Người giúp việc quăng quật bé gần 2 tháng tuổi sẽ phải đối diện với tội danh nào?

Người giúp việc có hành động bạo hành với bé gái gần 2 tháng tuổi tại Hà Nam có thể phải đối mặt với hàng loạt tội danh.

Ngày 23/11, Công an TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Hàn (còn gọi là Hoàn, 58 tuổi, trú tại Bình Thượng, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, Nam Định) để điều tra hành vi hành hạ cháu bé gần 2 tháng tuổi con chị N.T.P. (ở phường Quang Trung, TP Phủ Lý).

Hàn là người phụ nữ có hành vi đánh đập, tung hứng cháu bé gần 2 tháng tuổi trong 3 đoạn clip do chị N.T.P đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Hình ảnh đoạn clip chị P. đăng tải cho thấy, cháu bé con chị P đang nằm ở trên giường thì bà Hàn tiến lại gần liên tục dùng tay tát vào đầu.

Thấy bé chưa hết khóc, người phụ nữ giúp việc mắng chửi, tiếp tục đánh nhiều cái vào mông cháu bé. Đỉnh điểm, người phụ nữ giúp việc còn tung cháu bé lên trên không nhiều lần. Chứng kiến cảnh tượng này nhiều người giật mình, sợ hãi và phẫn nộ.

Hình ảnh người giúp việc bạo hành bé gái gần 2 tháng tuổi. Ảnh cắt từ clip.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm- Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, điều 37 Hiến pháp 2013 qui định: trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Vì vậy, theo luật sư Thơm, bà Hàn có thể bị xử lý hình sự về 2 tội danh “tội hành hạ người khác”; “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Cụ thể, điều 110 Bộ luật hình sự quy định “tội hành hạ người khác”: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; đối với nhiều người.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm- Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Theo luật sư Thơm, điều 104 Bộ luật hình sự quy định “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” sẽ có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ông Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho hay, ông đã xem qua clip và thấy rằng hành động của người phụ nữ giúp việc là không thể chấp nhận được. Dù trẻ em có quấy khóc hay có bực tức chuyện gì thì người giúp việc cũng thể đánh đập trẻ, đặc biệt với một bé gái mới chưa đầy 2 tháng tuổi.

“Các em nhỏ bị bạo hành không chỉ ảnh hưởng tới thân thể mà còn ảnh hưởng tới cả tinh thần. Nếu các em bị bạo hành nhiều lần sẽ ám ảnh, sợ hãi và lớn lên sẽ ảnh hưởng. Vì vậy, tôi cho rằng tất cả các hành động bạo lực với trẻ em không thể tha thứ và cần phải xử lý nghiêm”, ông Hữu chia sẻ.

Theo ông Hữu, đối với các bậc cha mẹ khi tìm người giúp việc cần phải kiểm tra xem người được thuê có đảm bảo sức khỏe hay không; có khả năng chăm sóc trẻ tốt không; có mắc các bệnh truyền nhiễm hay không. Đặc biệt về tinh thần, xem người giúp việc có bị lo lắng chuyện gì, hay mắc bệnh trầm cảm không để mình có lựa chọn sao cho hợp lý.

“Thêm nữa, cha mẹ cũng phải giám sát thường xuyên con mình. Buổi tối khi tắm cho con phải kiểm tra xem trên mình con có vết tím, bầm, xước hay không. Hoặc đối với trẻ lớn, bố mẹ cũng hỏi han con xem có hài lòng với người giúp việc hay không. Như vậy, theo tôi sẽ hạn chế được việc trẻ em bị bạo hành”, ông Hữu nói thêm.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người.

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân.

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người.

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.

e) Có tổ chức.

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Nguyễn Đức

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguoi-giup-viec-quang-quat-be-gan-2-thang-tuoi-se-phai-doi-dien-voi-toi-danh-nao-825591.html