Người hâm mộ muốn được xem bóng đá đẹp, bóng đá sạch

Đó là nhu cầu chính đáng của người hâm mộ môn thể thao vua khi mua vé vào sân thưởng thức các trận đấu bóng đá ở tất cả các cấp độ, trong đó có những cuộc so tài tại V.League.

Khán đài đầy ắp khán giả luôn là niềm mơ ước của mỗi đội bóng

Khán đài đầy ắp khán giả luôn là niềm mơ ước của mỗi đội bóng

Sau thời gian tạm nghỉ để nhường chỗ cho vòng loại U23 châu Á, Giải bóng đá vô địch quốc gia 2019-Wake-up 247 V.League 1 trở lại vòng đấu thứ 4 vào chiều 5/4.

V.League hiện là giải đấu quốc nội thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ vì trên sân cỏ có mặt nhiều cầu thủ tài năng từng tỏa sáng trên đấu trường Đông Nam Á và châu Á. Đó cũng là những gương mặt làm nên thương hiệu “Tinh thần Việt Nam” qua mỗi trận đấu, từ giải U23 châu Á 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, vòng loại U23 châu Á 2020...; là nơi cung cấp cho Đội tuyển U23, Đội tuyển quốc gia những cầu thủ xuất sắc.

Tuy nhiên, ở 3 vòng đấu vừa qua, tại V.League cũng đã xuất hiện vài hiện tượng khiến người hâm mộ chưa hài lòng khi trên sân cỏ lại tái diễn tình trạng cầu thủ chơi bóng chưa đẹp khi “cản phá” cầu thủ đội bạn quá mức và hậu quả là họ bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kỷ luật.

Theo số liệu chuyên môn của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), tại V.League 2019 sau 3 vòng đấu (21 trận), các trọng tài đã phải rút 64 thẻ vàng và 4 thẻ đỏ phạt các cầu thủ. Nếu so với mùa giải 2018, tình hình thẻ phạt có giảm chút ít nhưng người xem vẫn không thể hài lòng vì “bóng đá chưa đẹp, cầu thủ chơi bóng chưa đẹp”.

Trận đấu “kinh khủng” nhất là trận Hà Nội FC gặp tân binh Viettel trên sân Hàng Đẫy vào ngày 6/3. Ở trận cầu này, Hà Nội FC có 6 cầu thủ bị thẻ vàng còn Viettel bị phạt 1 thẻ đỏ từ 2 thẻ vàng vì Quế Ngọc Hải phạm lỗi khi cản phá cầu thủ Trần Văn Kiên của Hà Nội FC.

Sau đó, Quế Ngọc Hải bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phạt tiền và đình chỉ thi đấu 4 trận do “có hành vi cố tình xâm phạm thân thể cầu thủ Trần Văn Kiên của Hà Nội FC”.

Tương tự, Rimario Allando Gordon của Thanh Hóa bị phạt tiền và đình chỉ thi đấu 2 trận kế tiếp do phạm lỗi nghiêm trọng với cầu thủ Lê Thế Mạnh của Than Quảng Ninh trong trận đấu giữa 2 đội vào ngày 6/3…

Điều đáng nói ở đây là Quế Ngọc Hải, Đội trưởng Đội tuyển Việt Nam khi thi đấu ở AFF Cup 2018 (8 trận) và Asian Cup 2019 (5 trận) chỉ bị 1 thẻ vàng (trận hòa Myanmar ở AFF Cup) nay bỗng… sa sút phong cách một cách khó hiểu. Chính vì vậy, người xem bóng đá thấy buồn vì cầu thủ này “dường như… trở lại ngày xưa”?...

Bên cạnh đó ngoài V.League, ở một số giải đấu khác, cả quốc tế, cả trong nước đã có những trận cầu mà người xem dấy lên nghi ngờ, lo ngại việc "bóng đá chưa sạch" khi chứng kiến một số trận đấu trong đó, các cầu thủ chơi bóng một cách khó hiểu!

Ở giải vô địch U19 quốc gia 2019 vừa qua, trong trận gặp U19 Hà Nội (ngày 11/3), đội U19 Phú Yên bị dẫn trước nhưng các cầu thủ Phú Yên lại thi đấu không tích cực đến mức báo chí phản ánh là “dường như họ không muốn gỡ hòa” khi chỉ chuyền bóng qua lại ở phần sân nhà (“đá ma”). Sau đó, Ban Tổ chức giải và VFF đã lên tiếng sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc cá nhân, tập thể có hành vi vi phạm điều lệ giải, các quy định, quy chế của VFF.

Một trường hợp khác liên quan đến thủ môn Tấn Trường của B. Bình Dương tại AFC Cup trong trận thua Ceres- Negros của Philippines 1-3 ngay trên sân nhà (tối 12/3). Nguyên nhân bàn thua đầu tiên của B. Bình Dương được cho là sai lầm đáng trách của Tấn Trường khi anh để cầu thủ đối phương cướp bóng ngay trong chân mình rồi ghi bàn. Sau trận đấu này, Tấn Trường bị B. Bình Dương “treo găng” hết lượt đi tại V.League.

Rồi ngay cả đương kim vô địch V.League Hà Nội FC cũng bị phê phán khi thua Yangon United của Myanmar trong khuôn khổ AFC Cup trên sân Hàng Đẫy tối 2/4. Sau trận đấu này, chính HLV Chu Đình Nghiêm cũng “không cắt nghĩa được kết quả thất bại cũng như phong độ của các học trò”…

Chưa hết, trong trận XSKT Cần Thơ gặp Bình Phước tại Giải hạng Nhất quốc gia ngày 30/3, cầu thủ Nguyễn Văn Quân của XSKT Cần Thơ đã “sút tung lưới đội nhà” từ pha đá phạt mà đội bóng mình được hưởng. Dù Văn Quân phân bua đó chỉ là tai nạn nhưng anh vẫn bị VFF phạt tiền và truất quyền thi đấu 11 trận kế tiếp...

Đó chỉ là những thí dụ nổi bật nhất về “bóng đá chưa đẹp, chưa sạch”. Nếu tái diễn, cầu thủ, đội bóng là người chịu hậu quả đầu tiên do bị truất quyền thi đấu, bị phạt tiền. Thậm chí, các nhà tài trợ cũng sẽ quay lưng vì ngại thương hiệu của mình bị ảnh hưởng. Sau đó là chính người hâm mộ sẽ không còn muốn xem thứ bóng đá xấu xí nữa! Hậu quả này khiến bóng đá mất cơ hội phát triển.

Trên đấu trường quốc tế, bóng đá Việt Nam, người hâm mộ bóng đá Việt Nam thời gian gần đây đã gây được tiếng vang lớn vì tinh thần thi đấu kiên cường với những trận cầu đẹp dù có trận chịu thua. Trong đó, có những hình ảnh rất đẹp do chính cầu thủ “kiến tạo”: Hỗ trợ cầu thủ đội bạn bị đau trên sân khi bác sĩ của họ chưa đến kịp; can ngăn cổ động viên quá khích…

Như vậy có thể thấy để bóng đá đẹp và sạch, để người hâm mộ tiếp tục đến sân thưởng thức các trận đấu, trách nhiệm trước hết thuộc về các cầu thủ và đội bóng!

Thanh Phương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/the-thao/nguoi-ham-mo-muon-duoc-xem-bong-da-dep-bong-da-sach/362957.vgp