Người giữ nghề thổ cẩm miền sơn cước

Với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống đã có từ bao đời nay ở quê hương mình, chị Lý Thị Ninh (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã cùng nhiều chị em ở địa phương cùng nhau thành lập tổ hợp tác sản xuất, phân phối sản phẩm. Không chỉ tạo ra sinh kế cho bản thân và gia đình, những người phụ nữ nơi đây đang góp phần lớn vào việc giới thiệu nét đẹp văn hóa vùng cao Tây Bắc đến với mọi người, nhất là khách du lịch trong nước và quốc tế.

Lưu giữ nét đẹp truyền thống

Xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có tới hơn 90% là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Những người phụ nữ H’Mông bao đời nay vẫn cần mẫn trồng lanh, dệt vải, tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm mang nét đặc trưng riêng có. Đi qua những cung đường đèo dốc ở vùng núi cao này, không khó để bắt gặp những người phụ nữ xúng xính trong chiếc váy xòe mang đủ màu sắc của núi rừng, đi xuống chợ, đi lên nương hay đi chơi trong những dịp lễ hội…

Chị Lý Thị Ninh giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm của địa phương. (Ảnh: C.Tiến)

Chị Lý Thị Ninh giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm của địa phương. (Ảnh: C.Tiến)

Để có được những chiếc váy sặc sỡ như thế, mỗi người phụ nữ ngay từ khi còn nhỏ đã được bà, mẹ truyền lại cho cách trồng cây lanh, se sợi, dệt vải rồi thêu thùa. Và rồi, đến tuổi trưởng thành, mỗi người phụ nữ đều phải tự tay làm cho mình những chiếc váy đẹp nhất trước khi về nhà chồng. Qua năm tháng, bộ trang phục thổ cẩm truyền thống trở thành “thước đo” tay nghề và sự khéo léo của những người phụ nữ nơi đây. Ai cũng muốn khoác lên mình bộ váy áo đẹp nhất, chỉn chu nhất nên ngay từ khi bắt đầu làm, họ đều rất nâng niu, trau chuốt từng công đoạn.

Đầu tiên là công đoạn tạo ra sợi lanh, vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, đồng bào H’Mông nơi đây bắt đầu gieo trồng cây lanh và đến tháng 7, tháng 8 mới thu hoạch. Sau đó, người dân đem cây lanh ra phơi nắng cho khô rồi tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt cho mềm. Sau đó đem luộc, đến khi thấy sợi lanh mềm và trắng thì mang ra phơi nắng cho khô, rồi chia ra từng sợi mảnh trước khi mắc vào khung cửi để dệt.

Sau công đoạn dệt là đến công đoạn vẽ sáp ong, rồi nhuộm chàm, lúc nào vải có màu sẫm mang đi nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra để lại những hoa văn màu xanh lơ. Phần hoa văn trên vải từ những nét vẽ sáp ong sẽ được mang đi thêu. Họa tiết hoa văn trên nền trang phục H’Mông chủ yếu là các hoa văn hình học như hình vuông, chữ nhật hay hình thoi…

Thông thường một bộ trang phục phải mất từ 2 đến 3 tháng mới có thể hoàn thiện, với những bộ cầu kỳ để dành đi lễ, đi hội thì phải cần đến 5 tháng mới có thể làm xong. Từ khâu dệt vải lanh, nhuộm vải, cắt may, khâu, thêu họa tiết đều được làm thủ công, vì thế giá trị của sản phẩm cũng có giá thành cao, khoảng từ 3 đến 10 triệu đồng mỗi bộ.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nét truyền thống của nghề dệt lanh, nhất là công đoạn vẽ hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người H’Mông đang dần bị mai một. Đồng bào H’Mông không còn dành nhiều thời gian cho việc may vá, mà đã chuyển sang dùng nhiều quần áo may sẵn hoặc chọn mua những loại vải có chất liệu rẻ tiền cắt sẵn để may.

Không đành lòng để nghề truyền thống bị mai một, bà con nơi đây đã cùng nhau tập hợp lại, thành lập các nhóm dệt, thêu để giữ nghề. Năm 2009, mô hình Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm tại bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha đã được thành lập, hơn 20 hội viên là các chị em người Mông tham gia trên cơ sở phát huy khả năng chuyên môn sẵn có của mỗi hội viên.

Đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường

Năm 2019, nghề dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha được công nhận là nghề truyền thống. Chị Lý Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng cho biết: “Hiện nay, làng nghề có 35 thành viên. Những năm qua, chúng tôi được Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật thêu dệt để tạo thành các sản phẩm đa dạng cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm của chúng tôi giờ đã đa dạng hơn, như váy, áo, vỏ gối, khăn quàng, túi, ví... Các sản phẩm hiện không chỉ bán ở trong huyện, trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở nhiều địa phương khác, như: Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai) và xuất khẩu sang thị trường châu Âu”.

Các chị em phụ nữ trong Tổ được phân công sản xuất theo từng công đoạn. (Ảnh: NVCC)

Để nâng cao tay nghề cho các hội viên, Tổ dệt còn phối hợp Trung tâm dạy nghề của huyện Mù Cang Chải mở lớp tập huấn cho 26 chị em về nghề thêu dệt thổ cẩm, dệt khăn len, cải tiến mẫu mã, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. “Sản phẩm làm ra đến đâu đều được thu mua đến đấy. Trung bình mỗi tháng, mỗi chị em có thêm thu nhập 5-6 triệu đồng. Trong nhóm, chị em nào tranh thủ làm lúc rảnh rỗi cũng được 2-3 triệu đồng”, chị Lý Thị Ninh vui mừng cho biết.

Chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi được các hội viên trong nhóm xác định phải luôn đảm bảo, ngoài ra, việc mở rộng thị trường, kết hợp lồng ghép việc giới thiệu sản phẩm vào các điểm du lịch tại địa phương cũng được các chị, em hướng tới để đảm bảo đầu ra ổn định. Chị Ninh cùng mọi người luôn tích cực tham gia các diễn đàn khởi nghiệp, các triển lãm nghề thủ công trên toàn quốc, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá trên mạng xã hội để nhiều người biết đến.

Bên cạnh đó, với mong muốn truyền nghề cho thế hệ sau, chị Lý Thị Ninh đã lên ý tưởng kết hợp với các trường học cho học sinh tập thêu. Năm 2019 có gần 50 học sinh tham gia thêu. Chị Ninh chia sẻ, thời gian tới, nếu được chính quyền địa phương hỗ trợ phối hợp với các trường học mở rộng các lớp tập dệt, thêu cho học sinh ngay tại làng nghề, chị sẽ cùng hội viên trực tiếp dạy cho các em.

Với những nỗ lực của các hội viên, Tổ làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng nhiều năm liền được biểu dương, khen thưởng. Mới đây nhất, tháng 10/2020, tại lễ trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, chị Lý Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ làng nghề dệt thổ cẩm cũng đã xuất sắc là 1 trong 8 tác giả đạt Giải Tác động xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững với những đóng góp tích cực của mình trong việc lưu giữ, phát triển nghề dệt truyền thống ở địa phương và góp phần hiệu quả vào việc tạo thu nhập, đem lại sinh kế cho người dân nơi đây, đặc biệt là các chị em phụ nữ./.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-giu-nghe-tho-cam-mien-son-cuoc-115167.html