về vấn đề này.

Tôi thực sự hy vọng trong vài ngày tiếp theo sẽ có tin tốt lành, dù phía trước vẫn là cả một quãng đường dài cam go.

Tiếng còi báo động vang lên.

Mỗi 17h, tôi tập luyện thể dục. Đến 19h, tôi trò chuyện với bạn bè. Giờ đây, tôi biết chính xác nhà người nào có vườn riêng, nhà nào có ban công hay chỉ có cửa sổ.

Hai ngày trước, tôi ghé vào siêu thị và cảm giác như một cuộc thám hiểm. Tay đeo găng, trên tay là một danh sách những thực phẩm cần mua - một hình thức bắt buộc chúng tôi phải làm khi ra ngoài mua sắm.

Cuộc sống hiện tại đang tạm thời ngưng trệ nhưng rồi nó sẽ tiếp tục "lăn bánh" về phía trước. Mọi hoạt động và ý tưởng vẫn đang nảy mầm.

Tôi chỉ phải chờ đợi có 15 phút, không có vấn đề gì. Các nguồn cung cấp thực phẩm vẫn đầy đủ. Siêu thị đặt ra giới hạn cụ thể số người vào mua cùng lúc.

Việc mua sắm là hoạt động bận rộn nhất trong ngày. Chôn chân trong nhà một mình vào thời điểm này, điều dễ xảy ra nhất là rơi vào trạng thái chán nản, đánh mất bản thân.

Với tôi, tuân thủ theo thói quen, kế hoạch đặt ra từ trước là điều cần thiết khi có nhiều thời gian rảnh ở nhà. Lúc đầu, tôi muốn tranh thủ từng phút để làm những thứ trước kia mình không có thời gian. Sau đó, tôi nhận ra đôi khi dừng lại một chút cũng là điều nên làm.

Cuộc sống hiện tại đang tạm thời ngưng trệ nhưng rồi nó sẽ tiếp tục "lăn bánh" về phía trước. Mọi hoạt động và ý tưởng vẫn đang nảy mầm. Năng lượng của con người vốn dĩ luôn căng tràn.

Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh - hay cách ly xã hội (social distancing) - đang là một loại “thần chú” mới. Nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ xa cách về mặt tiếp xúc trực tiếp. Phần nào đó, dịch bệnh đã khiến chúng ta chú trọng vào những mối quan hệ thân tình nhất với từng người.

Càng tuân thủ việc giữ khoảng cách với những người xung quanh, chúng ta càng nhận ra ai là người mình không bao giờ muốn rời xa nhất.

Giulia Arturi
Đồ họa: Hà My - Biên dịch: Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-italy-viet-tu-tam-dich-khi-moi-ngay-moi-deu-la-ngay-toi-te-nhat-post1062473.html