Người họa sĩ trọn đời vẽ chân dung Bác Hồ

Đúng kỷ niệm 131 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/2021), từ thành phố Tây Ninh, tôi ngược về Tân Biên để gặp họa sĩ Võ Đồng Minh, người hàng chục năm qua luôn nghĩ về Bác Hồ, đau đáu với tâm nguyện hoàn thành 79 bức tranh, ' Bác Hồ 79 mùa xuân'. Phút nghỉ ngơi sau khi khai bút bức tranh thứ 60 đúng ngày sinh nhật Bác, bên ly cà phê nóng họa sĩ chậm rãi kể về cuộc đời mình.

Họa sĩ Võ Đồng Minh đang hoàn thiện những dấu chấm cuối cùng bức chân dung Bác

Họa sĩ Võ Đồng Minh đang hoàn thiện những dấu chấm cuối cùng bức chân dung Bác

Ông tên thật là Nguyễn Văn Lắm, sinh năm 1942, ở Long An. Năm 1950, ông theo cha mẹ lên Tây Ninh lập nghiệp. Do có chút năng khiếu và đam mê vẽ, ông bắt đầu theo một họa sĩ ở huyện Hòa Thành để học vẽ. Sau đó, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, học được khoảng một năm, ông quay về Tây Ninh theo chân các chiến sĩ cách mạng đi khắp nơi trên chiến trường để vẽ tranh về đề tài kháng chiến.

Bút sắt, bút lông là vũ khí chiến đấu

Phong trào cách mạng miền Nam ngày càng lớn mạnh, sau chiến thắng Tua Hai – Đồng Khởi của Tây Ninh năm 1960, địch bắt đầu mở nhiều đợt càn quét, bắt bớ thanh niên khắp vùng, ông và nhiều chiến sĩ đã bị địch bắt. Trong tù ông vẫn là chiến sĩ qua những bức tranh biếm họa đả kích và tuyên truyền vẽ bằng gạch lên nền và tường nhà tù. 02 năm sau ông được thả vì không có chứng cứ để giặc xét xử.

Như con chim được sổ lồng, ông liền trở về Tân Biên vừa cầm súng chiến đấu mỗi khi giặc Mỹ càn quét tới, bảo vệ cho chiến khu R (Trung ương Cục miền Nam), vừa vẽ tranh tuyên truyền, cổ động. Công tác trong tiểu ban tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Tây Ninh, ông vừa trực tiếp, vừa lắng nghe, theo dõi thông tin để kịp tư duy cho ra đời những bức tranh mang tính thời sự nóng hổi, có sức lan tỏa trong quân và dân. Hiện ông còn lưu giữ cả ngàn tác phẩm.

Xem quyển tập tranh hơn 400 bức biếm họa, chuyển tải nhiều thông điệp hết sức có ý nghĩa, đó là những tác phẩm được ông tái hiện lại lúc thực dân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, những tác phẩm vẽ từ những năm kháng chiến chống Mỹ v.v..Tranh ông vẽ hóm hỉnh nhưng sống động và mang tính báo chí rất cao. Tranh lột trần được bản chất xâm lược của kẻ thù và bọn tay sai bán nước cũng như không khí thi đua chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc của quân dân Nam bộ. Tranh biếm họa của ông dễ hiểu, đại chúng, ai xem cũng biết nhưng cũng rất thâm thúy và sâu sắc. Tranh biếm họa của ông như một nhật ký chiến tranh sống động, một tài liệu quý giá rất cần được trân trọng, bảo quản.

Những phút thư giản nghỉ tay của Họa sĩ Võ Đồng Minh

Lời thề với Bác

Năm 1964, họa sĩ Võ Đồng Minh được Ban Tuyên Huấn tỉnh Tây Ninh cử vào chiến khu R, học lớp “Mỹ thuật giải phóng khóa I” ông càng hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta, về đường lối, chủ trương, sách lược của Đảng. Học xong, họa sĩ Võ Đồng Minh phát huy tay nghề nhiều hơn, bắt đầu vẽ tranh, in ấn tài liệu tuyên truyền cho cuôc kháng chiến, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

Vì sao lúc nào ông cũng đau đáu để hoàn thành ước nguyện “Bác Hồ 79 mùa xuân”

Ông chia sẻ: Năm 1969, ngày Bác Hồ mất, ông cùng họa sĩ Ba Trắng (Tam Bạch) được ông Phan Văn –Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy phân công vẽ chân dung Bác Hồ để Ban Tuyên huấn tổ chức lễ truy điệu. Việc dựng lễ đài truy điệu Bác ở chiến khu R, giáp biên giới Campuchia được giữ bí mật không cho giặc Mỹ và tay sai biết và đề phòng quân lính, thuộc chính quyền Lon-non ở Cam-pu-chia cũng tìm cách phá hoại. Lễ truy điệu được tiến hành đồng thời với đại lễ của nhân dân Thủ đô tại Ba Đình (5/9/1969). Do vậy việc vẽ chân dung Bác Hồ phải hết sức khẩn trương. Hàng chục phác thảo chân dung dựa trên hình ảnh Bác hồ được đăng trên báo đưa ra để lựa chọn. Cuối cùng bức chân dung của hai người được góp ý, chỉnh sửa và lựa chọn.Trong đêm đó, tâm trạng của ông vừa vui mừng, vừa xúc động khó tả. Lúc làm lễ truy điệu Bác Hồ, ông đã thề nguyện trong tâm trước lễ đài có chân dung Bác “sau này, nếu kết thúc cuộc chiến tranh ác liệt này mà ông còn sống, ông sẽ dành trọn cuộc đời vẽ 79 chân dung Người”.

Tranh biếm học của Họa sĩ Võ Đồng Minh

Cuộc chiến đấu chống Mỹ ngày càng cam go, ác liệt. Cây bút của ông cũng miệt mài trên chiến tuyến. Nhiều ký họa chiến trường, tranh đả kích của ông được in trên các tờ báo: Báo Giải phóng, Tây Ninh, Nhân dân, Quân đội nhân dân,… Đó là những tác phẩm mang đậm tính thời sự. Ngày 19/5 năm nay, họa sĩ tiếp tục vẽ lại bức chân dung thứ 60 và đang gấp rút để hoàn thành bộ tranh 79 mùa xuân của Bác.

Năm nay ông tròn 79 tuổi, sức khỏe cũng yếu dần đi, làm sao ông có thể thực hiện hoàn thành tâm nguyện của mình? Ông lặng buồn nói: Sinh có hạn, tử vô kỳ không thể biết trước được điều gì nên tôi có di nguyện để lại cho đứa học trò cũng là con nuôi của tôi là: Nếu Ba ra đi mà chưa hoàn thành tâm nguyện, con phải có trách nhiệm hoàn thành đủ 79 bức chân dung của Bác thay Ba.

Găp họa sĩ suốt đời vẽ chân dung Bác đúng sinh nhật Bác, chúng tôi đều cảm giác có cái gì đó thiêng liêng, xúc động. Ông nói sẽ dạy dỗ con cháu mình và phải truyền nối cho các thế hệ mai sau trong gia đình luôn yêu mến quý trọng Bác Hồ. Mong ông có sức khỏe để tiếp tục thực hiện được ước nguyện công trình “Bác Hồ 79 mùa xuân”, có nơi để bảo quản, cất giữ những tác phẩm tâm huyết đầy ý nghĩa của một đời nghệ sĩ nói riêng, của cuộc chiến tranh vệ quốc đầy tự hào của dân tộc nói chung.

Tranh biếm học của Họa sĩ Võ Đồng Minh

Thùng bút bi hơn ngàn cây đã sử dụng vẽ chân dung Bác Hồ.

Thế Lực

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/nguoi-hoa-si-tron-doi-ve-chan-dung-bac-ho-n25556.html