Người hùng giải cứu... xe cấp cứu

Làm nghề tài xế xe công nghệ để mưu sinh nhưng khi gặp cảnh xe cứu thương 'không lối thoát', anh luôn xung phong mở đường. Bởi anh nghĩ 'biết đâu trên những chiếc xe cứu thương đó đang chở người thân mình'.

“Anh hùng giải cứu xe cấp cứu” là biệt danh mà cộng đồng mạng đặt cho anh Đàm Đại Trà, đối tác tài xế GrabBike. Tính đến nay, anh Trà đã hơn 20 lần “xông pha” mở đường cho xe cấp cứu cứu người.

“Biết đâu xe cứu thương đó chở người thân của mình”

Khi được hỏi về lần đầu tiên dẫn xe cấp cứu, anh Trà cười, nói rằng trước khi chạy Grab, bản thân đã từng vài lần mở đường cho xe cấp cứu nhưng không nhớ rõ lần đầu là khi nào vì đã quá lâu.

“Tôi chỉ nhớ nhất có lần hai xe cấp cứu chạy trên đường, phía trước phương tiện giao thông đông đúc, chen lấn nhau, nếu chỉ dùng còi hú thì khó có thể lưu thông. Thấy vậy, tôi lập tức “mở đường” cho hai chiếc xe cứu thương cùng một lúc. Khi đó phải la hét rồi xua tay nhiều gấp đôi bình thường để các phương tiện khác nhường đường cho xe cấp cứu. Nếu chậm vài giây, có khi người bệnh nguy kịch. Lúc đầu tôi lo lắng sẽ không giúp được cả hai xe nhưng thật may mắn là mọi việc đều suôn sẻ” - anh Trà kể.

Theo anh Trà, sở dĩ anh lúc nào cũng ở trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ xe cứu thương vì cách đây bốn năm, anh đã từng bị tai nạn giao thông. Khi đó, anh may mắn được hai người đi đường nhanh chóng chở đi cấp cứu nên mới bảo toàn được tính mạng.

Anh Đàm Đại Trà xem những lần mở đường là lời tri ân dành cho những người đã cứu mạng anh. Ảnh: Q.NHƯ

Anh Đàm Đại Trà xem những lần mở đường là lời tri ân dành cho những người đã cứu mạng anh. Ảnh: Q.NHƯ

Lúc anh tỉnh lại thì “ân nhân” đã đi rồi, anh còn chưa kịp thấy mặt và nói lời cám ơn họ. Chính nghĩa cử đẹp của hai người qua đường ấy đã truyền cảm hứng cho anh làm công việc mở đường như hiện tại. Anh coi những hành động nghĩa hiệp của mình như lời tri ân gửi đến ân nhân của mình, cũng là cơ hội để anh trả ơn cuộc đời.

Được biết anh Trà đã gắn bó với Grab hơn bốn năm. Anh Trà chia sẻ: “Công việc chạy Grab này không chỉ cho tôi nguồn thu nhập ổn định qua những cuốc xe chở khách, giao hàng… mà còn cho tôi cơ hội gặp gỡ nhiều người, từ đó có thêm nhiều cơ duyên giúp đỡ cộng đồng”. Anh Trà tự hào chia sẻ nhờ chạy Grab mà anh thông thạo thêm nhiều tuyến đường, vậy nên việc mở đường cho xe cấp cứu của anh cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Khi được hỏi về những kế hoạch trong tương lai, anh chia sẻ mình sẽ tiếp tục gắn bó với Grab thêm vài năm nữa, sau đó dẫn vợ về quê sinh sống. “Nhưng mọi người cứ yên tâm đi, dù không chạy Grab nữa, tôi vẫn sẽ tiếp tục mở đường cho xe cấp cứu khi họ gặp khó lúc di chuyển trên đường và tiếp tục giúp đỡ những người gặp nạn xung quanh” - anh Trà nói.

Anh Trà cũng mong mọi người khi tham gia giao thông hãy biết cảm thông và tự giác nhường đường cho những xe ưu tiên, vì biết đâu trên những chiếc xe cứu thương đó đang chở chính người thân của mình.

2 giờ sáng cũng bật dậy cứu người

Khác với anh Trà, anh Lê Tấn Lưu, đối tác tài xế GrabBike kiêm Đội trưởng Đội Cơ động TP.HCM, lại được ví như một “người hùng thầm lặng” trong cộng đồng tài xế công nghệ.

Vì tinh thần nghĩa hiệp của mình, anh Lưu được nhiều anh em không chỉ trong cộng đồng Grab mà các hãng xe công nghệ khác tôn trọng và yêu mến. Chỉ cần một cú điện thoại, anh Lưu luôn sẵn sàng có mặt giúp đỡ anh em khi họ chẳng may gặp tai nạn trên đường hoặc trục trặc xe cộ.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, anh cho biết: “Tôi gắn bó với Grab được năm năm và tham gia Đội Cơ động được ba năm. Lúc đầu chạy Grab cũng chỉ để có thêm thu nhập và giao lưu với anh em. Sau này trong quá trình làm việc, thấy nhiều anh em gặp sự cố trên đường nhưng không biết cách để xử lý nên tôi cùng một vài đồng nghiệp thân thiết tự lập nhóm chuyên hỗ trợ. Vào năm 2017, Grab biết đến nhóm của chúng tôi và họ quyết định lập hẳn một đội cơ động rồi cử tôi làm đội trưởng”.

Anh Lê Tấn Lưu được ví như “người hùng thầm lặng” trong cộng đồng tài xế công nghệ. Ảnh: Q.NHƯ

Từ khi được thành lập, đội đã hỗ trợ hàng ngàn trường hợp anh em gặp nạn. Chỉ cần người gặp nạn gọi điện thoại về số hotline của Đội Cơ động, anh em trong đội sẵn sàng hỗ trợ bất kể ngày đêm.

Được biết phạm vi hỗ trợ của Đội Cơ động không chỉ ở TP.HCM mà cả những khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu… Một điểm đặc biệt nữa của Đội Cơ động chính là họ sẵn sàng giúp đỡ những bác tài của các hãng xe công nghệ khác chứ không riêng anh em trong cộng đồng Grab.

Anh Lưu vui vẻ nói: “Họ biết đến mình, họ muốn được giúp đỡ thì tất nhiên mình phải ra tay. Đều là đồng nghiệp với nhau, giúp được ai thì mình giúp”.

Nhìn vào những hành động mà hai tài xế xe công nghệ đang làm, sẽ không ít người bảo họ sao lại lo nhiều chuyện bao đồng như thế. Nhưng họ chính là những con người đáng được trân trọng vì dám đứng ra làm những điều đúng đắn mà không màng đến lợi ích cá nhân.

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nguoi-hung-giai-cuu-xe-cap-cuu-980892.html