'Người hùng nước Mỹ' John McCain: 30 mảnh ghép quan trọng trong bức tranh cuộc đời

Ông McCain là nhân chứng sống của nhiều sự kiện lịch sử về chính trị, quân sự Mỹ khi từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, cống hiến cả thập niên hoạt động trong quốc hội.

Ông John McCain sinh ngày 29/8/1936 tại căn cứ quân sự Coco Solo, vùng Kênh đào Panama, lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ giai đoạn 1903 - 1979. Cha ông là sĩ quan hải quân John S. McCain Jr. và mẹ là bà Roberta (Wright) McCain. Trong ảnh, ông McCain (bên phải) đang ngồi cùng chị Sandy vào năm 1938 - Ảnh: AP

Ông McCain (thứ 2 từ phải sang) ngồi bên cạnh ông nội và cha trong bức ảnh chụp những năm 1940. Cả cha và ông của McCain đều là đô đốc hải quân - Ảnh: Getty Images

Ông McCain tiếp tục truyền thống của gia đình và gia nhập lực lượng Hải quân. Ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ năm 1958. Trong ảnh là ông McCain chụp cùng các đồng đội năm 1965 - Ảnh: AP

Tháng 10/1967, khi tham chiến ở Việt Nam, máy bay do ông điều khiển bị tên lửa đất đối không SAM bắn rơi. Ông bị giữ giam ở nhà tù Hỏa Lò. Trong ảnh: Người dân Việt Nam đưa ông McCain lên bờ trong tình trạng chân tay và đầu gối thương nặng và bất tỉnh - Ảnh: Getty Images

Phi công McCain được điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội tháng 11/1967 - Ảnh: Getty Images

Sau quãng thời gian ngồi tù 5 năm 6 tháng, ông McCain được trả tự do vào ngày 14/3/1973. Ảnh chụp ông McCain dẫn đầu đoàn tù binh Mỹ được trả tự do - Ảnh: Business Insider

Năm 1973, ông được trao trả tự do theo Hiệp định Paris. Trong ảnh: Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon (trái) bắt tay ông McCain sau khi ông trở về Mỹ - Ảnh: Reuters

Sau khi được trả tự do, ông McCain tiếp tục phục vụ cho Hải quân Mỹ với vai trò liên lạc viên và nhiều lần quay lại Việt Nam để cải thiện quan hệ Việt Nam - Mỹ. Ảnh chụp ông McCain viếng thăm một trại mồ côi tại Sài Gòn ngày 30/10/1974 - Ảnh: AP

Đến năm 1980, ông McCain cưới bà Cindy Hensley. Họ có cùng nhau 3 đứa con và nhận nuôi một đứa bé ở Bangladesh - Ảnh: AP

Ông McCain trong lần đến thăm Việt Nam năm 1985. Sau chiến tranh, ông McCain đã đóng góp nhiều nỗ lực trong việc vận động chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam - Ảnh: Getty Images

Sau khi giải ngũ, ông McCain dấn thân vào con đường chính trị. Ông trở thành hạ nghị sĩ bang Arizona năm 1982 và Thượng nghị sĩ bang Arizona năm 1986. Trong ảnh: Ông McCain trò chuyện với cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tại Nhà Trắng.

Phó tổng thống Mỹ George H.W. Bush chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức thượng nghị sĩ cho McCain năm 1986. Buổi lễ có sự tham gia của Cindy, vợ ông, cùng hai con - Ảnh: AP

Ông McCain (ngoài cùng bên trái) tham dự một phiên điều trần của Ủy ban Đạo đức Thượng viện Mỹ năm 1990. Ông bị điều tra với cáo buộc là một trong 5 thượng nghị sĩ giúp nhà tài phiệt Charles Keating, người từng quyên góp cho quỹ vận động chính trị của 5 nghị sĩ này, tránh những quy định về tài chính, dẫn tới "cuộc khủng hoảng tín dụng" thời kỳ đó. Cả 5 người đều không bị truy tố song McCain bị Ủy ban Đạo đức Thượng viện khiển trách vì có "phán xét sai lầm" - Ảnh: Reuters

Nghị sĩ McCain điều trần trước một tiểu ban Thượng viện Mỹ năm 1995 - Ảnh: Getty Images

Trong ảnh chụp năm 1997 là ông McCain trò chuyện cùng Thương nghị sĩ John Kerry – vốn cũng là một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam - Ảnh: Getty Images

Uy tín của Thượng nghị sĩ McCain ngày càng gia tăng và vào năm 1999, ông tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống năm 2000. Ảnh chụp Thượng nghị sĩ McCain trong buổi tranh luận ứng viên tổng thống nội bộ đảng Cộng hòa cùng ông George W. Bush vào ngày 15/2/2000 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thượng nghị sĩ McCain trong một sự kiện tháng 4/2000 - Ảnh: AFP

Tổng thống George W. Bush cùng các nghị sĩ trong đó có ông McCain và ông Barack Obama trong buổi thảo luận về kinh tế năm 2008. Ông McCain từng hai lần tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Năm 2000, ông George W. Bush đã vượt qua ông McCain để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, ông McCain lại để thua trước ứng viên đảng Dân Chủ Barack Obama - Ảnh: AP

Ông McCain (phải) cùng đối thủ từ đảng Dân chủ Obama (trái) trong cuộc tranh luận tổng thống tháng 10/2008 - Ảnh: AP

Ông McCain phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại Phonenix tháng 11/2008, sau khi kết quả bầu cử tổng thống được công bố. Ông chỉ chiến thắng ở 22 bang và để thua đối thủ đảng Dân chủ với kết quả 173 phiếu so với 365 phiếu đại cử tri đoàn - Ảnh: Getty Images

Ông McCain và Thượng nghị sĩ Mitch McConnell phát biểu về cải cách y tế tháng 12/2009. Lúc bấy giờ, họ bày tỏ thất vọng vì phe Dân chủ không để phe Cộng hòa tham gia soạn thảo bộ luật mới - Ảnh: Reuters

Ông McCain phát biểu trong Đại hội Quốc gia đảng Cộng hòa tháng 8/2012 - Ảnh: AP

Thượng nghị sĩ McCain trò chuyện cùng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tháng 1/2013 - Ảnh: Reuters

Các phóng viên vây quanh ông McCain sau khi ông bỏ phiếu chống dự luật cải cách y tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 7/2017. Ông là một trong ba nghị sĩ Cộng hòa phản đối dự luật. Hai người còn lại là Susan Collins và Lisa Murkowski - Ảnh: Getty Images

Vào tháng 7/2017, Thượng nghị sĩ McCain cho biết ông bị chẩn đoán ung thư não. Ông McCain được nhiều người gửi lời cầu chúc, bao gồm các nhà lập pháp của lưỡng đảng, trong suốt thời gian điều trị - Ảnh: Reuters

Đến ngày 24/8, gia đình thượng nghĩ sĩ McCain thông báo ông ngừng điều trị ung thư. Ảnh chụp ông McCain và vợ Cindy McCain - Ảnh: AP

Vào ngày 25/8, Văn phòng của Thượng nghị sĩ McCain thông báo ông đã qua đời ở tuổi 82 vào lúc 16 giờ 28 phút. Ông McCain gần như dành cả cuộc đời của mình, từ phi công Hải quân đến Thượng nghị sĩ, để phục vụ nước Mỹ - Ảnh: Reuters

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/nguoi-hung-nuoc-my-john-mccain-30-manh-ghep-quan-trong-trong-buc-tranh-cuoc-doi-a241701.html