Người Hòa Vang kiên trung

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong lòng người dân vùng nông thôn Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng hào hùng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Không chỉ riêng những người trực tiếp cầm súng, mà hầu như ai đã từng đi qua một thời bom đạn đó cũng đều có cảm giác hân hoan, tự hào...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong lòng người dân vùng nông thôn Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng hào hùng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Không chỉ riêng những người trực tiếp cầm súng, mà hầu như ai đã từng đi qua một thời bom đạn đó cũng đều có cảm giác hân hoan, tự hào...

Bến đò An Trạch ở đầu nguồn sông Yên (xã Hòa Lợi cũ) trong ký ức của người dân địa phương.

Bến đò An Trạch ở đầu nguồn sông Yên (xã Hòa Lợi cũ) trong ký ức của người dân địa phương.

Trong kháng chiến chống Mỹ, khi các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn để kiểm soát các tuyến đường bộ thì ở đầu nguồn sông Yên lại có một “nhịp cầu” nối đôi bờ không một ngày ngưng nghỉ. Các bến đò 2 thôn An Trạch (xã Hòa Lợi cũ, nay là xã Hòa Tiến), La Châu (xã Hòa Lương cũ, nay là xã Hòa Khương) đã trở thành cung đường huyết mạch. Tất cả lương thực, đạn dược được người dân vận chuyển cất giấu dưới những căn hầm bí mật ven sông, rồi cùng bộ đội chờ đêm tối vượt sông an toàn.

Thời ấy, dân làng An Trạch chỉ vài chục hộ luôn bị địch đóng ở đồn Lệ Sơn sách nhiễu, vì vậy họ phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm, quản thúc. Sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy ngụy quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà chỉ gieo rắc thêm nỗi căm hờn. Đêm bị quản thúc, sáng họ trở về làng cần mẫn với công việc đồng áng mưu sinh, sản xuất lương thực ủng hộ cách mạng. Tương tự, ở La Châu, mỗi lần địch đi càn quét là những căn nhà tạm, vườn tược bị đốt sạch, phá sạch. Để đối phó với giặc, cứ vài ba gia đình lại cùng nhau đào một hầm trú ẩn hào. Với cách đào hầm bí mật, lỗ thông hơi nằm khuất dưới những lũy tre ven sông nên địch cũng khó phát hiện... Không những cung cấp nhân lực cho cách mạng, mà người dân La Châu, An Trạch còn biết cách phát huy lợi thế về điều kiện và phương tiện đường sông để neo đậu đò mưu sinh, làm cơ sở cho cách mạng về hoạt động.

Còn ở thôn 14, xã Hòa Bình năm xưa (nay là thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong), dân làng luôn bị địch đóng ở quận lỵ Hiếu Đức sách nhiễu, vì vậy họ phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm, quản thúc. Ở tù thì bị đánh đập, tra tấn đã đành, còn quản thúc cũng có nỗi khổ riêng. Mỗi khi chiều xuống, những người mẹ, người vợ phải bồng bế con nhỏ lặn lội đến các đồn bót quận lỵ trình diện để chịu sự giám sát của các “quan thầy”. Sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy ngụy quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà chỉ gieo rắc thêm nỗi căm hờn... Trong kháng chiến chống Mỹ, những người con của mẹ Phạm Thị Khuê cứ nối tiếp nhau ra đi. Hòa bình lập lại, 4 người con của mẹ vẫn biền biệt không về. Gia đình ông Nguyễn Nhuận, trong 3 năm 1965-1967 cũng có 6 người lần lượt hy sinh. Giai đoạn 1968- 1970, khi bị địch bủa vây, cắt đường vận chuyển lương thực nên bộ đội, du kích khốn khó trăm bề. Thấy vậy, vợ chồng bà Chế Thị Quýt và các con thay nhau băng đồi, vượt đầm lầy để tiếp tế lương thực, nắm tình hình địch thông báo cho cơ sở…

Và còn nhiều câu chuyện khác khi được nghe, chúng tôi cảm nhận trong suốt dặm dài lịch sử đã kết tinh những con người với nghĩa tình sắt son, góp phần tạo nên cội nguồn sức mạnh cho công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Chiến công, thành tích cho dù nhỏ bé nhưng hòa trong dòng chảy lịch sử cũng đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Hòa Vang kiên trung. Sự hiện hữu của cái tất nhiên, đó là hy sinh để cho đất nước độc lập nở hoa, xương máu của các anh hùng liệt sĩ đã hòa quyện vào mỗi tấc đất để thấy rõ hơn giá trị thành quả mà vùng nông thôn mới này đang sở hữu luôn gắn liền với những hy sinh lớn lao của nhiều người đã xả thân vì nghiệp lớn.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_241612_nguoi-hoa-vang-kien-trung.aspx