Người giữ Thành cổ Quảng Trị và tình đồng đội

Trận chiến 82 ngày đêm giữ Thành Cổ Quảng Trị là bản hùng ca chói lọi về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng của Quân đội Việt Nam.

Mùa hè “đỏ lửa” năm 1972 quân ta đã chiến đấu với một đội quân tinh nhuệ nhất và vũ khí hiện đại bậc nhất được trang bị đến tận “răng” của đế quốc Mỹ xâm lược. Những chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Thành cổ đều là Anh hùng của dân tộc Việt Nam…

Tôi đọc cuốn “ Nhật ký chiến tranh” của Trình Văn Vũ (Tình Vũ) do Nxb Hội nhà văn ấn hành.

Trình Văn Vũ quê Quảng Ninh, là tiểu đội trưởng trinh sát thuộc đại đội 22, trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Hy sinh ngày 5-3-1971 tại chiến trường Quảng Trị trong một lần đi trinh sát.

Trong cuốn nhật ký trên còn in “Trích nhật ký chiến tranh của Nguyễn Đức Xuyên”.

Không ngờ Đức Xuyên lại cùng quê với tôi. Một buổi sáng đầu mùa hạ, tôi đến nhà anh và được anh kể cho nghe về diễn biến chiến dịch 82 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mà anh đã tham gia và tình bạn chiến đấu năm xưa giữa anh và Trình Văn Vũ trên đất lửa Quảng Trị.

Nguyễn Đức Xuyên SN 1947, quê xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây. Anh nhập ngũ tháng 5-1965. Được biên chế vào tiểu đội trinh sát do Trình Văn Vũ làm tiểu đội trưởng. Được Vũ tận tình dìu dắt từ bước đi chập chững ban đầu của người chiến sĩ. Hai người lại có chung sở trường thích đọc sách báo, sáng tác thơ văn và viết nhật ký. Vì vậy họ trở thành đôi bạn tri kỷ trong huấn luyện cũng như chiến đấu ngoài chiến trường.

Gia đình ông Nguyễn Đức Xuyên viếng mộ liệt sĩ Trình Văn Vũ

Trong một lần tiểu đội trưởng trinh sát Trình Văn Vũ và Nguyễn Đức Xuyên cùng một số chiến sĩ dẫn phó Trung đoàn Trưởng Khôi cùng một số cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội trinh sát một số cứ điểm của địch trong chiến dịch đường 9 – Nam Lào tháng 3-1971. Khi vào sát cứ điểm của Mỹ thì các anh bị địch phục kích. Vũ và một số chiến sĩ hy sinh. Nguyễn Đức Xuyên và Thiếu tá phó Trung đoàn Trưởng bị thương.

Sau khi điều trị, sức khỏe hồi phục, Xuyên trở lại đơn vị trinh sát. Là một chiến sĩ trinh sát gan dạ, dũng cảm và mưu trí nên anh được cử làm đài trưởng quan sát. Sư đoàn 308 đã cùng các Sư doàn 304, 325, 312 và các đơn vị khác tham gia chiến dịch 82 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 26-6 và kết thúc ngày 16-9-1972.

Về phía Mỹ có Sư đoàn dù, Sư đoàn thủy quân lục chiến, Sư bộ binh, nhiều đơn vị tăng, thiết giáp, pháo binh…Và một số đơn vị tinh nhuệ của Ngụy quân. Riêng pháo binh, chúng sử dụng trên dưới 10 nghìn quả đạn pháo các loại một ngày đêm, có điểm chúng dùng đến 30 ngàn quả đạn pháo một ngày đêm. Chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vô cùng khốc liệt, cả hai phía tổn thất rất nặng nề. (Ngày nay đến Nghĩa trang Quảng Trị ta hình dung rõ điều đó).

Người chiến sĩ trinh sát lặng lẽ và luôn luôn đi đầu để chuẩn bị cho những trận đánh của đơn vị. Gian khổ và ác liệt thì vô cùng khó có thể kể hết. Nhiệm vụ rất nặng nề. Đức Xuyên đã lập được nhiều thành tích trong chiến đấu suốt chiến dịch 82 ngày đêm… Tháng 6-1972 anh được kết nạp Đảng tại trận. Kết thúc chiến dịch, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Ba.

Một lần anh cùng đồng đội vào trinh sát một cứ điểm của Mỹ. Khi trở ra, dọc đường sa vào ổ phục kích của địch. Hai chiến sĩ hy sinh và 3 người bị thương. Đức Xuyên bị viên đạn bắn thẳng vào đùi và ra nhiều máu, sức khỏe yếu. Anh được ra Bắc điều trị. Ba tháng sau sức khỏe bình phục. Anh được bổ sung vào một đơn vị bộ binh. Tháng 2-1973 đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Anh được cử làm Trung đội trưởng trinh sát. Anh đã lập nhiều thành tích trong trinh sát và chiến đấu cho đến ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Năm 1977, anh phục viên với quân hàm Thượng sĩ, trợ lý quân nhu trung đoàn. Về địa phương được dân mến, Đảng tin nên anh được cử đi học lớp Trung cấp lý luận – chính trị 4 năm. Sau khi ra trường, anh được lần lượt cử giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội nông dân xã, phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp toàn xã, Trưởng Ban kiểm soát HTX, Chủ tịch MTTQ xã, phó Chủ tịch UBND xã kiêm Xã Đội trưởng, tiếp đến làm Trưởng CA xã, sau đó làm Bí thư Đảng ủy xã Bạch Hạ. Trong quá trình giữ những trọng trách ở xã, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy, anh đã cùng tập thể, đưa đảng bộ xã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội sau những năm dài chiến tranh.

Anh tâm sự: - Được tôi luyện trong chiến tranh, nhất là trên mặt trận Quảng Trị khốc liệt đã cho mình một ý chí sắt đá và quyết tâm phải hoàn thành bất cứ việc gì mà Đảng phân công.

Nhưng một ước vọng cháy bỏng bao năm nay canh cánh bên lòng đến nay vẫn chưa làm được, lòng anh day dứt khôn nguôi. Ấy là ra Quảng Ninh thăm mẹ người bạn, người đồng đội thân thiết đã hy sinh- Trình Văn Vũ. Giữa năm 2007, anh thu xếp công việc và rủ một số bạn đồng đội cùng ra Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh. Chưa ra vùng biển Đông Bắc bao giờ. Vừa đi vừa hỏi thăm mấy trăm cây số đường bộ, rồi đường biển mất hai ngày. Song tiếc thay, cụ vào đất liền nên anh không được gặp.

Anh nghỉ hưu đầu năm 2009, mới nghỉ được mấy ngày, anh ra Quảng Ninh. Tìm đến những người bạn mà khi ở chiến trường Vũ đã giới thiệu. Và họ mới “gặp nhau” qua những cánh thư. Ra Cẩm Phả, anh tìm gặp chị Kim Thoa. Cùng Kim Thoa ra Cái Rồng tìm gặp chị Bích Triệu. Sau đó 3 người ra đảo Minh Châu thăm mẹ Tình Vũ.

Mẹ và em trai Tình Vũ cùng gia đình biết hai người là đôi bạn cùng chia lửa ngoài chiến trường năm xưa nên rất mừng.

Xuyên kể cho mẹ nghe về gương chiến đấu dũng cảm của Vũ; những tình cảm của Vũ dành cho mẹ và người vợ mới cưới trước khi vào mặt trận nói riêng và quê hương đã gắn bó 18 năm cuộc đời thơ dại đến lúc trưởng thành. Anh kể cho mẹ và người thân của Vũ về chuyến đi trinh sát quan trọng ngày 5-3-1971 và Vũ hy sinh. Mẹ ôm lấy Xuyên mà nước mắt ướt đầm vai áo, tưởng như Vũ bé bỏng đã về với mẹ sau bao năm ròng vắng bóng,

Rồi anh cũng phải chia tay mẹ. Ôi! Thời gian ngắn ngủi quá, biết làm sao được. Đường sá thì xa xôi cách trở, lênh đênh 3 giờ trên tàu ngoài biển mới đến đảo quê hương của mẹ. Nhưng anh đã hứa sẽ ra thăm mẹ, và anh coi nơi đây là quê hương thứ 2 của mình.

Tháng 3-2011, Hội CCB Sư đoàn 308 và huyện Vân Đồn, Quảng Ninh mời anh ra dự Hội nghị gặp gỡ CCB Sư 308 ở Vân Đồn. Anh đến thắp hương viếng Trình Văn Vũ, hài cốt đã được gia đình, đồng đội và địa phương đưa về Vân Đồn năm 2010.

Bên mộ bạn, những hồi ức chiến tranh cứ ùa về trong anh như những thước phim. Trên mảnh đất Quảng Trị nóng bỏng khói lửa chiến tranh mà Đại đội 20 Trung đoàn 88 Sư 308 đã giáng cho Mỹ, ngụy những đòn sấm sét ở Khe Sanh – Lao Bảo năm 1968. Trên mặt trận Đường 9- Nam Lào năm 1971, rồi mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị. Những thất bại của Mỹ, ngụy; những thắng lợi của Sư 308 luôn gắn liền với những chiến công thầm lặng của người chiến sĩ trinh sát. Chính họ là những người đi đầu chuẩn bị cho những trận đánh, những chiến dịch thắng lợi mà đơn vị đã giành được.

Những đồng đội của Vũ, của anh ai còn ai mất? Đó là những khoảng trống, những khoảng lặng chẳng gì có thể bù đắp được. Chỉ là những nhớ thương vời vợi đến se lòng mỗi lúc hồi tưởng lại. Nhất là lúc này bên mộ Vũ, người tiểu đội trưởng, người bạn thân thiết nhất đời anh trong những năm kề vai sát cánh trên chiến trường Quảng trị…

Nhận được tin cụ Bùi Thị Nạp - 90 tuổi – mẹ Trình Văn Vũ từ trần. Anh vội vã ra Quảng Ninh viếng cụ. Xe xuất phát từ 7g sáng, qua 6 tuyến xe. 17g đến Cái Rồng (gia đình cụ về đây năm 2010). Nhưng tiếc thay không kịp tiễn mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang cụ đã cử hành lúc 13g.

Tuy nhiên, anh lại được gặp một số đồng đội năm xưa như các anh: Hùng, Nhung, Thường, Vui, Vệ, Cường, Lầy… Họ ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi nước mắt lưng tròng. Họ hồi tưởng chặng đường năm xưa. Những hồi ức của họ về một thời tuổi trẻ giữa máu và hoa.

Để ghi lại dấu ấn của tình bạn trong khói lửa chiến tranh, khi ông bà sinh cậu con trai đầu lòng đã đặt tên cho cháu là Nguyễn Tình Vũ – nay Vũ đã là anh phóng viên Báo Giao thông vận tải.

Ngày 30-4-2015, Đức Xuyên cùng vợ (vợ Đức Xuyên là nữ văn công Sư đoàn 308 ), các con trai, con gái, con dâu và anh Hùng, đồng đội của Trình Văn Vũ đến thắp hương viếng mộ Trình Văn Vũ tại Vân Đồn. .

Ôi! Tình bạn tình đồng đội của Đức Xuyên và Trình Văn Vũ đáng trân trọng biết bao và đẹp như những giấc mơ!

Để khép lại bài viết này, tôi xin mượn lời anh Hùng – đồng đội của Vũ và Xuyên- nói với mọi người hôm Lễ tang cụ Nạp rằng: “Anh em chúng tôi thấy Xuyên nó ra đến đây mà chảy nước mắt. Thật không phải ai cũng làm được như nó. Đây là sự thể hiện rõ ràng nhất của tình đồng đôi, tình người thủy chung qua mấy chục năm. Nhất là tình bạn đã gắn bó qua thử thách trong khói lửa chiến tranh trên chiến hào đánh Mỹ”.

Ngày 25-5-2018

Phạm Bá Dực

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nguoi-giu-thanh-co-quang-tri-va-tinh-dong-doi-119302.html