Người hùng bất đắc dĩ của bóng đá Singapore

Whitbread đã chuẩn bị sẵn tâm lý chia tay Singapore sau Tiger Cup 1998 nhưng số phận dường như đã sắp sẵn cho ông trở thành nhà vô địch.

Tội đồ hóa người hùng

Barry Whitbread đến với bóng đá Singapore như một cái duyên. Trước khi bước chân vào nghế huấn luyện, chiến lược gia người Anh từng làm thầy giáo làng, ở một thị trấn nhỏ nước Anh, nhằm phát hiện, rèn giũa và tuyển chọn những trẻ em có năng khiếu chơi bóng. Bước ngoặt xảy ra vào cuối thập niên 80, ông làm trợ lý cho CLB Northwich Victoria rồi giữ chức HLV đội nghiệp dư Runcorn tại Anh. Dù vậy, thành tích của nhà cầm quân đầu bạc không có gì đáng kể.

HLV Barry Whitbread (hàng trên, thứ ba từ trái sang) trong buổi gặp với các cựu binh Singapore thi đấu ở Tiger Cup 1998

Rời xứ sương mù vào đầu thập niên 90, Whitbread chưa có ý định nào cụ thể cho công việc tương lai. Ông đến Mỹ rồi Australia, vừa học vừa tích lũy kinh nghiệm cho công việc sau này. Tới cuối năm 1994, khi đồng hương Douglas Moore nắm ghế HLV trưởng Singapore, Whitbread được mời về giữ chức trợ lý, phụ trách các công tác chuyên môn cho đội. Khi Moore chuyển sang công tác quản lý, làm Trưởng ban tổ chức giải VĐQG Singapore, Whitbread được LĐBĐ Singapore (FAS) đôn lên ngồi ghế cao nhất, với dụng ý kế thừa Moore. Ông dẫn dắt “Bầy sư tử” chinh chiến ở Tiger Cup 1996, giải đấu mà Singapore làm chủ nhà, nhưng chơi thất vọng và sớm bị loại ở vòng bảng.

Cộng với thành tích nghèo nàn ở các kỳ SEA Games, FAS thông báo với nhà cầm quân người Anh, rằng ông sẽ bị chấm dứt hợp đồng sau Tiger Cup 1998, bất kể kết quả tại Hà Nội có như nào. Lý do mà Singapore đưa ra là, Whitbread đã gắn bó quá lâu. Lãnh đạo bóng đá quốc đảo này tin những gì vị thuyền trưởng sinh năm 1949 làm đã chạm ngưỡng, và không thể giúp nền bóng Singapore tạo ra sức bật mới.

HLV Barry Whitbread (trái) bên cạnh HLV đương nhiệm của Singapore, Fandi Ahmad

Vào cuối thập niên 90, bóng đá Singapore bị tụt lại so với Đông Nam Á. Sau khi huyền thoại Fandi Ahmad giải nghệ, đội tuyển nước này chơi bóng như thể rắn mất đầu. Tiger Cup 1998, Singapore không nuôi nhiều hy vọng bởi họ chung bảng với đương kim á quân Malaysia và chủ nhà Việt Nam. Người Singapore dường như chuẩn bị sẵn tinh thần đón thất bại. Nhưng rồi bất ngờ xảy ra, từ “kẻ bị thất sủng”, Whitbread bỗng hóa “người hùng”. Bằng lối chơi thực dụng cộng thêm một chút may mắn, Whitbread ôm danh hiệu đầu tiên và cũng là duy nhất trong sự nghiệp trên sân Hàng Đẫy và nói: “Vậy là tôi ra đi trong vinh quang”.

Gõ đầu trẻ

Bốn năm trải nghiệm với ghế HLV đội tuyển Singapore dường như đã hút cạn trí lực của Whitbread. Trong vòng 20 năm sau đó, ông không nhận lời dẫn dắt bất cứ đội bóng nào, dù đôi ba lần được đánh tiếng.

Không hứng thú với ghế nóng nhưng công việc gõ đầu trẻ lại cuốn hút nhà vô địch Tiger Cup 1998. Ông chuyển dần sang công tác đào tạo trẻ và luôn giam mình hàng giờ liền trong phòng để thiết kế các giáo án, cũng như chương trình đánh giá một cầu thủ. Đầu những năm 2000, Whitbread đi nhiều nơi, tham khảo các mô hình đào tạo tiên tiến ở những CLB hàng đầu về xuất khẩu cầu thủ trẻ như Brazil hay Bồ Đào Nha. Thi thoảng, ông viết thư tiến cử một vài cầu thủ mà ông cho là xuất chúng tới các CLB Anh.

HLV Barry Whitbread (đứng, áo đỏ, tóc vàng) khi đăng quang Tiger Cup 1998

Những nỗ lực của Whitbread dần được ghi nhận. Giữa những năm 2000, Liverpool mời ông về làm việc tại lò đào tạo trẻ của CLB. Ông làm công việc này đến năm 2007, trước khi đầu quân cho Blackburn Rovers, sau đó là Bolton, với vị trí Trưởng bộ phận tuyển trạch. Thành tựu lớn nhất của ông, theo lời HLV này, đã bồi dưỡng và hướng nghiệp cho con trai Zak trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Trung vệ sinh năm 1984 này trưởng thành từ lò Liverpool, sau đó kinh qua một loạt các đội như Norwich, Leicester City, trước khi giải nghệ ở Shrewsbury Town. Vào năm 2003, Zak được gọi vào đội U20 Mỹ dự U20 World Cup.

Trước thềm AFF Cup 2018, Whitbread một lần nữa xuất hiện ở Singapore, trong tư cách chuyên gia nhằm cứu rỗi nền bóng đá quốc gia này. FAS tin với con mắt tinh tường và sự am hiểu bóng đá Đông Nam Á, cựu HLV 69 tuổi sẽ giúp bóng đá trẻ nước này lấy lại vị thế, giống những gì ông từng làm cách đây 20 năm, dựa trên đội hình toàn cầu thủ nội.

HLV hiện tại của Singapore, Fandi Ahmad cũng rất coi trọng Whitbread. Fandi thường trao đổi các kế hoạch dài hơi với người tiền nhiệm, với mục tiêu số một là đưa Singapore trở lại tốp đầu Đông Nam Á trong vòng 5 năm nữa.

HÀ GIANG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nguoi-hung-bat-dac-di-cua-bong-da-singapore-post231097.html