Người giữ nghề múa rối ở Hà Tĩnh

'Người ta chẳng bao giờ biết mặt diễn viên múa rối xấu đẹp ra sao, tất cả cái thần, cái hồn, cảm xúc của người diễn đã gửi vào hết con rối rồi' - nghệ sỹ múa rối Như Tình (Nhà hát Truyền thống Hà Tĩnh) tâm tư về nghề như thế.

Nguyễn Như Tình (SN 1966) là thí sinh duy nhất của khu vực Bắc miền Trung trúng tuyển vào khóa học diễn viên múa rối của Nhà hát Múa rối Trung ương giai đoạn 1986 – 1990. Sau khi tốt nghiệp, vượt qua hàng ngàn thí sinh, anh lọt vào danh sách 18 thí sinh xuất sắc dự tuyển cho đoàn múa rối Đắk Lắk vừa được thành lập năm 1991. 20 năm là diễn viên kỳ cựu của đoàn Đắk Lắk, anh trở về đầu quân cho Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh (nay là Nhà hát Truyền thống Hà Tĩnh).

Nghệ sỹ Như Tình say sưa thả hồn với những con rối (nghệ sỹ biểu diễn tiết mục Huyền thoại Chămpa)

Múa rối vốn được biết đến là một môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống và có sự kết hợp linh hoạt các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như chèo, tuồng, quan họ… Ngay từ khi mới vào nghề, nghệ sỹ Như Tình luôn trăn trở làm thế nào để qua múa rối có thể lồng ghép được loại hình dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào trong đó.

Anh chia sẻ: “Tại sao các vùng miền khác đã có loại hình múa rối lồng ghép dân ca mà một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như ví giặm lại không thể phát huy hiệu quả trong múa rối được. Tôi luôn trăn trở về điều đó. Và ngay sau khi về đầu quân ở Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh, tôi đã viết kịch bản, dựng vở diễn “Nét Hồng Lam” để tham dự Liên hoan múa rối quốc tế lần 3 tổ chức năm 2012. Vở diễn đã giành giải bạc và được ban tổ chức đánh giá là có tính sáng tạo, cần được phát huy để góp phần bảo tồn cả hai loại hình múa rối và dân ca ví, giặm”.

Người bạn đời cũng vừa là "phụ tá" đắc lực, bạn diễn ăn ý của nghệ sỹ Như Tình

Sau nhiều thành công tại các liên hoan chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, Như Tình say mê với việc viết kịch bản, dàn dựng các vở diễn phục vụ công chúng. Trong câu chuyện về nghề, tôi đã được anh chia sẻ nhiều điều khá thú vị. Là diễn viên chuyên nghiệp duy nhất của đoàn nên hầu hết các tiết mục anh phải độc diễn. Có nhiều lúc nhà hát không thể bố trí được diễn viên từ đội ca múa kịch hỗ trợ, anh một mình kiêm luôn hai ba nhân vật, đổi nhiều tông giọng mà khán giả vẫn không thể nhận ra là chỉ một người nói. Và người “phụ tá” đắc lực, bạn diễn ăn ý của anh không ai khác lại chính là vợ anh - một giáo viên mầm non.

Ngoài thời gian lên lớp, cô vẫn thường cùng chồng chăm chút cho từng con rối, luyện tập cùng nhau và những tối anh đi diễn, cô cũng tay xách nách mang đạo cụ để hỗ trợ cho chồng. Thậm chí, đã không ít lần cô lên sân khấu biểu diễn cùng chồng không khác gì một diễn viên chuyên nghiệp. Cô cũng là người đưa múa rối vào trường học khi biên đạo tiết mục cho học sinh của mình tham gia các hội diễn ở trường mầm non.

Cũng chính tình yêu và sự hỗ trợ của người vợ đã cho anh động lực để sáng tạo nên nhiều tiết mục múa rối dựa trên các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Nhiều tiết mục đã công diễn phục vụ khán giả nhí và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình như: Huyền thoại Chămpa, Tham thì thâm, Liên khúc trăng rằm, Vui cùng chú Cuội, Xứng danh họ nhà mèo, Dê đen dũng cảm...

“Những bài học đạo đức trong trường học thường rất khô khan, giáo điều, khi được biến tấu thành các tiết mục múa rối với nhạc điệu sôi động, hình tượng con rối với cử động ngộ nghĩnh đáng yêu lại rất thu hút các bạn nhỏ. Cứ sau mỗi buổi diễn, các bạn nhỏ lại vây quanh tò mò sờ nắn con rối, hỏi han đủ thứ. Những ánh mắt ngây thơ, háo hức của các em là niềm tin để tôi sống trọn vẹn với nghề.” - nghệ sỹ Như Tình chia sẻ.

Tình yêu của khán giả là động lực để nghệ sỹ sống trọn vẹn với nghề

Dù sống hết mình với nghề là vậy nhưng những khó khăn mà người nghệ sỹ gặp phải cũng không hề nhỏ. Hiện nay, đội múa rối của nhà hát chỉ có một mình anh là diễn viên chính nên công việc rất vất vả. Mà để một tiết mục rối thành công cần đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc. Trong khi đó, hiện nay, loại hình múa rối hầu như không được địa phương đầu tư phát triển.

Nguồn kinh phí 30 – 40 triệu đồng/năm cho đội múa rối là quá ít ỏi. Bởi như chia sẻ của anh thì chi phí cho một con rối, đạo cụ đã hết hàng chục triệu đồng, chưa tính đến những chi phí phát sinh bên ngoài như đạo diễn, biên đạo, tiền công tập luyện, biểu diễn cho diễn viên... Vì niềm đam mê với những con rối, sự trăn trở với nghề mà hàng năm anh vẫn tự bỏ tiền túi ra dựng một vài tiết mục mới để phục vụ công chúng và duy trì bộ môn nghệ thuật này tại Hà Tĩnh.

Đặc thù của môn nghệ thuật này là khán giả không biết mặt diễn viên mà chỉ nhìn thấy các con rối, do vậy, đầu tư cho múa rối không chỉ góp phần bảo tồn, phát triển loại hình này mà còn có thể giúp giải quyết việc làm cho một bộ phận nghệ sỹ ca múa kịch đã lớn tuổi, không đáp ứng được yêu cầu của những thể loại biểu diễn đòi hỏi ngoại hình. Đó cũng là một trong những điều mà nghệ sỹ rối Như Tình trăn trở trong bối cảnh nghề múa rối nói riêng, nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói chung đang dần bị mai một.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/nguoi-giu-nghe-mua-roi-o-ha-tinh/161600.htm