Người giữ lửa ở ngôi nhà điện ảnh Hà Nội

Đã lâu lắm mới lại gặp anh, đạo diễn/nhà quay phim Đan Thiết Thụ. Vẫn con người nho nhã nhỏ nhắn như mấy chục năm trước, ngồi khiêm tốn trong một quán trà hè phố những ngày mưa Hà Nội. Cứ nghĩ anh nghỉ công tác đã lâu, nhưng anh cười nhỏ nhẹ cho biết: 'Mình là người yêu điện ảnh, lại được đào tạo bài bản cẩn thận, phải cống hiến đến hơi thở cuối ông ạ'.

Đạo diễn/nhà quay phim Đan Thiết Thụ.

Đạo diễn/nhà quay phim Đan Thiết Thụ.

Đan Thiết Thụ sinh tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp quay phim tại trường Điện ảnh Việt Nam năm 1697, sau đó là trường Điện ảnh Matscova năm 1973. Sau khi học xong, ông trở thành quay phim chính của hãng phim truyện Việt Nam với hạng chục phim truyện nhựa như: Hai bà mẹ, Phía Bắc Thủ đô, Chị Nhàn, Phương án 3 bông hồng, Tọa độ chết (hợp tác với Liên Xô) và còn nhiều phim nữa.

Từ 1991 ông là Giám đốc hãng phim Hà Nội, là đạo diễn, đồng Đạo diễn nhiều phim tài liệu video: Chủ tịch Hồ Chí Minh với khoa học kỹ thuật, Nơi ấy Hà Nội, Cu Ba giữa lòng Hà Nội, Hà Nội nhớ về Thủ đô kháng chiến và nhiều phim nữa được tặng nhiều giải thưởng của hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Cuối năm 1995, ông cùng một số nghệ sỹ điện ảnh thành lập hội Điện ảnh Hà Nội và cho đến nay, hoạt động của Hội vẫn được thực hiện đều đặn. Hội Điện ảnh Hà Nội đã tập hợp được nhiều nghệ sỹ điện ảnh trong cả nước. Nhiều nghệ sỹ là hội viên hội Điện ảnh Việt Nam, họ cùng tụ họp và đóng góp với tấm lòng yêu Hà Nội bằng kinh nghiệm, kiến thức Hà Nội như: Đạo diễn Đào Trọng Khánh, Bùi Đình Hạc; nhà Sử học Trần Quốc Vượng,... Anh vẫn hay đùa "Mình lưu ban hơi lâu".

25 năm làm Chủ tịch hội Điện ảnh Hà Nội, từ những ngày đầu chỉ có 30 hội viên, nay đã phát triển tới 300 hội viên, với 16 Chi hội nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sáng tác, tổ chức nhiều đợt, nhiều trại sáng tác, tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh các nghệ sỹ và kết nghĩa hợp tác với nhiều hội Văn học Nghệ thuật ở các địa phương.

Những năm gần đây, anh có nhiều suy nghĩ và phối hợp với hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức kịp thời và thành công triển lãm Vẽ về Trường Sa của 2 họa sỹ Đặng Công Ngoãn và Đặng Công Ngoạn. Triển lãm được lãnh đạo thành phố khen ngợi, bạn bè đồng nghiệp và dư luận đánh giá rất cao. Anh cũng đã cùng kiến trúc sư Lê Tiến vận động tài chính cùng nhóm hội viên Chi hội Mỹ thuật kiến trúc sản xuất thành công bộ phim tài liệu Có một người Hà Nội như thế. Bộ phim được công chúng đón nhận và nhận giải của hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đạo diễn/nhà quay phim Đan Thiết Thụ (Thứ 3 từ trái qua).

Tổ chức các chuyến điền dã, trại sáng tác cũng là một công tác được các anh quan tâm. Các hoạt động này được tổ chức đều đặn hàng năm và đã cho ra đời nhiều kịch bản phim truyện, phim tài liệu có chất lượng cao như: Mùa hoa loa kèn, Lê Thái Tổ từ núi Lam Sơn tới Hồ Hoàn Kiếm,... và kịch bản Người mẹ Hà Nội được đạo diễn Hải Ninh gửi gắm là kịch bản ông viết sau 40 năm của thành công phim truyện Em bé Hà Nội. Ấy thế nhưng, anh vẫn trầm ngâm như nói riêng với người viết, "quá nhiều dự định, quá nhiều công việc mà chưa thực hiện được ông ạ".

Thoáng buồn thế rồi anh lại hồ hởi cho biết: "Ngay tới đây, cũng qua hình thức xã hội hóa, mình lại cùng Kiến trúc sư Lê Tiến và nhóm cộng sự sẽ đưa vào sản xuất phim tài liệu Nơi ấy Bác Hồ đặt tên của tác giả Cao Ngọc Thắng. Đây cũng là kịch bản nhận được nhiều lời khen và sự ủng hộ từ Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội”.

Tin tưởng và hy vọng, tập thể hội Điện ảnh Hà Nội cùng Chủ tịch Đan Thiết Thụ và nhiều nghệ sỹ đạo diễn tài năng đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiều dự án tốt đẹp đóng góp cho điện ảnh nước nhà, cho Thủ đô.

Chia tay anh trong cơn mưa chiều vừa tạnh. Nắng Thu lại vàng trên hè phố. Cảm ơn anh, cảm ơn những con người đam mê, tâm huyết và yêu Hà Nội. Những người cùng nhau giữ ngọn lửa đam mê ở ngôi nhà điện ảnh Hà Nội.

YÊN PHỤ

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/chuyen-lang-sao/nguoi-giu-lua-o-ngoi-nha-dien-anh-ha-noi-a293086.html