Người Hà Nội nói về đề xuất cống hóa sông Tô Lịch: Chỉ là khuất mắt trông coi?

Bên cạnh những ý kiến phản biện, phản đối đề xuất cống hóa các dòng sông ô nhiễm tại Thủ Đô, không ít người dân ủng hộ bởi sông Tô Lịch, Kim Ngưu.. thực chất đang là những chiếc cống lộ thiên.

"Xin đừng lấp sông Tô Lịch!"

Không chỉ riêng các chuyên gia hóa học, môi trường phản biện lại đề xuất cống hóa một số dòng sông ở Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm, rất nhiều người dân Thủ đô cũng tỏ ý kiến gay gắt, phản đối thực hiện đề xuất trên.

Ngay khi đề xuất cống hóa được thông tin rộng rãi trên dư luận, ông Phan Văn Ngụ (54 tuổi ở Nhân Hòa, Thanh Xuân, Hà Nội) đã khẩn thiết: "Xin đừng lấp sông Tô Lịch. Mương nhỏ mà ô nhiễm như mương Thái Hà, mương Hoàng Cầu thì nên bê tông nhưng những dòng chảy lớn mà bê tông hóa thì mùa nóng sẽ càng nóng, mùa mưa lại càng ngập, nước bẩn vẫn cứ bẩn, mà còn mất đi cảnh quan của khu vực. Làm thế nào để thành phố có thêm diện tích mặt nước mới là câu chuyện cần làm ở Thủ đô".

Nhiều cư dân Thủ đô phản đối đề xuất cống hóa những dòng sông chảy qua thành phố. Ảnh: Bảo Loan

Nhiều cư dân Thủ đô phản đối đề xuất cống hóa những dòng sông chảy qua thành phố. Ảnh: Bảo Loan

Tương tự, bà Lê Thị Yến Nhi (ở khu dân cư Đoàn Kết, phường Nhân Hòa, Thanh Xuân) ý kiến: "Cống hóa thì chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt là mỹ quan đô thị. Bởi lẽ khi cống hóa, người dân sẽ không còn nhìn thấy con sông đen ngòm, không phải chịu đựng mùi hôi thối nữa. Có vẻ là rất ổn vì tâm lý khuất mắt trong coi, nhưng bản chất thì nước thải vẫn chảy ra sông và sẽ không được nạo vét khi cống hóa.

Sau một thời gian lượng bùn tích tụ sẽ gây tắc cống, lúc đó hậu quả và chi phí giải quyết sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Thay vì cống hóa thì hãy dùng chi phí đó để xây những đường ống gom nước thải dọc 2 bên sông và xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Chi phí vận hành hãy lấy từ chi phí thu gom rác thải của các hộ dân có xả thải ra đường ống đó". Bà Nhi cho rằng, cống hóa chỉ là cách cuối cùng để xử lý khi các phương pháp xử lý môi trường không được thực hiện hoặc không thể thực hiện được.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, những dòng sông trong thành phố đem lại rất nhiều lợi ích từ môi trường cảnh quan đến du lịch. Điển hình là các khu đô thị trên địa bàn Hà Nội luôn muốn đào sông, hồ nhân tạo để hút cư dân và phát triển bền vững.

Năm 1950, Hàn Quốc cũng đã trả giá đắt khi lấp con sông Cheonggyecheon (dài 5,8km, chảy qua trung tâm thành phố Seoul), nhưng rồi sau đó, nước này phải chi hơn 900 triệu đô để lấy lại dòng sông, lấy lại môi trường cho thế hệ sau.

Hình ảnh sông Tô Lịch cạn đáy, lộ thiên lớp bùn hôi thối dưới đáy sông. ảnh: Bảo Loan

Anh Dương Ngọc Minh (Minh Khai, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Ta hãy cứ bình tĩnh tìm giải pháp cứu dòng sông lịch sử này. Theo tôi phải xử lý từ gốc là phải thực hiện quy hoạch nghiêm túc, xây dựng các trạm xử lý nước sinh hoạt trước khi đổ ra sông hồ. Giải pháp đưa nước sông Hồng vào chỉ là dịch chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác.

Thực tế hiện nay, việc kè và trồng cây, làm đường hai bên bờ sông Tô Lịch như vừa qua rất tốt, tạo không gian đẹp và thuận lợi giao thông. Chỉ còn việc xử lý mùi hôi thối do nước thải của thành phố là ta có được dòng sông đẹp của ngàn xưa để lại".

Có nên tiếc những chiếc cống lộ thiên?

Bên cạnh những ý kiến phản đối thì không ít cư dân Thủ đô đồng tình ủng hộ đề xuất cống hóa những dòng sông ô nhiễm trên địa bàn, bởi lẽ, hiện nay, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… chẳng khác nào những chiếc cống lộ thiên.

Là cư dân sinh sống bên cạnh bờ sông Sét, anh Hoàng Duy Hải (38 tuổi, ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai) thẳng thắn: "Sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét từ lâu đã không thể cải tạo được vì nguồn nước thải cứ trực tiếp xả xuống sông. Người dân sống cạnh và đi cạnh sông như đi cạnh cái bể phốt nổi, hôi thối, nguy cơ gây bệnh tật. Chúng ta rất khó để bắt trước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Italia trong việc cống hóa dòng sông. Bởi đó là các nước tiên tiến, có hệ thống xử lý nước thải hết sức hiện đại, nước thải không đổ trực tiếp ra sông ngòi nên mới được như vậy. Vì vậy, tôi hoan hô, ủng hộ đề xuất cống hóa có thể vừa giảm ô nhiễm, lại có thêm đường giao thông đi lại cho người dân thành phố".

Cũng theo anh Minh, trước đây, Tokyo (Nhật Bản) cũng có hàng chục con sông, suối nhưng bây giờ đã cống hóa tất cả. Cống hóa sẽ có thêm diện tích bề mặt, diện tích này có thể tạo nên công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe tĩnh hoặc đài phun nước, quảng trường đi bộ cho cư dân. Khi đó, sẽ không còn mùi hôi thối.

Đồng tình với đề xuất trên, TS Lê Xuân Phương, chuyên gia phong thủy, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á cho biết: "Cống hóa là tốt, vì ở góc độ phong thủy mà nói, "đẹp thì phô ra, xấu xa ta đậy lại". Vì vậy, những cái bẩn, cái xú uế thì ta nên giấu nó đi. Còn nếu xác định không cống hóa thì phải nghiên cứu, thực hiện các hệ thống lọc, trước khi nguồn nước thải sinh hoạt của cư dân được thải ra sông".

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-ha-noi-noi-ve-de-xuat-cong-hoa-song-to-lich-chi-la-khuat-mat-trong-coi-20190710142740574.htm