Người 'giữ lửa' nghề truyền thống

'Nghề truyền thống thì nhất định phải giữ và truyền dạy cho lớp trẻ trong làng, để sau này, cái dân tộc mình không mất đi bản sắc'. Đó là tâm sự của bà Trạc Thị Ngọn, dân tộc Cao Lan, thôn Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang - người hằng ngày vẫn thêu dệt thổ cẩm và truyền dạy cho lớp trẻ biết nghề truyền thống của tổ tiên mình.

Nghệ nhân Trạc Thị Ngọn (ngồi giữa) hướng dẫn các hội viên cách thêu, dệt thổ cẩm. Ảnh: Long Vũ

Chúng tôi đến Khe Nghè trong một buổi chiều tháng Bảy, mưa lất phất bay... Mất hơn một giờ lội qua những con suối mùa mưa, chúng tôi cũng tới được nhà bà Ngọn. Thấy chúng tôi đến tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà Ngọn vui vẻ kể: “Tôi là con thứ hai trong gia đình có 5 anh chị em. Nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ đều làm ruộng cả. Người Cao Lan nhà nào cũng trồng lúa, bên cạnh đó còn trồng bông và cây đay để dệt thổ cẩm, quần áo và trang phục để mặc. Nghề thêu, dệt thổ cẩm trước đây phát triển lắm. Từ nhỏ, khoảng 5 đến 6 tuổi, tôi đã được bà và mẹ dạy cho cách thêu, dệt thổ cẩm. Khi lớn lên, đến lúc lấy chồng, tôi đã biết thêu, dệt thành thạo. Tôi cũng không nhớ rõ, nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy các mẹ, các chị trồng bông, đay trên nương rồi kéo sợi thêu, dệt thổ cẩm rồi”.

Theo bà Ngọn, lúc đầu, nghề thêu, dệt thổ cẩm chỉ manh mún nhỏ lẻ trong các hộ gia đình ở Khe Nghè. Với công dụng chủ yếu là thêu, dệt trang phục, quần áo cho mọi người trong gia đình mặc. Sau này, nhiều hộ trong thôn đã tự thêu, dệt thổ cẩm thành các trang phục để đi bán tại các chợ trong bản khác. Theo phong tục của người Cao Lan, con gái trước khi lấy chồng phải tự tay thêu, dệt cho mình bộ quần áo cưới. Nếu không có quần áo thêu, dệt thổ cẩm và đặc biệt là đôi dải yếm mặc lần đầu trong hôn lễ thì người phụ nữ đó sẽ không may mắn về sau. Vì thế, những cô gái Cao Lan bao giờ cũng tự thêu, dệt cho mình một bộ trang phục thật đẹp, thật sặc sỡ trước khi cưới.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, những người con của dân tộc Cao Lan xuống núi định cư làm ăn sinh sống. Điều này tác động rất lớn đến nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào. Trong làng, số người biết đến nghề thêu, dệt thổ cẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, cuộc sống hối hả của nền kinh tế hiện đại, cộng với đời sống kinh tế đã khấm khá hơn nên bà con trong thôn dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những bộ trang phục hiện đại. Người trẻ không còn nhiệt tình với khung cửi, thêu, dệt thổ cẩm; người biết giữ nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống đến giờ không còn nhiều, điều này làm cho bà Ngọn rất trăn trở, suy nghĩ.

Thật may mắn, ước mơ bao năm muốn nghề thêu, dệt “sống lại” đã thành hiện thực, khi năm 2006, UBND huyện Lục Nam đầu tư dự án khôi phục và phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm ở bản Khe Nghè và bà Ngọn được coi là “linh hồn” của dự án. Bà Ngọn cùng một số phụ nữ có tuổi trong thôn biết nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào Cao Lan đã thành lập một Câu lạc bộ (CLB) thêu, dệt thổ cẩm. Hiện nay, CLB thêu, dệt thổ cẩm thôn Khe Nghè có gần 100 thành viên, chia làm 3 nhóm. CLB đã đóng góp rất lớn trong việc truyền dạy, bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.

Khi CLB thêu, dệt thổ cẩm ở Lục Ngạn được thành lập, ngoài vốn kiến thức được bà và mẹ truyền dạy thì bà Ngọn còn “lặn lội” tới tận các tỉnh có đông đồng bào Cao Lan sinh sống như: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ... để học hỏi, sưu tầm những mẫu áo váy xưa về nghiên cứu cách thêu rồi truyền đạt cho những thành viên trong CLB thêu, dệt của quê hương. Bà Ngọn chia sẻ thêm: “Ban đầu, lớp học rất đông thành viên tham gia, chủ yếu là phụ nữ có tuổi trong thôn. Sau dần, một số phụ nữ đành bỏ vì bận công việc gia đình. Lúc này, tôi lại đi đến “gõ cửa” từng nhà tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, rồi thuyết phục, kể về nét độc đáo, ý nghĩa sâu sắc của tấm vải thổ cẩm, trang phục truyền thống dân tộc mình và vận động các hội viên trong CLB ra lớp”.

Sau một thời gian dài, với sự nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn của bà Ngọn về cách làm ra vải thổ cẩm, rồi cách thêu từng chi tiết hoa văn trên quần áo, nhiều người đã thêu, dệt thành thạo thổ cẩm và CLB lại đông vui hơn. CLB thêu, dệt thổ cẩm ở thôn Khe Nghè đã sản xuất được nhiều sản phẩm thêu, dệt như: Quần áo dân tộc, vỏ gối, khăn trải bàn, tranh treo tường, túi thơm, khăn tay, túi trầu, khăn chùm đầu của dân tộc Cao Lan.

Chị Dương Thị Hà, một học viên của CLB thêu, dệt thổ cẩm, thôn Khe Nghè chia sẻ: Trong các sản phẩm thêu, thêu lâu và khó nhất là bộ quần áo dân tộc Cao Lan, phải làm liên tục trong vòng một năm mới xong; thêu cái quấn bụng (thắt lưng) cũng mất gần 2 tháng mới hoàn thành. Từ năm 2006 đến nay, Tổ sản xuất đã thêu hơn 1.000 sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá từ 120 nghìn - 10 triệu đồng. Nhờ đó, nghề thêu, dệt thổ cẩm ở Khe Nghè đã hồi sinh. Đến nay, cả thôn đã có 15 khung cửi, thêu và 70 người biết dệt. Cũng nhờ tri thức và sự tâm huyết với nghề truyền thống của bà Ngọn mà tiếng khung cửi lại vang lên đều đặn ở bản vùng cao này.

Cùng với sự cố gắng, nhiệt tình trong việc truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào Cao Lan, bà Ngọn đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của xã, huyện và tỉnh. Năm 2015, bà Ngọn được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-giu-lua-nghe-truyen-thong/