Người học hưởng lợi nếu đầu mối quản lý thống nhất

Mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) gửi kiến nghị đến Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ về chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ LĐTB-XH về Bộ GD-ĐT. Bản kiến nghị này đã thu hút sự quan tâm của các cơ sở giáo dục, nhà quản lý với nhiều quan điểm khác nhau.

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2016-2021 đã trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

TS Hoàng Ngọc Vinh

TS Hoàng Ngọc Vinh

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào về kiến nghị của Hiệp hội về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ cao đẳng về Bộ GD-ĐT?

TS. HOÀNG NGỌC VINH: Tôi thấy kiến nghị của Hiệp hội còn mang tính hình thức, vì chỉ đề cập đến kiến nghị đưa hệ CĐ về Bộ GD-ĐT mà chưa thấy cần kiến nghị mang tính hệ thống và nguyên lý thiết kế bộ máy theo các nghị quyết của Đảng là mỗi bộ thực hiện một chức năng chính, không chồng chéo, giẫm chân nhau để đảm bảo các quy hoạch sử dụng nguồn lực được thực hiện một cách nhất quán. Vì thế, cần đưa GD-ĐT về một đầu mối quản lý nhà nước để đảm bảo việc sử dụng nguồn lực quốc gia hiệu quả hơn. Mặt khác, Đảng và Chính phủ khi ấy buộc trách nhiệm giải trình về chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo và sự cân đối các trình độ đào tạo của người đứng đầu bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Dựa trên cơ sở nào Hiệp hội đưa ra kiến nghị này?

Hiệp hội dựa vào lịch sử phát triển của loại trình độ này theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, những bất cập mang tính hệ thống như phân loại trình độ không theo thông lệ của thế giới và những hạn chế trong việc phát triển hệ thống những năm gần đây để đưa ra kiến nghị. Bên cạnh đó, thực tiễn đòi hỏi phải đổi mới phát triển GD-ĐT để có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng các nhu cầu phát triển mới mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần 8 khóa XI (Nghị quyết 29) và mới đây Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ.

Giáo viên dạy ứng dụng phần mềm tại phòng LAB Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nếu kiến nghị này được chuẩn y thì sẽ tạo ra những thuận lợi gì cho giáo dục hệ cao đẳng nói riêng và GD-ĐT nói chung?

Nếu được chấp thuận đưa bậc CĐ về một đầu mối quản lý nhà nước, tôi hy vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mới trong bối cảnh mới. Thứ nhất là việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH sẽ khả thi, hiệu quả hơn do nguồn lực đỡ bị phân tán. Thứ hai, người học sẽ hưởng lợi nhiều hơn vì cơ hội học tập suốt đời dễ dàng hơn rất nhiều, bởi hệ thống được vận hành theo cơ chế thống nhất về đảm bảo chất lượng, liên thông và giảm bớt rất nhiều các thủ tục mang tính hành chính khác. Thứ ba là giúp tinh gọn bộ máy quản lý theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Thứ tư, Thủ tướng chỉ đạo về GD-ĐT sẽ dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian họp hành. Các trường và địa phương giảm chi phí giao dịch giữa 2 hệ thống. Hệ thống hội nhập tốt hơn với thế giới và khu vực. Đặc biệt, rất cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu không đảm bảo cung ứng nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế.

THANH HÙNG thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nguoi-hoc-huong-loi-neu-dau-moi-quan-ly-thong-nhat-722603.html