Người hiền ở Cần Thơ

Cần Thơ may mắn có thầy Lê Văn Quới, tuy đã ở tuổi gần 80, vẫn minh triết viết nên những câu chuyện về hiền tài đất Tây Đô, lan tỏa chiều sâu văn hóa đất này...

Thầy Lê Văn Quới viết về nhà giáo Võ Thị Liên - người phụ nữ đầu tiên làm giám đốc trường trung học tại Cần Thơ - Nữ Trung học Tư thục Võ Văn (hiện là nơi Trường Mẫu giáo Vành Khuyên, Ninh Kiều, tọa lạc). Thân sinh của bà là cụ Võ Văn Thơm, sáng lập trường Institution Võ Văn vào năm 1917, dạy bậc tiểu học cả tiếng Việt và tiếng Pháp; góp phần làm An Hà Báo (hoạt động khoảng 1917-1933).

Thầy Lê Văn Quới. Ảnh: Duy Khôi

Thầy Lê Văn Quới. Ảnh: Duy Khôi

Trường Võ Văn khi xưa tiếp giáp đường Nguyễn An Ninh, Minh Mạng (nay là Đồng Khởi) và Hòa Bình. Vì biến động kinh tế, cơ sở trường và việc dạy học những năm 1930 bị thu hẹp. Năm 1950, bà Võ Thị Liên mua lại đất và mở trường (nay ở 108 Nguyễn An Ninh), dạy chương trình Việt - Pháp cấp 1 và 2. Đến năm 1967, trường chỉ nhận học sinh nữ và mang tên Nữ Trung học Tư thục Võ Văn, bà Võ Thị Liên làm Giám đốc, chồng bà là kỹ sư Phan Lương Báu làm Hiệu trưởng.

“Tôi tham gia giảng dạy ở trường từ năm 1967 qua sự giới thiệu của anh Phan Văn Nghiêm, giáo sư môn Vạn vật trường Phan Thanh Giản. Lần đầu gặp bà Giám đốc, bà mời nhóm giáo sư nam chúng tôi vào văn phòng. Với thái độ thật ân cần, giọng nói nghiêm trang mà thân ái, bà nhỏ nhẹ từng lời: Các thầy đều là những giáo sư nổi tiếng ở hai trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm, tôi quý trọng lắm. Các giáo sư còn trẻ, lại được học sinh mến mộ. Tôi rất chuộng tài năng, nhưng rất cần đức độ - đức độ của nhà giáo chân chính”, thầy Quới nhớ lại. Thầy kể học sinh gọi bà Võ Thị Liên là “Madame”, riêng thầy gọi là “Cô”.

Bà Võ Thị Liên (1917-2005), học trường Marie Curie, có bằng Trung học Pháp, tham gia điều hành Trường Võ Văn khoảng 25 năm. Đặc biệt nhất là từ 1967-1975, bà là Giám đốc trường nữ trung học duy nhất của miền Tây, thu hút đông đảo học sinh các tỉnh, tỷ lệ tốt nghiệp không kém các trường công lập. Năm 1973, trường có nữ sinh Trần Bội Anh tốt nghiệp kỳ thi Tú tài phần nhất loại “Tối ưu”. Bà dạy môn nữ công gia chánh và tiếng Pháp. Học sinh xem bà như mẹ hiền.

Anh Phan Lương Minh, con trai của bà Võ Thị Liên, cho chúng tôi xem quyển lưu bút được đặt tại quán “Xưa và Nay” cạnh trường xưa. Quyển lưu bút ghi lại lời thăm hỏi của nhiều thế hệ học trò Võ Văn. Có người viết kín 2 trang giấy, nhớ chuyện được giúp học phí, tập sách; hay cảm động nhắn gửi: “Nghe tin Madame té đau, em đến thăm. Thời gian qua nhanh quá, gần 50 năm rồi. Cô già mà trò cũng già. Thấy cô còn tỉnh em mừng lắm. Chúc cô sống trăm tuổi để vui vẻ với con cháu và học trò” - Em là Vĩnh, học sinh trường Võ Văn 1952-1956.

* * *

Thầy Lê Văn Quới có facebook, đăng những bài viết trân quý về nghề giáo, chuyện “vùng đất lành Cần Thơ” bằng văn chương trìu mến, chất chứa lẽ sống nghĩa nhân. Mỗi bài của thầy đều được viết tay, rồi thuê đánh vi tính. Thầy không thông thạo tương tác mạng xã hội, nên cáo lỗi không thể trả lời bình luận. Dù vậy trang của thầy vẫn ngập tràn lời bình tình cảm, biết ơn của người đọc.

Biết ơn bởi nhờ thầy, thế hệ sau mới tỏ tường về bác sĩ Lê Văn Thuấn (1914-1978), Trưởng Ban vận động thành lập Viện Đại học miền Tây, nay là Trường Đại học Cần Thơ; chuyện bác sĩ “rủ” thầy tham gia Hội Hồng Thập Tự tỉnh Phong Dinh, từ 1965 đến 1971, quyên góp gây quỹ giúp trẻ mồ côi, người tàn tật, đồng bào bị thiên tai...

Thầy Quới viết nhiều về nhà sưu khảo văn học Nguyễn Bá Thế (1925-1996), người Yên Thượng, Cái Răng: “Từ thập niên 1950, lúc còn học ở Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, tôi đã say mê tìm đọc những tác phẩm biên khảo công phu của ông về Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thanh Giản, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Sương Nguyệt Anh, Võ Trường Toản, Phan Văn Trị...”. Khoảng năm 1950, ông mở trường tư thục Nguyễn Bá tại Yên Thượng, Cái Răng. Năm 1954, ông ra Cần Thơ mở lớp dạy miễn phí cho con em lao động hẻm Vú Sữa, xóm Cầu Củi, Nhà Đèn... duy trì đến 1960. Năm 1991, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in quyển “Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của ông (đứng tên chung với Nguyễn Q. Thắng).

* * *

Những câu chuyện của thầy Quới như cảo thơm cho chúng tôi hiểu tận tường, thêm thương quý đất và người Cần Thơ. Thầy cho biết: Lúc trước, tại trường Nữ Tiểu học tỉnh lỵ Cần Thơ (sau là Trường Tiểu học Tân An 1, nay tọa lạc siêu thị Co.opmart), có xây dựng nhà tưởng niệm giáo viên quá cố. Trong phòng bày trí bàn thờ, phía trên cùng khắc ba chữ vàng “Niệm Sư Từ”.

Người xây dựng và trông coi “Niệm Sư Từ” là thầy Nguyễn Văn Xứng (1910-1991). Thầy Xứng dạy học, làm thuốc, viết sách và truyền dạy Đông y. Thân sinh của thầy là danh y Nguyễn Văn Thân nổi tiếng ở Giai Xuân, nên mới 5-6 tuổi thầy đã nhận biết mặt thuốc và khi biết chữ thì chép lại những bài thuốc gia truyền. Năm 18 tuổi, thầy dạy học tại trường Giai Xuân B và giữ mục Gia Truyền Tập hằng tuần trên An Hà Báo, Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 20 tuổi, thầy xuất bản bộ “Ngoại khoa thông dụng”, gồm 400 phương thuốc. Năm 28 tuổi, thầy biên soạn và xuất bản bộ “Nhứt thiên thần phương”, có 370 chương, liệt kê 450 chứng, 1.000 phương thuốc, 2 năm sau đó bổ sung thành bộ “Nhứt thiên diệu dược”.

Thầy Xứng dạy nhiều trường ở Cần Thơ; là giám đốc các hội banh miệt vườn đi đá giao hữu ở tỉnh lỵ, hay chỉ huy đoàn thanh niên đi thi điền kinh, bơi lội; rồi lập đoàn ca kịch, hát ở rạp Trà Niềng xã Giai Xuân, rạp Miễu Ông xã Long Tuyền, lập các phòng thuốc từ thiện… Sau năm 1975, thầy công tác Mặt trận Tổ quốc, vận động thành lập Hội Đông y, đào tạo nhiều cán bộ, lập Trung tâm Chẩn trị Đông Nam y châm cứu Cần Thơ tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

“Bình sinh, ngoài việc dạy học, chữa bệnh, thầy còn là một mạnh thường quân trong việc giúp đỡ nhân dân và khuyến học, khuyến tài. Nhớ lời di huấn của cha, các con thầy hiện nay luôn đóng góp tích cực trong việc sửa đường, làm cầu, xây dựng trường, tặng học bổng các học sinh nghèo hiếu học tại xã Giai Xuân cũng như trong thành phố Cần Thơ” - thầy Quới cho biết.

XUÂN VIÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nguoi-hien-o-can-tho-a117552.html