Người hồi sinh điệu chèo cổ

Ít người biết ở Thủ đô Hà Nội vào thời nhà Nguyễn, nửa đầu thế kỷ 19 từng có một điệu chèo và một làng chèo nổi tiếng bên sông Hồng. Trải qua thời gian dài, tưởng như điệu chèo ấy đã phôi pha, mờ dần trong ký ức người dân. Tuy nhiên, sau gần 2 thế kỷ, hiện ở làng Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) vẫn có một ông lão say sưa gìn giữ, góp phần làm hồi sinh một điệu chèo cổ, đó là ông Nguyễn Văn Lược...

Nỗ lực tìm lại điệu chèo xưa

Mới đây, sau một lần được xem hát chèo cổ tại Nhà hát chèo Hà Nội, ở quận Hai Bà Trưng, chúng tôi rất tò mò về điệu chèo lạ có tên “Chèo Xa Mạc”. Ngay sau đêm biểu diễn ấy, chúng tôi đã tìm về nơi thủy tổ của điệu hát chèo này để tìm hiểu. Hiện nay cuộc sống của người dân thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh đã thực sự thay da đổi thịt, với nhiều nhà cao tầng; đường phố khang trang và hầu hết người dân đã chuyển từ làm nông nghiệp sang kinh doanh, buôn bán, dịch vụ.

Cuộc sống phồn hoa, đô thị, nhưng hỏi đến một điệu chèo cổ với người dân trong thôn thì từ già đến trẻ ai cũng biết và đều nhắc tới ông Nguyễn Văn Lược. Dân làng trong thôn vẫn quen gọi là “ông”, “bác” Lược chèo. Ông Lược hiện cũng là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát chèo của thôn Xa Mạc.

Luôn yêu đời và say sưa hát ca, nên khi chúng tôi gặp ông Lược thì cảm giác đầu tiên là vẻ ngoài của ông trẻ trung hơn nhiều so với cái tuổi 66. Dáng người nhỏ nhắn, nụ nười dí dỏm luôn nở trên môi, ông Lược thể hiện ngay một vài câu hát chèo, sau khi mời chúng tôi vào nhà.

CLB chèo Xa Mạc thời gian đầu thành lập (ông Lược đứng hàng đầu, thứ 2 từ trái sang). Ảnh do nhân vật cung cấp.

Mê Linh là quê hương của hai nữ anh hùng của dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị - Hai Bà Trưng. Đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Nhà ông Lược cách đền thờ Hai Bà Trưng ngày nay chỉ gần 2km. Không biết từ bao giờ cái chất giọng khàn khàn của người vùng Mê Linh nói chung và làng Xa Mạc nói riêng đã có trong mỗi con người. Chất giọng ấy lúc đầu nói chuyện có vẻ khó nghe, nhưng lại vô cùng truyền cảm khi cất lên những bài chèo cổ. Ông Lược giải nghĩa đến chất giọng đó để chúng tôi hiểu thêm về mảnh đất này trước khi nói đến chèo cổ.

Ông nhớ lại: Những năm tôi còn bé, khoảng 5-7 tuổi, khi đó cả miền Bắc hừng hực khí thế đi lên xây dựng XHCN sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Những bài ca lao động hăng say, yêu đời, yêu người được người dân trong làng tìm lại để đưa vào đời sống. Vào những đêm trăng rằm hay các buổi sinh hoạt cộng đồng, các cụ cao tuổi nhớ lại dăm ba câu chèo cổ để thể hiện cho lớp trẻ nghe…

Bản thân ông nội và bố mẹ của cậu bé Lược ngày ấy cũng thuộc một số câu hát chèo cổ, vì thế chèo cứ tự nhiên thấm dần vào tâm hồn tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Lược. Khi đi học cấp 1, cậu bé Lược được phát hiện có năng khiếu nghệ thuật, nên đã được nhà trường và đội văn nghệ xóm dạy và truyền thụ cho một số câu hát chèo cổ. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, điệu chèo Xa Mạn gần như bị lãng quên. Những năm phục vụ trong quân ngũ (từ 1972 đến 1978, ở một đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc) những đêm thanh vắng, chiến sĩ Nguyễn Văn Lược lại ngân vài điệu chèo quê, góp phần đi xua đi nỗi nhớ nhà và để đồng đội hiểu hơn về điệu chèo đặc sắc của quê hương mình. Tuy thời chiến, nhưng các anh em chiến sĩ vẫn thỉnh thoảng được đồng đội của mình là Nguyễn Văn Lược hát cho nghe một số điệu dân ca Bắc Bộ và cả chèo cổ làng Xa Mạc quê mình.

Năm 1978, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, chàng thanh niên Nguyễn Văn Lược (khi đó mới 27 tuổi) cảm thấy không vui khi dân làng mình hầu như không ai còn hát chèo cổ như 20 năm trước nữa. Trước nguy cơ mai một hoàn toàn điệu chèo cổ của quê hương, anh chưa tính chuyện xây dựng gia đình, mà quyết tâm đi tìm, sưu tầm lại điệu chèo cổ.

Ông Lược cho biết: “Sưu tầm lại chèo Xa Mạc vô cùng khó khăn đối với tôi khi đó. Bởi chèo Xa Mạc xuất hiện trong dân gian, kiểu truyền miệng, không biết ông tổ sáng tạo ra là ai, cũng chẳng có niên đại, tháng năm cụ thể. Tôi chỉ biết các cụ cao niên truyền lại rằng, chèo có ở Xa Mạc từ đầu thế kỷ 19”.

Ngày xưa, người ta thường hát điệu chèo Xa Mạc bên dòng sông, trên cánh đồng mênh mông. Hai bờ sông xa cách, nên chỉ giao duyên được với nhau qua tiếng hát thanh trong ngân xa nhờ làn gió gửi lời tâm tình tới bạn ca. Do khoảng cách xa, cộng thêm tiếng hát mang đậm tính chân chất của xóm làng nên được gọi bằng cái tên Xa Mạc (mạc là làng)

Trước ông Lược cũng chưa có ai sưu tầm hoặc ghi chép lại một cách hệ thống, đầy đủ các bài chèo. Chính vì thế công việc sưu tầm lại của ông càng gặp nhiều khó khăn. Ông phải đến gặp từng cụ cao niên cả nam và nữ từ 70 đến 90 tuổi để hỏi và sưu tầm. Nếu ai biết một vài câu hoặc cả bài thì ông sẽ nhờ đọc để ghi lại từng câu, từng chữ. Hình ảnh một chàng thanh niên, cứ cặm cụi đi hết làng trên xóm dưới để dò hỏi và ghi chép như vậy, nhiều khi dân làng hiểu nhầm, tưởng anh bị thần kinh, đầu óc không bình thường, làm những việc dỗi hơi, không đâu…

Vừa kể về những tháng ngày gian khó nhất của mình, ông Lược vừa nhấn mạnh với chúng tôi: “Chính bản thân tôi cũng nhiều khi không hiểu sao mình lại “nghiện” chèo đến thế. Tôi có thể bỏ ăn vài ba bữa, thức đêm thức hôm, nhưng bỏ chèo vài bữa thì không thể chịu nổi.”

Sau gần 20 năm sưu tầm, đến năm 1996, khi đời sống của nhân dân trong làng khấm khá và mọi người bắt đầu nghĩ đến văn nghệ, ca hát thì ông Lược quyết định vận động thành lập CLB chèo Xa Mạc, do chính ông làm chủ nhiệm. Thành viên đội chèo lúc đầu gồm 23 người, toàn là các chị em phụ nữ từ 20-45 tuổi, cộng thêm mấy anh thanh niên ham mê văn nghệ, nhưng hầu như chưa biết gì về chèo. Và vợ ông, bà Lê Thị Biện cũng là thành viên của CLB chèo Xa Mạc.

Đến nay, CLB đã có bề dày hơn 20 năm, còn quá trình sưu tầm điệu chèo cổ của ông Lược sau 39 năm, cơ bản đã hoàn tất. Ông đã tìm lại được 37 bài chèo cổ, chép lại và đánh máy cẩn thận để lưu giữ thành nhiều bản.

Ngoài những bài chèo theo điệu Xa Mạc cổ mà ông Lược rất tâm đắc sưu tầm được, thì trong khoảng 10 năm trở lại đây, ông đã sáng tác thêm nhiều bài chèo theo điệu Xa Mạc mới, như bài “Làng văn hóa” (1997) và “Xây làng văn hóa” (1998), “Liên Mạc quê hương tôi” (2000)… Đến nay ông Lược đã tự viết được hơn 100 bài hát chèo, dựng hàng chục trường đoạn, ca cảnh để tạo nên những vở diễn

Vợ chồng ông Lược trong trang phục biểu diễn chèo tại một hội diễn năm 2017, ở Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Chúng tôi còn rất bất ngờ và khâm phục người nông dân thôn quê này, bởi trong bộ sưu tập của mình, ông Lược còn có hàng trăm bài hát dân ca các vùng miền, thậm chí cả những bài ca vọng cổ, cải lương, quan họ cổ… Ông cẩn thận ghi lại tất cả vào kín 2 cuốn sách dày tổng cộng hơn 1.000 trang.

Say sưa và khắc khoải

Ông Lược bảo: “Mình không thể chịu được khi không hát chèo, tìm hiểu về chèo”. Vừa thao thao bất tuyệt kể về chèo cho chúng tôi nghe, ông vừa đan xen cất lên những điệu chèo đằm thắm quê mình. Sự “nghiện” chèo của ông đến mức ngay sau khi thành lập CLB chèo ở quê, ông đã tự bỏ tiền túi ra mua sắm dàn âm thanh, ánh sáng, trang phục để phục vụ các thành viên CLB. Ông không nói con số cụ thể, nhưng theo tiết lộ của bà Biện, thì số tiền đó cũng đủ xây một căn nhà hai tầng khang trang. Cũng vì mê chèo giống như chồng, nên bà Biện hoàn toàn ủng hộ và trợ giúp đắc lực cho ông.

Ở thôn Xa Mạc, hai vợ chồng say chèo như ông bà Lược-Biện thực là hiếm có khó tìm. Ông khẳng định: Tôi mê chèo quá, tôi sắm trang thiết bị để phục vụ CLB và góp phần gìn giữ điệu chèo cổ chứ không phải để được nhận giấy khen…

Để chúng tôi hiểu hơn về cái hay, ý nghĩa của chèo cổ Xa Mạc, ông vừa hát vừa giải thích và cho biết, những câu, điệu hát chèo Xa Mạc cổ rất hay bởi có độ ngân nga. Các câu chèo chủ yếu được viết ra theo thể thơ lục bát. Ngoài ra ở một số bài còn vận dụng lối hát đối đáp giao duyên, hoặc lối người trước đố, người sau trả lời.

Tình yêu nam nữ, lòng hiếu thảo, tình yêu lao động sản xuất, tình yêu quê hương, đất nước… luôn hòa quyện vào những bài chèo cổ. Ngoài trang phục truyền thống của chèo, thì nhạc cụ trong hát chèo Xa Mạc gồm 3 loại chính là: Sáo, đàn bầu và nhị trung (hay còn gọi là Líu). Đây là một nét khác biệt, bởi các loại chèo khác cần có nhạc cụ trống.

Những năm qua, CLB chèo Xa Mạc đã đi biểu diễn ở khắp nơi với hơn 30 thành viên gồm cả các em học sinh cho đến các bác ở lứa tuổi U50, U60. Cậu con trai Nguyễn Văn Giang của ông Lược hiện là thành viên chủ chốt của CLB chèo Xa Mạc. Anh Giang cho biết: “Chắc em được truyền “cái gen” mê chèo từ bố em rồi. Em cũng biết hát chèo từ hơn 20 năm nay. Đội chèo của làng mỗi năm cũng đi biểu diễn hàng chục buổi trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh khác.”

Được biết, hiện đội chèo của bố con ông Lược được chính quyền địa phương và cơ quan văn hóa cấp cơ sở rất ủng hộ. Tuy nhiên theo anh Giang, đó cũng mới chỉ ủng hộ tinh thần, còn vật chất thì CLB và bản thân các thành viên phải tự lo, để điệu chèo được phổ biến rộng rãi ra người dân trong làng, trong xã.

Theo ông Lược, hiện đội chèo của thôn do ông quản lý được sự ủng hộ, quan tâm của chính quyền và ngành văn hóa địa phương. Nhưng bản thân ông Lược vẫn đau đáu điều trăn trở, lo lắng rằng mai đây thế hệ kế cận có còn say mê, ham muốn điệu chèo của quê hương nữa không?

Theo ông Lược, các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống rất khó tồn tại nếu không có phương hướng đúng, không có kinh phí duy trì hoạt động và đặc biệt là không tự đổi mới thường xuyên để đáp ứng sở thích của người dân, nhất là lớp trẻ. Ông bảo: “Tôi đã già, nhưng vẫn ngày ngày truyền thụ lại những gì mình biết cho các em, các cháu. Tôi rất mong điệu chèo của quê mình sẽ được lưu giữ và có nhiều thế hệ sau này tiếp nối.”

NGUYỄN THỊ HƯỜNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-9-2017-2018/nguoi-hoi-sinh-dieu-cheo-co-524480