Người hàng chục năm sửa xe miễn phí cho học sinh ở Hà Nội

Không biết từ bao giờ, người dân đã quen với hình ảnh ông Nguyễn Văn Tâm (69 tuổi, trú tại xóm 4, thôn Cầu Cảng, xã Tả Thanh Oai, Hà Nội tự nguyện sửa xem miễn phí cho học sinh quanh vùng.

Cứ sáng sớm, lúc mọi người hối hả đi làm, đi học, thì cũng là lúc ông Nguyễn Văn Tâm mang bộ đồ nghề sửa xe ra bắt đầu một ngày làm việc. Công việc sửa xe dù bận đến mấy, nhưng cứ hễ gặp bất cứ học sinh nào tuột xích, đứt xích, thủng săm, ông Tâm đều gác lại để ưu tiên việc sửa xe miễn phí. Sửa xe miễn phí cho các cháu học sinh cấp một, cấp hai hay việc đèo các cháu đến trường là việc ông Tâm vẫn làm. Tấm biển nhận sửa giúp xe đạp cho các cháu học sinh cấp 1, cấp 2 đã thành một điểm đến của nhiều học sinh.

Đồ nghề sửa chữa của ông chỉ tốn mấy trăm ngàn đồng. Ông còn tận dụng xăm lốp cũ và các phụ kiện còn tốt. Ông bảo, các cháu nhỏ nên xe bị hỏng thì không tự sửa được, nhất là cháu gái. Các xe bị hỏng cũng đơn giản, nếu ra quán chỉ mất vài ngàn đồng nhưng các cháu nhỏ đi học thì không có tiền.

Dạo đầu, các cháu không có tiền nên không dám vào nhờ tôi sửa vì ngại. Nên ông viết lên bảng trước cửa để các cháu không có tiền không còn ngại nữa. Sau vài lần quen, hễ xe các cháu bị hỏng đều mang tới nhờ. Nhiều lần các cháu phải dắt bộ và muộn giờ vào lớp mà ông không sửa kịp thì tôi lấy xe máy chở các cháu tới trường. Trưa các cháu về qua lấy xe đạp.

Ông Nguyễn Văn Tâm.

Ông Nguyễn Văn Tâm.

Hiện tại, ông Tâm đã có 7 cháu nội, ngoại cũng toàn là học sinh cấp 1 và ở ngay gần đây. Ông vẫn dặn các cháu đi học có bạn nào bị hỏng xe thì dắt về ông sửa giúp, không lấy tiền.

Trước đây, học sinh nào biết thì mang tới nhờ ông sửa, nhưng do nhiều cháu bị hỏng xe mà không dám vào sửa vì không có tiền (nghĩ ông là thợ sửa xe lấy tiền) nên ông Tâm đã làm tấm biển với dòng chữ “Các cháu học sinh cấp I, cấp II đi học qua đây nếu bị hỏng xe vào đây ông sửa, ông không lấy tiền. Nếu bị muộn học, ông chưa sửa kịp, ông đưa đến trường”.

Nói tới cái bảng có những dòng chữ xúc động nhận sửa giúp xe đạp cho các cháu học sinh, ông Tâm nhẹ nhàng cười và nói đó chỉ là hành động từ trong tâm và làm cho vui tuổi già. Vì thế, khi gặp ông, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra vẻ hiền hòa, chân chất, phúc hậu toát lên từ khuôn mặt, ánh mắt và lời nói của ông. Suốt bao năm qua ông sống chẳng để ai phải phật lòng mà luôn luôn sống chan hòa, tình cảm với xóm làng.

Ông Tâm là một cựu chiến binh, là người lính kéo pháo ở nhiều chiến trường, sau khi về nghỉ mất sức, ông tham gia HTX làm thủy lợi và cho đến nay, công việc chính của ông là gò, hàn. Cách đây hơn 10 năm, khi đang gò hàn cho khách, thấy cháu gái đi qua (giờ đã lập gia đình) bị hỏng xe, vừa đi vừa mếu máo. Thấy vậy, ông gọi vào và sửa xe miễn phí.

Từ đó, ông nghĩ, làm việc thiện thế cũng có cái hay, cái vui nên ông sắm một cái bơm và mấy đồ nghề cần thiết cho công việc sửa xe. Xe đạp hỏng nhiều nhất là săm, lỏng bu lông, đứt xích... nên ông đã chuẩn bị những món đồ này khá chu đáo. Sau đó, cứ thấy cháu nào bị hỏng xe là ông lại vẫy vào sửa miễn phí, dù không chuyên. Mỗi lần sửa xong, ông dặn dò rất cẩn thận các cháu đi đúng làn đường bên tay phải, không được đi dàn hàng ba, hàng bốn.

Không chỉ sửa xe đạp miễn phí cho các cháu học sinh, ông Tâm còn sửa xe miễn phí cho các cô, các chị đi qua hàng ngày chẳng may xe bị hỏng.

Một việc “vác tù và hàng tổng” nữa của ông là ngay trước cửa nhà là cầu Cảng, nơi có tàu sắt đi qua hàng ngày. Vào các giờ cao điểm như sáng sớm, hay cuối chiều tàu hay ngang qua mọi người đều thấy hình ảnh ông Tâm rất nhẹ nhàng đứng trước giơ tay nói làm phiền mọi người dừng lại một chút cho tàu qua trước. Bởi ở đây chỉ có một anh gác tàu không thể đứng được cả hai bên vì tuyến đường chật hẹp mà nhiều người qua, đặc biệt là các cháu học sinh.

Mỗi ngày qua, cứ sáng sớm tới tối muộn, hình ảnh ông lão đứng làm nhân viên gác tàu tự nguyện hay lúi húi sửa xe miễn phí đã trở nên quá đỗi quen thuộc và ấm áp với người dân nơi này.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nguoi-hang-chuc-nam-sua-xe-mien-phi-cho-hoc-sinh-o-ha-noi-116768.html