Người hùng đột kích Berlin trong Thế Chiến II

Một đêm tháng 8/1941, thủ đô Berlin của phát xít Đức bất ngờ chìm ngập trong khói bụi, cùng với đó là hàng loạt những tiếng nổ lớn, những đám cháy, những ánh sáng đèn chiếu phòng không, của đạn pháo cao xạ cũng như tiếng gầm rú của những chiếc máy bay tiêm kích.

Đó là hậu quả vụ không kích bất ngờ của 15 chiếc máy bay ném bom Hồng quân xuất phát từ hòn đảo Ezel (Estonia) nhằm vào thành trì của phát xít Đức. Đây không chỉ đơn thuần là chiến dịch trả đũa bất ngờ trước những đợt ném bom của quân Đức vào Moscow, mà còn được coi là đòn đánh vào tâm lý tự tin và kiêu ngạo của đế chế thứ 3, một đòn giáng trả thích đáng vào thành phố đầu não của kẻ thù, vào đúng thời điểm chúng được coi là một đội quân không thể ngăn cản.

Chiến công vẻ vang trên thuộc về các phi công thuộc trung đoàn không quân số 1 thuộc Hạm đội Baltic, những người sau đó đã được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô, trong đó có thiếu tá cận vệ Mikhail Plotkin…

Mikhail Plotkin.

Mikhail Plotkin.

Mikhail Plotkin sinh ngày 2/5/1912 tại tỉnh Chernigovsk, trong gia đình có cha là một giáo viên. Ngay từ thời niên thiếu, cậu đã thể hiện là một cậu bé ham hiểu biết, giỏi thể thao và đam mê kỹ thuật. Khi đó đang là giai đoạn phát triển như vũ bão của ngành hàng không, nên một chàng trai con nhà nghèo tại một vùng xa xôi từ lâu đã mơ ước về những chuyến bay.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông vào năm 1929, Plotkin đã bí mật trốn gia đình tới Moscow với hy vọng xin thi vào trường đào tạo phi công tại đây. Tuy nhiên, chàng thanh niên đã không được nhận vì lý do độ tuổi còn quá trẻ.

Động lòng trước mơ ước cháy bỏng của chàng thanh niên muốn trở thành phi công, Plotkin vẫn được các quan chức tại đây giới thiệu tới học tại Trường đào tạo phi công chiến đấu và trinh sát cho hải quân tại Yeysk.

Từ thời điểm đó, Plotkin gắn bó đời mình với những chiếc máy bay của hải quân. Sau khi tốt nghiệp, chàng thanh niên được điều tới phục vụ tại Baltic. Chàng phi công trẻ với năng khiếu và lòng đam mê của mình đã nhanh chóng hoàn thiện được mọi kỹ năng, có thể bay trên biển hay đất liền vào bất kỳ điều kiện thời tiết nào, dù ngày hay đêm. Anh được chỉ huy đánh giá cao và đồng đội kính trọng vì lòng dũng cảm, sự kiên quyết và nhân hậu. Plotkin vào thời kỳ đó cũng đã kịp có gia thất, sớm có một cô con gái.

Dù vậy, chàng phi công trẻ tài năng không có thời gian hưởng thụ hạnh phúc gia đình và cuộc sống bình yên được lâu. Thế giới ngay từ mùa thu năm 1939 đã phải đương đầu với bóng đen của Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau khi nổ ra cuộc chiến với Phần Lan vào ngày 30/1/939, Thượng úy Plotkin trong thành phần phi đội thuộc Trung đoàn không quân số 1 của Hạm đội Baltic tham gia vào các phi vụ ném bom các vị trí trên lãnh thổ đối phương. Trong suốt cuộc chiến tranh vào mùa đông này, chàng phi công 27 tuổi cùng với phi đội của mình trên chiếc máy bay DB-3 đã tham gia 50 chuyến không kích thành công, được tặng thưởng Huân chương Lenin cao quí nhất thời điểm bấy giờ.

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nổ ra khi Đại úy Plotkin đang là chỉ huy phi đội 3 thuộc Trung đoàn không quân số 1 của hạm đội. Cho đến cuối tháng 6/1941, Plotkin cùng các đồng đội tiếp tục các hoạt động tác chiến chống lại kẻ thù - đánh bom các nhà máy quân sự và thả thủy lôi xuống các cảng ở Phần Lan. Nhưng do những tổn thất nặng nề của lực lượng không quân tại mặt trận chống phát xít Đức ở phía tây, nên lực lượng máy bay của hải quân được điều chuyển sang hỗ trợ cho mặt trận này.

Đến tháng 7, trung đoàn tác chiến tại mặt trận phía Tây Bắc, triển khai các đòn không kích vào những địa điểm tập trung nhiều quân Đức tại khu vực Tallin, Kingisepp và Luga. Nhưng ngay trong thời điểm này, các phi công cũng không quên những nhiệm vụ trực tiếp của mình: ngày 13/7 họ đã đánh đắm một lúc 6 chiếc tàu vận tải của địch tại vùng vịnh Riga, sau đó không kích làm thiệt hại nặng khu cảng Klaipeda do quân Đức chiếm đóng.

Nikolaevich Preobrazenski - chỉ huy của Plotkin, về sau trở thành một tướng trong lực lượng không quân XôViết.

Tháng 8/1941, trung đoàn của Plotkin nhận được một nhiệm vụ mới rất bất ngờ - đó là phải ném bom Berlin, thủ đô của phát xít Đức. Quyết định này được giới lãnh đạo Xôviết đưa ra, sau khi không quân Đức bắt đầu chiến dịch không kích Moscow.

Đặc biệt sau vụ không kích qui mô lớn vào ngày 24/7 (khi Moscow phải hứng chịu hơn 300 tấn bom cháy và bom công phá), Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels của Đức đã trịch thượng tuyên bố trước cả thế giới rằng, lực lượng không quân của Hồng quân đã bị đánh tan. Tiếp đó, tư lệnh không quân Hermann Goring cũng hứa hẹn một cách tự đắc rằng, sẽ không có một quả bom nào của đối phương có thể thả xuống Berlin.

Trọng trách đặc biệt

Stalin trước đó đã quyết định phải cho quân phát xít một bài học, làm sụt giảm tinh thần của chúng vào thời điểm đang chiếm nhiều ưu thế thời gian đầu cuộc chiến. Không có gì ý nghĩa hơn để đạt được mục đích này là phải giáng một đòn bất ngờ vào trái tim của kẻ thù. Vấn đề là phải giao cho đơn vị nào đảm đương trọng trách bí mật này.

Ngày 26/7/1941, Đô đốc Nikolay Kuznesov (phụ trách hải quân) và Tướng Semen Zavoronkov (phụ trách không quân) cùng đề xuất lên Stalin, giao nhiệm vụ này cho lực lượng không quân của Hạm đội Baltic. Đơn vị không quân xuất sắc nhất của hạm đội này khi đó chính là trung đoàn thả mìn và thủy lôi số 1 dưới quyền chỉ huy của Nikolaevich Preobrazenski. Tướng Zavoronkov được giao trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này.

Loại máy bay ném bom tầm xa của không quân XôViết trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Lực lượng không kích thủ đô của phát xít Đức xuất phát từ hòn đảo Ezel (ngày nay là đảo Saaremaa thuộc Estonia). Đây được coi là điểm xuất phát thích hợp nhất khi đó với tổng khoảng cách tới mục tiêu và quay trở về là 1.765 km (trong đó có 1.400 km trên biển). Trung đoàn đã lựa chọn ra 15 kíp lái được đào tạo tốt nhất để tham gia chiến dịch.

Tầm nhìn vào thời điểm đó đang cực kỳ xấu: thường xuyên có mưa dông, khiến các phi công lạnh cóng ngay cả trong bộ trang phục bay. Chưa kể họ phải bay suốt nhiều giờ trong điều kiện phải đeo mặt nạ dưỡng khí và tắt hoàn toàn liên lạc vô tuyến. Trong trận không kích đầu tiên, máy bay của Preobrazenski đã ném tổng cộng 8 quả bom cháy và bom phá xuống khu ga Szczecin tại Berlin.

Tiếp theo đó là những chiếc máy bay của Plotkin, Trychkov và Daskovski liên tục thả hết cơ số bom xuống các mục tiêu đã định. Ngoài những quả bom, họ còn thả thêm hàng ngàn tờ truyền đơn và báo chí của Liên Xô xuống Berlin.

Cú sốc

Trận không kích đầu tiên của các phi công Xôviết có được kết quả mỹ mãn là nhờ vào yếu tố bất ngờ. Hệ thống phòng không của kẻ thù gần như không kịp đáp trả, khiến các phi công chỉ cần đơn giản căn tọa độ và bình tĩnh thả bom trúng các mục tiêu đã định. Khó có thể hình dung, chiến dịch trên đã gieo rắc một bầu không khí kinh hoàng thế nào xuống thủ đô của Đức phát xít.

Cả thành phố đều chung một tâm trạng bàng hoàng và ảm đạm. Bắt đầu xuất hiện những suy nghĩ hoài nghi đầu tiên về hiệu quả của "Blitzkrieg" (định nghĩa về "cuộc chiến chớp nhoáng", một chiến thuật mà Hitler vẫn áp dụng rất thành công kể từ đầu Đại chiến thế giới thứ hai).

Preobrazenski truyền về trung tâm một bức điện về sau trở thành nổi tiếng: "Tôi hiện đang ở Berlin. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và đang quay trở về". Đúng 4 giờ sáng ngày 8/8/1941, toàn bộ số máy bay của phi đội tham gia chiến dịch đã quay trở lại căn cứ an toàn.

Cũng trong ngày đó, truyền thông Đức bung bít rằng, Berlin đã phải hứng chịu đợt tấn công của 150 máy bay Anh, trong đó chỉ có 15 chiếc lọt được vào bầu trời Berlin, trước khi 9 chiếc trong số này bị bắn hạ. Đáp lại, hãng tin BBC của Anh đã thông báo đầy mỉa mai rằng, trong hai ngày 7/8 tháng 8, không quân Anh không hề bay tới thủ đô của Đức do thời tiết xấu.

Ngay trong ngày 8/8, Cục thông tin Liên Xô đã công bố chi tiết về vụ không kích trước toàn thế giới, qua đó giúp vén bức màn giả dối từ bộ máy tuyên truyền của quân phát xít về việc đã đập tan hoàn toàn lực lượng không quân Xôviết. Ngày 9/8, Plotkin tiếp tục tham gia vào đợt không kích thứ hai vào Berlin. Đến ngày 13/8, ông cùng với 4 đồng đội trong trung đoàn (trong đó có cả Preobrazenski) đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Phi vụ không kích thứ 7 (vào ngày 20/8) chút nữa đã trở thành chuyến bay định mệnh đối với Plotkin. Ngay sáng hôm đó, ông đã cảm thấy khó chịu trong người, nhưng lại không chú ý lắm tới dấu hiệu này. Ngay khi đang bay trên bầu trời Berlin ở độ cao 6.400 mét, Plotkin bất ngờ bị ngất. Chiếc máy bay của anh giảm độ cao nhanh chóng, chỉ chút nữa đã lâm vào tình trạng bị rơi xoắn ốc. Nhưng may mắn là Plotkin đã kịp thời tỉnh lại ở độ cao 3.000 mét, kịp thời kéo cần để đưa máy bay lấy lại độ cao.

Tai nạn bất ngờ

Sau chiến dịch không kích vào Berlin, trung đoàn tiếp tục tham gia vào các trận đánh tại Leningrad, khi đó đang bị quân Đức bao vây phong tỏa. Khi đó, con đường tiếp tế duy nhất cho thành phố bị bao vây này là qua hồ Ladoga và đường không. Những chiếc DB-3 hạng nặng liên tục được giao nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí và đạn dược và di tản người khỏi đây. Tất nhiên, chúng cũng thường xuyên bị những chiếc tiêm kích của Đức rình rập xung quanh khu hồ này.

Trong một phi vụ tương tự vào tháng Giêng năm 1942, những chiếc máy bay ném bom to lớn của Xôviết bất ngờ bị 27 chiếc Focke-Wulf nhảy ra chặn đầu. Preobrazenski khi đó ra lệnh không được thay đổi hướng bay. Một chiếc tiêm kích của kẻ thù lao thẳng vào máy bay của Plotkin, nhưng vào những giây phút cuối đã rẽ sang một bên vì sợ va chạm. Xạ thủ Kudriashop đã tận dụng cơ hội đó để bắn hạ đối phương. May mắn là sau đó những chiếc tiêm kích có hình ngôi sao đỏ đã tới chi viện kịp thời, giúp cho chiếc DB-3 có thể tiếp tục sứ mạng của mình.

Chuyến bay cuối cùng của Plotkin diễn ra vào ngày 7/3/1942, trong một nhiệm vụ thả thủy lôi tại cảng Helsinki. Phi đội bay theo dự kiến khoảng giãn cách khoảng 10 phút, trong điều kiện tầm nhìn rất kém vì sương mù dày đặc.

Do chiếc máy bay của Đại úy Babuskin phía sau Plotkin đã không giữ được khoảng cách theo qui định, khiến cả hai đâm vào nhau và rơi tại khu vực Sestroreska. Toàn bộ phi hành đoàn trên chiếc DB-3 của Plotkin đều hy sinh, chỉ duy nhất có Babuskin kịp nhảy dù. Tang lễ trọng thể dành cho các phi công bị hy sinh được tổ chức trong tòa nhà của Bộ Tư lệnh hải quân ngay trong thành phố Leningrad khi đó vẫn đang bị bao vây.

Theo lệnh của trên, vào đúng thời điểm hạ huyệt những phi công anh hùng, pháo binh tại đây đã đồng loạt khai hỏa nhằm vào các vị trí của quân Đức trong suốt 10 phút, như một hành động tưởng nhớ và trả thù cho những người đồng đội của mình.

Đinh Linh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nguoi-hung-dot-kich-berlin-trong-the-chien-ii-599935/