Người góp phần xây dựng chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam

Giáo sư-tiến sỹ-thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh, nguyên Trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, là người đã có đóng góp lớn trong việc 'thanh toán' bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em.

Giáo sư-tiến sỹ-thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh. (Nguồn: hoithankinhhocvietnam.com.vn)

Giáo sư-tiến sỹ-thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh. (Nguồn: hoithankinhhocvietnam.com.vn)

Nhắc tới chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam, bạn bè quốc tế thường nghĩ tới đại diện là giáo sư-tiến sỹ-thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh.

Ông nguyên là Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, nguyên Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai và là người có nhiều đóng góp cho chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam.

Ông là một trong những gương mặt điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn quốc năm 2019.

Người thầy của chuyên ngành Thần kinh học

Tiếp xúc với bác sỹ Lê Đức Hinh, ấn tượng của tôi là sự minh mẫn của người đàn ông đã ngoài 80 tuổi.

Trong cuộc chia sẻ, mọi ký ức dường như là dòng chảy luôn túc trực trong đầu ông. Hơn 55 năm làm việc và cống hiến, bác sỹ Lê Đức Hinh được xem là người thầy của chuyên ngành Thần kinh học Việt Nam.

Chia sẻ về quyết định lựa chọn nghề, bác sỹ Hinh cho biết, từ thời trung học, ông vốn thích những vấn đề liên quan đến thần kinh và tâm trí vì hệ thần kinh đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của con người.

Nhiều bệnh tật, các hoạt động suy nghĩ, ngôn ngữ, hành xử của con người đều liên quan đến hệ thần kinh. Chính vì nhận thức sâu sắc đó, khi được xét chọn chuyên khoa, ông đã chọn chuyên khoa Thần kinh và Tinh thần.

Đây là chuyên khoa được rất ít người quan tâm và chỉ có một mình ông chọn, nhà trường phải gọi thêm 4 người nữa vào thành lập một tổ chuyên ngành Thần kinh.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 1962, bác sỹ Lê Đức Hinh được bác sỹ Nguyễn Quốc Ánh, người thầy dạy chuyên khoa đầu tiên và cũng là người thành lập ngành Thần kinh học Việt Nam giữ lại làm việc tại Khoa Thần kinh và Tinh thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Ông được phân công làm Trưởng Phòng Điều trị, Khoa Thần kinh và Tinh thần trong 8 năm.

Năm 1969, Khoa Thần kinh tách ra hoạt động riêng. Ông tiếp tục đảm nhận các vị trí quan trọng của khoa: Phó Trưởng khoa (1979), Trưởng khoa (1985) và bác sỹ cao cấp (2002) cho đến khi nghỉ hưu (2005).

Với những cương vị trên, ông đã có nhiều đóng góp trong xây dựng khoa về học thuật cũng như công tác điều trị, trực tiếp cứu chữa thành công cho hàng nghìn bệnh nhân.

Ngoài quá trình đào tạo trong nước, bác sỹ Lê Đức Hinh còn được cử đi học hai năm tại Đại học La Habana (Cuba); thực tập sinh khoa học tại 4 trường đại học của Hà Lan; tham quan nghiên cứu tại Đại học California Hoa Kỳ và nhiều nước khác.

Ông được Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991 và Giáo sư Thần kinh học năm 2002.

Không chỉ là lương y tâm huyết với nghề, Giáo sư Lê Đức Hinh còn là người thầy giáo có vốn kiến thức và kinh nghiệm dồi dào.

Ông đã giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên tại các trường đại học trên khắp cả nước; hướng dẫn nhiều luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ y học.

Ông đã viết và chủ biên nhiều sách y học về chuyên ngành; các giáo trình; bài viết thông tin về y học; kỷ yếu công trình bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha.

Dù bận nhiều công việc, nhưng ông luôn tranh thủ thời gian nghiên cứu, viết báo, đọc sách.

Ông chia sẻ, làm việc giúp ông linh lợi hơn, ngày nào không đọc sách, không làm việc, ngày đó ông thấy rất mỏi mệt. Chính vì lẽ đó, sau khi nghỉ hưu năm 2005, ông vẫn tham gia nhiều hoạt động như giảng bài, chấm thi, giám định chuyên khoa thần kinh, tư vấn viện pháp y Quốc gia, Ban tham vấn của Hội đồng bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Chủ tịch Hội thần kinh học Việt Nam…

Góp công đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Ngoài các công trình về bệnh lý thần kinh ở người trưởng thành, giáo sư Lê Đức Hinh còn dày công nghiên cứu về bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em.

Năm 1989, ông bảo vệ thành công và được công nhận Tiến sỹ Thần kinh học với Luận án "Vài đặc điểm của viêm não Nhật Bản B ở trẻ em miền Bắc Việt Nam."

Luận án của ông đã đóng góp rất nhiều vào hoạt động "thanh toán" bệnh dịch này tại Việt Nam.

Ông chia sẻ, trước những năm 1968, dịch viêm não Nhật Bản thường bùng phát ở miền Bắc nước ta trong khoảng thời gian từ tháng Năm, đến tháng Chín.

Căn bệnh này là nỗi kinh hoàng của các gia đình có con nhỏ do tỷ lệ tử vong cao. Thời điểm đó, phần lớn trẻ em mắc bệnh nằm điều trị tại chuyên khoa Nhi hoặc Truyền nhiễm chứ không điều trị ở Khoa Thần kinh.

Đến năm 1968, thầy Nguyễn Quốc Ánh chỉ định thành thập một đơn vị chuyên phục vụ viêm não B trẻ em và chỉ định Khoa của ông cùng thực hiện chăm sóc trẻ em mắc bệnh.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, những trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển về Khoa. Thời điểm đó, mỗi ngày, Khoa tiếp nhận khoảng 9-14 trẻ từ 9-10 tuổi và đều là những trường hợp nặng. Nếu không biết chăm sóc, trẻ sẽ không qua khỏi.

Trong những trường hợp được ông chữa trị, ông nhớ nhất kỷ niệm, một cháu bé mê man bất tỉnh được mẹ đưa vào viện lúc khoảng 14 giờ.

Cháu cũng được các bác sỹ thăm khám và chăm sóc ngay lập tức. Đến khoảng 17 giờ, khi hết giờ làm việc, ông dắt xe ngang qua nhìn thấy. Với kinh nghiệm cá nhân, ông biết đó là trường hợp rất nặng, có khả năng tử vong ngay đêm đó. Lập tức, ông ở lại cùng đồng nghiệp để chăm sóc và cứu chữa cháu kịp thời.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, bác sỹ Hinh cho hay, do chỉ là bác sỹ chuyên ngành Thần kinh, các kiến thức về Nhi khoa, Truyền nhiễm, Vi khuẩn của ông không nhiều. Vì vậy, ông cùng nhiều y, bác sỹ phải học sâu thêm về các chuyên khoa này; đọc nhiều tài liệu của báo chí nước ngoài để áp dụng thực hành, từ đó đưa ra hướng chăm sóc theo kiểu Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời điểm những năm 1968-1970, cuộc sống còn thiếu thốn nhiều thứ, ông buộc phải tìm tòi, sáng tạo để tìm ra các phương án chữa bệnh vừa tiết kiệm, an toàn.

Luận án tiến sỹ của ông chính là sự tổng kết kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị sau gần hai chục năm chữa bệnh cho trẻ em bị viêm não; giúp các thầy thuốc cả nước có những kinh nghiệm tốt hơn nữa việc chữa bệnh cho các cháu.

Hiện nay, ông vẫn quan tâm đến di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em và tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn các bác sĩ trẻ nghiên cứu về bệnh này.

Mang tiếng nói ngành Thần kinh học Việt Nam ra thế giới

Giáo sư Lê Đức Hinh hiện vẫn còn đảm nhận vai trò giáo sư giảng dạy của Đại học Y Hà Nội và Viện Nghiên cứu Khoa học Y dược lâm sàng 108; Giám định viên của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương.

Ông cũng là thành viên của nhiều hội ngành quốc tế như Hội Thần kinh và Phẫu thuật thần kinh Cu Ba, Hội Nhi khoa Cu Ba, Hội Thần kinh học Pháp, Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ, Ban tư vấn Tai biến mạch não cấp tính châu Á, Hội tai biến mạch não Hoàng gia Thái Lan...

Hằng năm, ông vẫn được mời tới tham dự các hội nghị thường niên về Thần kinh học ở khu vực và trên thế giới.

Tại các hội nghị, hội thảo, ông luôn chuẩn bị tham luận và tham gia các cuộc giao lưu, gặp mặt để bạn bè quốc tế thấy ngành Thần kinh học Việt Nam luôn theo kịp các nước phát triển, từ đó nâng cao vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Với những cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, ông đã được Nhà nước, ngành Y tế và nhân dân trao tặng Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Lao động Hạng Nhì, Huân chương Lao động Hạng Ba cùng nhiều Huy chương cao quý khác.

Mới đây, ông vinh dự được vinh danh là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Chia sẻ về vinh dự này, ông cho biết, đây là một điều bất ngờ đối với ông, một niềm vinh dự to lớn không chỉ cho ông mà còn cho ngành Y tế nói chung và chuyên khoa Thần kinh nói riêng. Ông sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này./.

Minh Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguoi-gop-phan-xay-dung-chuyen-nganh-than-kinh-hoc-viet-nam/591136.vnp