Người Hà Nội

Ba chữ 'người Hà Nội' đã thành một 'nghi án' nhiều tranh cãi, nhất là người từ tứ xứ tới thăm hay sống ở Hà Nội mấy chục năm gần đây lại càng nghi ngờ về cái gọi là 'người Hà Nội', và ý kiến thường nghe thấy nhất: 'Làm gì có cái gọi là thanh lịch kiểu Hà Nội'.

Cũng đúng. Ra đường thấy người Hà Nội hẳn hoi, gốc dân phố cổ hoặc loanh quanh gần phố cổ nghe đồn dăm ba đời- vẫn cứ văng tục, chửi nhau, đổ rác ra đường… Nhìn chung chẳng liên quan gì tới hai từ “thanh lịch” cả.

Thực ra dân Hà Nội ngày xưa cũng dăm bảy loại. Từ “thanh lịch” hầu hết dành chỉ phong thái của các gia đình thuộc giới trí thức, hoặc con nhà tư sản, tiểu tư sản có chút máu mặt, chịu ảnh hưởng Nho học cộng với văn hóa Pháp đầu thế kỷ 20. Con cái các gia đình này vừa vẫn nằm lòng tam cương ngũ thường vàtam tòng tứ đứcnhưng cũng thấm văn hóa ứng xử lịch thiệp kiểu phương Tây, nên sự thanh lịch vừa có nét nghiêm cẩn kiểu Nho, vừa tinh tế hào hoa kiểu Âu. Nhóm người này tạo thành tầng lớp riêng trong xã hội với thú chơi, lối sống riêng của họ.

Để cảm và hiểu được giới này, cuốn sách thú vị nhất nên đọc là “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng. Vị văn sĩ này từng bị nhiều độc giả nhìn với chút tiêu cực khi lànguyên mẫu nhân vật “vô tâm” với đời, chỉ biết hưởng thụ trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao. Cơ mà đời cũng lạ, “Đôi mắt”, nếu không đưa vào dạy trong sách giáo khoa thì chẳng còn mấy ai đọc và nhớ, nhưng “Thương nhớ mười hai” thì vẫn được yêu chuộng và tái bản nhiều lần.

Bởi lẽ, văn của ông quá hay đi.

Bởi lẽ, cách thưởng thức cuộc sống của ông quá tinh tế, quá “sướng” đi.

Dám sống tới tận cùng cái “vô nghĩa” của đời sống, cũng là một bản lĩnh.

“Thương nhớ mười hai” là cuộc du hành của một tâm hồn thi sĩ trong cái thế giới bốn mùa thay sắc ở Hà Nội, ngắm nghía và thưởng thức từng chút vị ngọt của đô thành này. Nếu không có những cuốn như “Thương nhớ mười hai” thì chắc chúng ta ngày hôm nay chẳng có mấy bằng chứng cho nét sống thanh tao của người Hà Nội cũ.

“Người vợ bắt đầu thu hết những nệm thêu trải ở sập chân quỳ và gối gấm trên ghế trắc “mua tự bên Tàu về” để đem ra phơi dưới nắng xuân, trên một cái chiếu mầu khô nỏ. Mi môn, quần màn, với quần áo tết của vợ chồng và các con sẽ được phơi như thế chừng ba nắng để rồi đem cất vào trong tủ có trải sẵn rễ “hương bài” để cho quần áo thơm ngát và khỏi “nhậy”.

Ấy đấy, thương người đàn bà Bắc như thế đấy. Sạch cứ như lau như ly, cẩn thận từng ly từng tí. Và càng thương hơn nữa là khi ta thấy người đàn bà chậm rãi vuốt ve từng cái tà áo, lồng nhỏ nhẹ từng cái khuyết vào cái khuy rồi xếp vuông vức áo nọ lên quần kia, như thể sợ động mạnh thì quần áo sẽ không còn vẹn tuyết trinh, vì nhầu nếp lụa”.

Chỉ vài dòng ngắn ngủi nhưnghiện lên hết cái gọn gàng tinh tế của người phụ nữ có giáo dục. Thời hiện đại bây giờ chắc không mấy ai có thể tao nhã đến thế trong cất dọn quần áo.

Mỗi chương trong cuốn sách mỏng này là một khoảng trời Hà Nội duyên dáng kín đáo mà gợi tình không cưỡng nổi. Mấy chục năm đã trôi qua kể từ khi cuốn sách ra đời vàtừ những câu chuyện được kể lại trong sách, Hà Nội đã thay đổi tới độ chính người Hà Nội cũng tiếc thương cho cố đô của mình. Ấy thế nhưng chỉ một cơn gió chuyển mùa trút lá thu sanghay một cơn mưa đầu đông đưa rét về, thế là Hà Nội lại nguyên vẹn toát lên cái hồn thơ cám dỗ mọi tâm hồn yêu cái đẹp.

“Có ai nằm nhớ lại Hà Nội ngày nào, vào những lúc trời se sắt, mưa dầm dề, gió lê thê như thế, thỉnh thoảng ở giữa đường lại có một anh chàng mặc áo tơi, đội mũ mốt săng, đi ghệt, ngậm cái ống điếu đi lang tháng mười một mình như đang nghĩ thơ không?

Ấy đó, biết là đóng cửa lại ở trong nhà ấm cúng thật tình, nhưng có những người nhìn lên trời thấy ở bên ngoài sầu sầu một cách nên thơ, tự nhiên cảm thấy không chịu được, phải vội vàng khoác áo đội mũ ra đi để tận hưởng cái rét, để dầm mình vào trong mưa, để nghe cái nhịp thở âm thầm của cỏ cây lúc đó bắt đầu hé những lá non bé tí tẹo, xanh mươn mướt.

Không phải là thi sĩ, nhưng vào những buổi chiều tháng mười một ở Hà Nội, người nào cũng muốn làm thơ…”.Những dòng chữ chan chứa yêu thương cuộc sống,yêu con người, chạm tới trái tim hàng vạn độc giả nhiều thế hệ của Vũ Bằng, quả thực là chiếc cầu mộng mơ nối quá khứ với hiện tại trong tâm hồn người Hà Nội.

LÊ PHƯƠNG HOA

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nguoi-ha-noi-1750412.tpo