Người gốc Á ở Mỹ vừa 'vô hình', vừa bị kỳ thị

Từ lâu trong lịch sử Mỹ, người gốc Á đã phải chịu sự kỳ thị và là nạn nhân của tội ác phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, từ khi đại dịch bùng phát, vấn nạn này mới được chú ý hơn.

"Không ai đến. Không ai giúp. Không ai quay lại sự việc”.

Kể từ khi vô tình bắt gặp câu nói trên, từng từ của nó vẫn văng vẳng bên tai Jose Antonio Vargas, nhà báo của Define American, một tổ chức tìm kiếm nhân đạo cho người nhập cư thông qua ngòi bút, theo CNN.

Câu nói đó là lời của Noel Quintana, 61 tuổi, một người Mỹ gốc Philippines từng bị chém vào mặt trên tàu điện ngầm ở thành phố New York vào ngày 3/2. Anh mô tả trải nghiệm của mình với các nhà báo của Washington Post và sau đó là với lãnh đạo thành phố trong cuộc biểu tình gần đây nhằm phản đối bạo lực đối với người Mỹ gốc Á.

Đối với Vargas, nhận xét của Quintana nhấn mạnh cách mà anh cho là người Mỹ gốc Á được nhìn nhận ở Mỹ: Họ là “kẻ vô hình trong những kẻ vô hình”.

 Người biểu tình chống lại làn sóng thù ghét đối với người châu Á ở New York vào ngày 27/2. Ảnh: Zuma Press.

Người biểu tình chống lại làn sóng thù ghét đối với người châu Á ở New York vào ngày 27/2. Ảnh: Zuma Press.

Có thể nói người gốc Á là nhóm dân phát triển nhanh nhất tại Mỹ. Họ bao gồm khoảng 20 triệu người có nguồn gốc từ hơn 20 quốc gia. Thế nhưng, sự phân biệt chủng tộc, kỳ thị và đối xử bất bình đẳng mà nhiều người Mỹ gốc Á phải chịu lại thường bị phớt lờ, anh Vargas nói.

Ở hiện tại, khi hàng loạt vụ tấn công gây xôn xao cộng đồng, điều này đang bắt đầu thay đổi.

Anh Vargas nói: “Tôi thật sự khá ngạc nhiên khi chứng kiến ‘người Mỹ chính thống’ nhận thức được sự ‘vô hình’ (của người Mỹ gốc Á)”.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, vấn đề phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á đang được quan tâm rộng rãi hơn. Những người ủng hộ và chuyên gia nhận xét rằng đây là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, việc tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn nạn này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Sự mờ nhạt 'che chắn'

Claire Jean Kim, giáo sư khoa học chính trị nghiên cứu về người Mỹ gốc Á, Đại học California, Irvine, cho biết: “Từ thời điểm những người Trung Quốc đầu tiên đến Mỹ vào thập niên 1850 cho đến nay, người Mỹ gốc Á không được coi là da trắng nhưng cũng không được coi là da đen”.

Theo nhiều cách, điều đó đã có lợi cho họ, cô Kim nhận định.

Người Mỹ gốc Á không phải chịu đựng đối xử bất công ở cấp độ như người da đen. Họ không phải đối mặt với rào cản và bất bình đẳng mang tính hệ thống như người da đen. Nhìn chung, người Mỹ gốc Á kiếm được nhiều tiền hơn và có tỷ lệ học lên cao hơn so với các nhóm chủng tộc khác.

Một sự thật khác là người Mỹ gốc Á không được góp mặt vào chính trị và ít xuất hiện trong văn hóa đại chúng. Thế nhưng, chính sự mờ nhạt đã che chắn họ khỏi các kiểu soi mói và nghi ngờ mà những người da đen, người Mỹ Latin, và người Mỹ bản địa phải hứng chịu, dẫn đến việc các nhóm trên thường xuyên là nạn nhân của các vụ bạo lực cảnh sát, cô Kim phân tích.

Bất chấp những điều nói trên, sự phân biệt và kỳ thị đối với gốc Á trong suốt lịch sử nước Mỹ vẫn là sự thật khó chối.

Thường bị coi là người ngoại quốc, người Mỹ gốc Á bị nhắm vào một cách có hệ thống trong những giai đoạn căng thẳng hoặc khủng hoảng. Chúng ta có thể thấy rõ điều này đang lặp lại ở hiện tại.

Biểu tình chống lại bạo lực đối với người Mỹ gốc Á vào ngày 20/2 ở New York. Ảnh: Getty.

Cuối những năm 1800, người lao động Trung Quốc bị coi là “dê tế thần” cho nền kinh tế suy giảm. Họ bị cấm nhập cư vào Mỹ. Trong Thế chiến II, người Mỹ gốc Nhật được cho là không trung thành và bị đưa vào các trại tập trung.

Vào thập niên 1980, một người Mỹ gốc Hoa tên là Vincent Chin đã bị nhầm là người Nhật và bị hai người đàn ông da trắng hành hung đến chết. Hai người này đổ lỗi cho Nhật Bản về chuyện họ mất việc trong ngành ôtô.

Sau sự kiện 11/9/2011, người Nam Á tại Mỹ nằm trong số những người bị cuốn vào làn sóng bài Hồi giáo.

Và, kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, vô số người Mỹ gốc Á đã bị ho vào, bị khạc nhổ, quấy rối và tấn công.

Tung Nguyen, chủ tịch của AAPI Progressive Action và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Người Mỹ gốc Á, cho biết người Mỹ gốc Á "phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc khi bị xem như vô hình”.

Anh cho biết “sự vô hình” đó ở mọi nơi.

Nó tồn tại trong hiện tượng “thiểu số kiểu mẫu”. Theo định kiến này, thành công của một số ít người đã che khuất đi sự bất bình đẳng rõ rệt mà các nhóm thiểu số khác đang phải trải qua. Nó che giấu đi sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, cũng như biện minh cho việc thiếu đầu tư vào một số cộng đồng nhất định.

Nó cũng tồn tại trong những thách thức về việc tiếp cận ngôn ngữ, ngăn cản nhiều người gốc Á tiếp cận các nguồn tài nguyên bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Có rất nhiều quan điểm nhìn nhận người Mỹ gốc Á như những người ngoại quốc có quyền lợi của một công dân Mỹ, như thể họ không phải chịu những bất lợi như những người ngoại quốc thật sự. Chính điều này đã khiến họ bị coi là mục tiêu có thể chấp nhận được, góp phần vào sự gia tăng bạo lực trong năm qua, Nguyen nói.

“Người ta sẽ dễ dàng làm tổn thương ai đó hơn khi họ vô hình. Sự vô hình của chúng tôi khắp mọi nơi”, anh nói.

Thế hệ trẻ không còn yên lặng

Các vụ tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á gần đây đã được chú ý hơn, tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc chiến chống kỳ thị.

Các liên minh đa chủng tộc đã cùng nhau tố cáo bạo lực. Những người nổi tiếng như diễn viên và vận động viên phản ứng gay gắt trước các vụ việc. Nhiều phương tiện truyền thông chính thống xuất bản nhiều câu chuyện hơn.

Bang California thậm chí phân bổ hơn 1 triệu USD để giúp theo dõi và điều tra các vụ việc liên quan đến bất bình đẳng và thù địch. Thành phố New York cũng ban bố một nỗ lực mới nhằm chống lại nạn kỳ thị.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự gia tăng nhận thức về vấn đề kỳ thị với người Mỹ gốc Á có thể xuất phát từ một số yếu tố dưới đây.

Một là, thế hệ người gốc Á trẻ hơn sinh ra và lớn lên ở Mỹ không còn cam tâm chịu đựng và im lặng như cha mẹ, ông bà của họ.

Vargas nói: “Thế hệ cha mẹ, cô dì chú bác, hay ông bà có thể sẽ không lên tiếng. Tuy nhiên, con cháu của họ sẽ làm điều đó vì chúng ta đang sống trong thời đại Internet. Họ biết cách sử dụng hashtag”.

Một cuộc biểu tình khác vào ngày 20/2 ở gần phố người Hoa ở Los Angeles nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực đối với người Mỹ gốc Á. Ảnh: Getty.

Tiếp đến, sự bùng nổ của mạng xã hội cho phép tin tức về các vụ kỳ thị lan nhanh và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một video đăng lên sẽ nhanh chóng được chia sẻ và phát tán rộng rãi, trong khi ngày càng nhiều nhà báo gốc Á tại nhiều tòa soạn luôn sẵn sàng khuếch đại các vụ việc.

Ngoài ra, vụ sát hại George Floyd vào tháng 5/2020 và làn sóng biểu tình sau đó đã đẩy các vấn đề về nạn phân biệt chủng tộc trở thành tâm điểm chú ý trên toàn quốc. Người Mỹ bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc hơn về vấn nạn này.

“Đã có sự thay đổi. Mọi người đã cảm nhận được rằng, ít nhất, chúng ta cần bàn luận về vấn đề phân biệt chủng tộc. Điều đó không có nghĩa là họ sẽ cam kết thay đổi vấn nạn một cách sâu sắc, nhưng ít ra người ta nói về nó”, cô Kim nhận xét.

Mâu thuẫn trong việc tìm giải pháp

Người ủng hộ và các nhà hoạt động phần lớn đều thống nhất trong việc kêu gọi thảo luận và chú ý nhiều hơn đến vấn đề thù địch và bạo lực đối với người Mỹ gốc Á. Thế nhưng, họ dường như mâu thuẫn với nhau về giải pháp.

"Vấn đề chính đối với chúng ta lúc này là: Chúng ta có nên tiếp tục chiến đấu với tư cách là một làn sóng người Mỹ gốc Á riêng biệt chống lại nạn kỳ thị người gốc Á? Hay, chúng ta nên xem nạn kỳ thị người gốc Á là một bộ phận của nạn phân biệt chủng tộc, và giải pháp nằm ngoài khả năng của người Mỹ gốc Á?”

Sau một loạt vụ tấn công tại khu phố người Hoa (Chinatown) ở Oakland, nhiều diễn viên đã treo thưởng 25.000 USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin để bắt những kẻ hành hung. Một số người lãnh đạo cộng đồng kêu gọi cảnh sát tăng cường giám sát trong khu dân cư.

Tuy nhiên, một liên minh gồm hơn 90 tổ chức Vùng Vịnh (California) lại đưa ra hướng tiếp cận khác. Họ kêu gọi các giải pháp dựa vào cộng đồng, chống lại những can thiệp có thể gây mâu thuẫn với phong trào Black Lives Matter.

Nhiều người khác lại kêu gọi nên quy các vụ tấn công gần đây vào loại tội ác vì thù ghét (hate crime). Họ cho rằng điều này sẽ giúp ngăn chặn những thủ phạm tiềm năng, mặt khác khuyến khích những người Mỹ gốc Á báo cáo về các vụ việc.

Sở Cảnh sát New York đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm chống Tội phạm Thù ghét Người gốc Á sau khi các vụ tấn công tăng đột biến vào năm ngoái. Những vụ việc gần đây ở Vùng Vịnh đã khiến quan chức ở hạt Alameda triển khai một đơn vị phản ứng đặc biệt tập trung vào tội phạm nhắm vào người gốc Á.

Phó cảnh sát trưởng Oakland thăm các tiểu thương ở phố người Hoa của thành phố vào ngày 16/2. Ảnh: Getty.

Dẫu vậy, việc khởi tố và truy tố tội ác vì thù ghét đòi hỏi phải chứng minh được động cơ thù ghét cụ thể, mà điều này lại khó có thể khó thực hiện.

Vicha Ratanapakdee, một người nhập cư Thái Lan 84 tuổi, đã thiệt mạng sau khi bị xô ngã một cách ác ý ở San Francisco. Gia đình của ông đã báo cáo vụ việc như một trường hợp tội ác vì thù ghét. Tuy nhiên, các quan chức thực thi pháp luật đã chỉ ra rằng không có bằng chứng cho thấy động cơ của hung thủ chỉ đơn giản là phân biệt chủng tộc.

Một thủ phạm được cho là đã xô ngã một người đàn ông 91 tuổi xuống đất ở phố người Hoa ở Oakland đã bị kết án một số tội danh, nhưng không có tội vì thù ghét trong số đó.

Một nhóm khác lại cho rằng không nên liên kết các vụ tấn công nổi tiếng gần đây với làn sóng bạo lực lớn hơn mà người Mỹ gốc Á đang trải qua kể từ khi đại dịch bùng nổ.

Giải thích cho điều này, Alvina Wong, giám đốc chiến dịch và tổ chức của Mạng lưới Môi trường châu Á Thái Bình Dương (Asian Pacific Environmental Network), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Oakland, cho biết cộng đồng người gốc Á thường xuyên gặp trộm cướp, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.

Wong nói: “Những tội ác và tình huống bạo lực xảy ra ở phố người Hoa đã xảy ra trong một thời gian”.

Cần sự chung tay từ các nhóm chủng tộc khác

Một số nhà hoạt động cấp tiến cho rằng mối đe dọa hiện nay bắt nguồn từ các vấn đề mang tính hệ thống như thất nghiệp, mất an ninh nhà ở và bất bình đẳng thu nhập.

Họ cho rằng cần một phong trào hoạt động kết hợp với các nhóm chủng tộc khác để giúp giải quyết những vấn đề lớn đó.

“Nếu chúng ta giải quyết vấn đề kỳ thị người gốc Á mà không giải quyết vấn đề kỳ thị người da đen và phân biệt chủng tộc nói chung, đó là một sai lầm”, anh Nguyen bày tỏ quan điểm.

Về phần Vargas, anh cho biết mình cảm thấy rất vui vì chứng kiến ngày càng nhiều nỗ lực.

Hàng trăm tình nguyện viên thuộc mọi chủng tộc đã tình nguyện hộ tống người Mỹ gốc Á cao tuổi nhằm đảm bảo an toàn cho họ. Các cộng đồng ở cấp địa phương đã tập hợp lại với nhau để bày tỏ tình đoàn kết của họ.

Anh nói: “Điều cần thiết là thực sự đưa tính liên kết vào các hoạt động. Sẽ như thế nào nếu chúng ta bảo vệ lẫn nhau? Làm hàng xóm của một ai đó là như thế nào? Đây có vẻ là những câu hỏi cơ bản nhưng tôi tin rằng chúng ta phải trả lời được những câu hỏi này thì đất nước mới an toàn hơn cho mọi người”.

Hồng Ngọc

Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-goc-a-o-my-vua-vo-hinh-vua-bi-ky-thi-post1190140.html