Người góp phần làm thay đổi vùng đất Tây Nguyên từ cây bơ

Tháng 11 này, những trái bơ Úc đầu tiên của Việt Nam sẽ xuất khẩu – đây là tin vui không chỉ đối với người dân Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào, khích lệ của hàng nghìn nông dân nước nhà làm giàu trên mảnh đất bazan màu mỡ.

Trồng cây bơ để thay thế cây muồng là sáng kiến khoa học của anh Trịnh Xuân Mười – người được vinh danh là “Vua bơ” của Việt Nam sẽ làm thay đổi bộ mặt Tây Nguyên khi trồng bơ hiện cho doanh thu cao gấp 3-5 lần so với cây cà phê, đặc biệt là với cây muồng chỉ để che phủ bóng mát.

Người làm hồi sinh mảnh đất Tây Nguyên và cũng là người đưa bơ Việt chuẩn bị ra thế giới lại là một “Nhà khoa học chân đất”- Trịnh Xuân Mười.

Bơ Úc sau 17 tháng trồng tại vườn anh Mười đã ra quả.

Bơ Úc sau 17 tháng trồng tại vườn anh Mười đã ra quả.

Đến Đắk Lắk những ngày hè, thăm vườn bơ trĩu quả của người nông dân đầu tiên đưa giống bơ Úc về Việt Nam – anh Trịnh Xuân Mười, Giám đốc Công ty TNHH Trịnh Mười (ở 137 đường Nguyễn Thái Bình, TP Buôn Ma Thuột), chúng tôi không khỏi vui mừng.

Bởi từ một trái cây ít người biết tới, anh Mười đã mày mò lai ghép và là người đầu tiên ở Tây Nguyên tạo giống thành công, để cây bơ giờ đây đã bao phủ khắp cánh rừng bạt ngàn của Tây Nguyên, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu.

Để trở thành tỷ phú trồng bơ như ngày hôm nay, anh Mười đã trải qua biết bao thăng trầm. Ít ai biết rằng, anh từng là cậu bé con nhà nghèo quanh năm chịu đói và mưa bão ở mảnh đất miền Trung nắng lửa, 16 tuổi trốn nhà nhảy tàu vào Nam. Nhớ lại kỷ niệm thời ấu thơ, ánh mắt anh Mười chợt xa xăm, kỷ niệm cứ cuồn cuộn ùa về.

Chia sẻ với chúng tôi trong một buổi chiều dịu mát sau cơn mưa cao nguyên, anh nói rằng, cuộc đời anh nhiều lần rơi vào “bĩ cực”, nhưng ở mỗi khúc ngoặt ấy anh lại gặp được người tốt. Có thể nói số phận đã may mắn, ưu ái khi trong mỗi bước đường đời gian nan lại mở ra cho anh một tia sáng.

Và khi đã thành công, anh không quên mình một thời từng nghèo khó, chỉ là mình có chút may mắn hơn người khác và anh muốn chia sẻ may mắn đó cho những người nghèo hơn.

Anh Mười là con thứ 10 trong một gia đình nông dân nghèo có tới 11 người con ở xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Vào năm 1990, nhà nghèo đến nỗi, mặc dù mới 16 tuổi anh phải trốn nhà đi tìm kế sinh nhai.

Không tiền, bụng đói, đi bộ 9 tiếng mới ra tới ga Vinh nhảy tàu vào Nam. Dọc đường đi, anh thổi sáo đổi lấy cơm ăn và nước uống. Lang thang ở Nha Trang không tìm được việc, anh gặp được người tài xế tốt bụng cho đi nhờ xe lên Đắk Lắk. Và cuộc đời anh Mười bắt đầu gắn bó với cây bơ Tây Nguyên từ khi ấy.

Các chuyên gia nước ngoài sang thăm khu giống bơ Úc của anh Mười.

Lăn lộn làm thuê cho chủ vườn cà phê ở Đắk Lắk, rồi anh mua được chiếc xe đạp đèo 2 thúng bơ đằng sau đi buôn bơ. Có thêm tí vốn, anh nâng cấp lên xe công nông đi buôn bơ. Rồi một sự kiện không may xảy ra, anh gặp phải tai nạn.

Việc buôn bơ bị gián đoạn mất 2 năm, anh lại đi làm thuê cho vườn cà phê. Năm 1995, anh Mười quay lại với việc buôn bơ, chặng đường rong ruổi đó anh gặp cô gái buôn bơ chịu thương chịu khó và họ đã lên vợ lên chồng.

Hai vợ chồng ngày ngày vào buôn lấy bơ, chuối, cà phê về bán, khó khăn chồng chất nhưng nhờ chăm chỉ, năm 2002 tích cóp và vay mượn được tiền, anh mua 1,3ha đất trồng bơ.

28 năm gắn bó với cây bơ, anh Mười là người hiểu về sinh trưởng của cây bơ nhất ở mảnh đất Tây Nguyên. Trồng bơ không chỉ là niềm đam mê, là làm giàu mà còn là khát vọng và tình yêu sâu sắc.

Anh muốn biến khát vọng nhân rộng cây bơ ra toàn vùng Tây Nguyên để thay thể cây muồng, trồng bơ để xuất khẩu, để xóa nghèo trên dải đất bazan. Anh kể rằng, thời điểm năm 2002 hầu như không ai quan tâm tới bơ, nhưng anh lại thấy bơ là cây có giá trị.

Trong quá trình buôn bơ, anh từng lùng sục hết các buôn làng nên biết bơ nào da đẹp, dáng đẹp, chất lượng ngon thì sẽ có giá trị gấp 4-5 lần so với bơ thường. Anh Mười bắt đầu mày mò ghép bơ, nhưng ghép 3-4 lần đều thất bại. Anh đến Viện Khoa học Nghiên cứu Nông lâm Tây Nguyên hỏi cách lai ghép giống bơ nhưng câu trả lời là chưa có ai nghiên cứu đề tài này.

Xem chuyên mục “Chuyện nhà nông”, anh điện thoại hỏi kinh nghiệm của thầy Lân Hùng, rồi mua sách về học cách ghép nhưng cũng không được. Sáu tháng sau, anh Mười đã trở thành nông dân đầu tiên ở Tây Nguyên ghép bơ thành công. Đem bơ vào trồng xen canh với cây cà phê, 3 năm sau 123 cây bơ của anh cho quả lúc lỉu.

Gs Nguyễn Lân Dũng thăm vườn bơ của anh Mười.

Lứa bơ đầu tiên quả to, da đẹp, chất lượng và giá bán vượt nhiều lần so với bơ thường. “Năm 2009 thầy Lân Hùng đến vườn bơ của tôi quay mô hình bơ ghép đầu tiên xen lẫn với cà phê.

Bơ ngày đó bán 12 nghìn đồng/kg, trong khi cà phê chỉ có 9 nghìn đồng/kg. Từ đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đặt hàng rất nhiều, ai cũng mừng”- anh Mười chia sẻ.

Anh Mười tính toán, trồng xen mỗi hécta cà phê thêm 120 cây bơ, thì sau 5 năm trở ra có thể thu thêm được 540 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 100 triệu vẫn còn khoảng 440 triệu, cao hơn 4 lần so với chi phí trồng cà phê.

“Trồng 1ha cà phê bằng 1 cây bơ tổ của tôi” - anh Mười nói. Trong vườn của anh Mười hiện có nhiều cây bơ tổ. Một cây bơ tổ của anh Mười cho 1 tấn quả/vụ, giá bán được 50 triệu đồng.

Anh Mười đang sở hữu 4 giống bơ quý như bơ ruột đỏ, bạt hạt lép, bơ Xuân Mười và bơ Tứ quý, hiện có giá bán 40-50 nghìn đồng/kg. Mỗi năm thu nhập của gia đình anh trung bình từ 5-6 tỉ đồng nhờ bán cây giống, thu nhập từ bán quả bơ trồng xen cà phê là 1,8 tỉ đồng, tiền bán cà phê là 400 triệu đồng.

Như vậy, mỗi năm vợ chồng anh Mười thu nhập từ 8-10 tỉ đồng và trở thành tỉ phú trên vùng Tây Nguyên. Anh Mười được bà con tin yêu và tôn vinh các danh hiệu như: “Nhà khoa học chân đất”, “Vua bơ”, “Mười bơ”.

Anh còn thường xuyên hướng dẫn trực tiếp hay thông qua trang web về từng kỹ thuật trồng bơ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho bơ, nhân giống bơ ra khắp Tây Nguyên. Anh còn được nhận nhiều bằng khen và danh hiệu Sao Thần nông của Bộ NN&PTNT…

Trở thành tỉ phú, anh Mười không bao giờ quên mình từng nghèo khó, anh lại là người có thiên phú về âm nhạc nên đã tham gia tổ chức nhiều chương trình từ thiện như “Blu trắng – đĩa cơm trên tường” và hàng tháng tổ chức một đêm nhạc từ hiện “chia sẻ yêu thương”…

Ở mỗi chương trình anh đều quyên tặng số tiền từ vài đến hàng chục triệu đồng, như có chương trình anh tặng một lứa thu hoạch của cây bơ tổ trị giá 50 triệu đồng…

GS Nguyễn Lân Dũng và anh Mười đang kiểm tra trái bơ Úc.

Bao năm nay, những trái bơ lúc lỉu xanh mướt trên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên đẹp là thế nhưng không xuất khẩu được. Lý do là so với bơ của các nước thì chất lượng bơ Việt chưa ngon bằng và quả bơ chỉ giữ được 10 ngày đã hỏng. Điều này làm một tỷ phú trồng bơ bận rộn như anh Mười vẫn luôn đau đáu là làm sao để đưa bơ Việt xuất khẩu?

May mắn và cơ duyên lại một lần nữa đến với anh Mười khi năm 2017 anh gặp GS Nguyễn Lân Dũng. GS đã gợi ý cho anh về giống bơ Úc có thể bảo quản lâu. Anh Mười rất vui và quyết định cùng GS sang Úc học hỏi kinh nghiệm.

Được sự giúp đỡ của tỷ phú Lê Xuân Phương và cũng là học trò của GS Nguyễn Lân Dũng, 3 thầy trò lên đường sang Úc lần thứ nhất. Khi nhìn thấy cây bơ, mắt anh Mười sáng lên.

Được làm việc, trao đổi với nhiều nhà khoa học của Trường ĐH Victoria và doanh nghiệp Úc về công nghệ chuyên bảo quản và chế biến quả bơ, một chân trời mới mở ra với anh. Không lâu sau, anh Mười lại sang Úc lần hai và lần này anh đã mang mắt bơ Úc về Tây Nguyên ghép và bắt đầu trồng thử nghiệm.

Không chỉ anh Mười mà các chuyên gia của Úc vô cùng thích thú khi giống bơ Úc trồng trên đất đỏ bazan của anh Mười lại cho kết quả quá tuyệt vời. Cây lớn nhanh, to, ra quả sớm. Nhập 5.000 mắt, anh ghép được 5.000 cây, 17 tháng sau đã cho quả với tỷ lệ cây sống lên tới trên 90%.

Nếu bơ trồng ở Úc phải 3 năm mới cho thu hoạch thì trồng tại vườn của anh Mười từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch chỉ 8 tháng. Đây là điều mà các bạn Úc khi sang thăm vườn bơ của anh Mười đều kinh ngạc. “Một chuyên gia Trường ĐH Victoria đánh giá, thổ nhưỡng, thời tiết ở Việt Nam tốt gấp 10 lần so với ở Úc”– anh Mười cười nói.

Anh Mười giờ đã nổi tiếng khắp các tỉnh Tây Nguyên và phía Nam vì cung cấp giống bơ Úc. Anh nói rằng, giống bơ Úc có nhiều ưu việt, ăn vô cùng ngon và giá thành có thời điểm lên tới 500 nghìn đồng/kg. Thị trường tiêu dùng trên thế giới chiếm tỷ lệ 82,75% nên trồng bơ Úc xuất khẩu không có mà bán.

Đặc biệt là bơ có thể chín trên cây cả năm không rụng, khi hái giữ được 12 đến 15 ngày không hỏng. Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk luôn động viên anh Mười phát triển giống bơ Úc trong tỉnh và vùng nguyên liệu Tây Nguyên vì thường có các đối tác Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản… hướng đầu ra cho giống bơ này.

Nhưng hiện mới chỉ có vườn của anh Mười trồng bơ Úc và tháng 11 này sẽ xuất khẩu lứa đầu tiên, thị trường tiêu thụ là nước Úc đang đón chờ. Trò chuyện với chúng tôi, anh Mười cho biết, trong tương lai anh muốn nhân rộng ra toàn vùng Tây Nguyên trồng giống bơ Úc để xuất khẩu và thay thế toàn bộ cây muồng ở Tây Nguyên.

Người Tây Nguyên hiện trồng cây muồng để che bóng mát nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Nếu thay toàn bộ bằng cây bơ thì không chỉ bao phủ bóng mát mà còn làm giàu cho bà con nông dân. Anh Mười cho biết, anh đang cho nhân giống bơ Úc đại trà, năm 2019 anh sẽ xuất ra thị trường hơn 10 vạn cây.

Chia sẻ với chúng tôi, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Tôi cho rằng đây là sáng kiến làm thay đổi vùng đất Tây Nguyên. Đây là thành công rất lớn của Mười, khi nào xuất khẩu được mẻ bơ đầu tiên, tôi sẽ kiến nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương cho anh ấy”.

Chúng tôi tin rằng, với sáng kiến của anh Mười không chỉ được UBND tỉnh Đắk Lắk ủng hộ mà còn được bà con cao nguyên vô cùng tin tưởng, bởi đó là con đường làm giầu chân chính, làm thay đổi kinh tế cho một vùng đất Tây Nguyên rộng lớn.

Trần Hằng – Nguyễn Hương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/8-503530/