Người gỡ bẫy cứu muông thú

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh) đã phát hiện được 298 loài chim, 78 loài thú, 567 loài thực vật, trong đó một số loài chỉ có ở Việt Nam. Đặc biệt, 10 loài chim và 18 loài thú hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ khác nhau.

Vậy nhưng nạn săn bắt, bẫy thú rừng vẫn diễn ra khiến cho các loài động vật hoang dã nơi đây ngày một ít đi. Từng là thợ săn, nhưng hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Văn Toản (thôn 1, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) lại thường xuyên vào rừng tìm gỡ bẫy, giải cứu thú hoang dã.

Động lòng trắc ẩn

Năm 1985, ông Toản hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê ở ven rừng Kẻ Gỗ-một vùng rừng núi trù phú, xanh tươi và thi thoảng dân làng còn nghe tiếng hổ gầm, vượn rú. Lâu lâu, ông lại đi thuyền vào hồ Kẻ Gỗ đơm cá, lên rừng bẫy con thú nhỏ cải thiện bữa ăn. Dần dà, ông trở thành một thợ săn chuyên nghiệp và cả làng ông đều như thế, sống dựa vào rừng. Cho đến khi Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được thành lập, tình trạng săn bắt thú rừng mới bị cấm. Tuy vậy, săn bắt thú rừng đã trở thành một thói quen nên không phải ngày một ngày hai mà xóa bỏ được. Người dân vẫn lén lút đi bẫy thú trên rừng Kẻ Gỗ. Cứ thế, nhiều người săn bắt, thú rừng ngày càng ít đi...

Từ năm 1994 đến nay, khi được cán bộ bảo tồn tuyên truyền về công tác bảo vệ đa dạng sinh học, ông Toản không lên rừng bẫy thú nữa. Nhưng cũng có một nguyên nhân tác động mạnh mẽ khiến ông bỏ hẳn rồi tích cực ngăn chặn nghề bẫy thú. Chuyện là, cả làng của ông có thói quen thả trâu vào rừng ăn cây cỏ, thỉnh thoảng đi kiểm tra, khi trời mưa bão mới lùa trâu về chuồng. Có lần, 3-4 con trâu của làng bị dính phải bẫy thú nên bị thương nặng, buộc phải làm thịt để bán. Thấy bà con trong làng mất đi “cơ nghiệp” của gia đình, bác thợ săn ngày nào động lòng trắc ẩn, cảm thấy như mình đang gây ra lỗi lầm và muốn làm một điều gì đó để bù đắp. Mặc dù thời điểm đó, ông đã bỏ nghề bẫy thú được gần 3 năm.

 Ông Nguyễn Văn Toản làm công tác chuẩn bị để vào rừng Kẻ Gỗ gỡ bẫy thú.

Ông Nguyễn Văn Toản làm công tác chuẩn bị để vào rừng Kẻ Gỗ gỡ bẫy thú.

Năm 2006, ông Toản được dân làng tin cậy bầu làm trưởng thôn. Từ đó đến nay, ông đi rừng cùng các lực lượng chức năng gỡ bẫy thú. Kể cả bây giờ, khi đã thôi không làm trưởng thôn, hằng tháng ông vẫn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” cùng góp sức lên rừng gỡ bẫy. Ông Nguyễn Phi Công, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, kể: "Xuyên rừng gỡ bẫy chẳng đơn giản, đòi hỏi sức khỏe, bản lĩnh và nắm rõ phương thức của người đặt bẫy. Là "cựu thợ săn” nên anh Toản có kinh nghiệm phát hiện nhanh bẫy thú để tháo bỏ. Dù là một người dân bình thường, không có trách nhiệm phải làm công việc này, nhưng mỗi lần chúng tôi đi làm nhiệm vụ vẫn nhờ anh cùng góp sức xuyên rừng, gỡ bẫy. Thương anh nhiệt tình trèo đèo, lội suối nhưng chúng tôi cũng chẳng có gì đền đáp đáng kể...”.

Theo kinh nghiệm của ông Toản, mùa mưa là mùa bẫy thú nhiều, bởi đây là giai đoạn cỏ mọc xanh tốt nên loài thú đi kiếm ăn nhiều hơn. Có loại bẫy thú từ thô sơ đến hiện đại, từ bẫy bắt sống đến bẫy giết chết con vật như: Bẫy hầm, bẫy kẹp, bẫy thòng lọng... Để phát hiện bẫy không phải dễ, vì người đặt bẫy ngụy trang, che phủ cành lá rất kín đáo, chỉ có những người trong nghề mới nhận diện được. Vào mùa bẫy thú, ông cùng với các nhân viên của ban quản lý khu bảo tồn thu được hàng trăm chiếc bẫy. Nhìn vào đống bẫy thu nhặt được lên đến hàng nghìn chiếc mỗi năm, thử hỏi nếu không có hoạt động ngăn chặn, gỡ bỏ bẫy thú thì hằng năm có bao nhiêu con thú quý, có những loài sắp tuyệt chủng bị giết hại...?.

Một đợt đi gỡ bẫy thú có khi kéo dài vài ngày. Khi đôi chân mỏi rã thì ông Toản cùng cả đoàn mới quay về. Đi lên rừng phải di chuyển trên các địa hình phức tạp như suối sâu, dốc đứng, bụi cây rậm rạp, chưa kể gặp các loại côn trùng, rắn, muỗi, vắt... Có lần gặp người bẫy thú, ông Toản còn bị đe dọa. Phải là người có bản lĩnh, kinh nghiệm và thật tâm huyết mới dám đi. Trước khi vào rừng, ông Toản tự trang bị đồ bảo hộ cho bản thân. Một đôi dép rọ, một bộ áo mưa, đèn pin, chiếc dao phát, một chút lương thực... Tất cả gói gọn vào chiếc ba lô. Đặc biệt, ông tự chế một chiếc mũ vành, có vải màn phủ xuống quá cổ để đề phòng muỗi và vắt. Muỗi trong rừng nhiều vô kể, không cẩn thận sẽ bị sốt rét...

"Sợ rừng không còn tiếng muông thú"

Trong suốt gần 15 năm làm trưởng thôn, ông Toản đã cùng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ làm công tác tuyên truyền để bà con từ bỏ nghề này. Muốn bà con nghe và làm theo, bản thân ông Toản và gia đình phải làm gương. Trước tiên, ông vận động em trai mình là ông Nguyễn Văn Cường. Đến nhà, ông tâm sự tỉ tê, phân tích cái được, cái mất. Ông Cường còn nhớ, có lần đến nhà, ông Toản nói thế này: “Chú lên rừng bẫy thú chỉ được một vài bữa ăn, chi bằng dành thời gian đó trồng rừng vừa mang lại kinh tế, lại bảo vệ được rừng. Cái nghề đó bạc bẽo, sẽ phải trả giá”. Nghe lời anh trai, ông Cường bỏ nghề bẫy thú quay sang nhận khoán những quả đồi trọc để trồng rừng nguyên liệu. Đến nay, ông Cường đã chuyển đổi nghề lái xe tải và trồng gần 10ha cây keo, kinh tế gia đình khấm khá, có của ăn của để.

Nhiều người dân chưa hiểu rõ về bảo vệ đa dạng sinh học nhưng vì nể ông Toản, thấy ông nhiệt tình nên cũng cam kết không đi bẫy thú nữa. Hễ trong làng có người nào rục rịch chuẩn bị lên rừng bẫy thú là ông chủ động đến nhà nói chuyện, khuyên ngăn. Khi chúng tôi hỏi ông khuyên họ bằng cách nào, ông bảo: “Tôi cứ lấy dẫn chứng về bản thân. Trước đây, tôi cũng chuyên đi bẫy thú. Nơi nào nhiều thú, tập quán của từng loài, cách thức bẫy chúng như thế nào... tôi đều biết. Tôi tâm sự với họ vì sao tôi bỏ nghề bẫy thú”.

Với những người vẫn lén lút đi, ông Toản tìm cách báo cho cơ quan chức năng phối hợp ngăn chặn. Song song với việc tuyên truyền, vận động, ông Toản còn dùng các biện pháp “mạnh”, phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn và chính quyền địa phương dùng luật pháp để răn đe những đối tượng chuyên săn bắt thú rừng. Mới đây nhất, ông đi cùng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ vào rừng tháo bẫy thì bắt quả tang một nhóm người từ huyện Kỳ Anh đặt gần 300 chiếc bẫy thú, giao nộp cho công an điều tra vụ việc. Nếu không kịp thời phát hiện và gỡ bỏ các bẫy này thì chẳng mấy chốc các loài động vật hoang dã sẽ không còn bóng dáng trong những khu rừng.

Ông Toản trăn trở: “Có hôm đã đi tháo hết bẫy rồi, vài hôm sau quay lại vẫn thấy bẫy nằm la liệt. Rồi mai đây những người tâm huyết với việc này sẽ già đi, đôi chân chẳng còn nhanh nhẹn, cứng cáp thì làm sao mà lên rừng gỡ bẫy được. Thú rừng khi ấy có còn...”. Ông Toản chỉ mong Nhà nước tăng cường thực thi luật pháp để ngăn chặn hành vi săn bắt thú rừng hiệu quả và quan trọng hơn là kêu gọi sự đồng lòng của tất cả người dân trong việc bảo vệ rừng.

Chúng tôi ngồi thuyền đi dọc hồ Kẻ Gỗ đưa ông Toản lên rừng. Nước hồ xanh biếc, soi bóng những rừng cây. “Vào rừng vui nhất là nghe được tiếng chim kêu ríu rít, đàn thú lấp ló, chạy nhảy. Một khi khu rừng trở nên im ắng, vắng lặng tiếng muông thú thì chẳng khác nào ngôi nhà bỏ hoang”. Ông Toản nói vậy rồi tạm biệt, dáng người đàn ông nhỏ bé dần mất hút vào cánh rừng thâm u.

Bài và ảnh: HOA LÊ - BẬT HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/nguoi-go-bay-cuu-muong-thu-646338